Liệu rằng nền kinh tế khu vực Eurozone có ''tái sinh''?

Liệu rằng nền kinh tế khu vực Eurozone có ''tái sinh''?

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

14:06 06/05/2024

Khu vực Eurozone đang trông đợi một "lá phiếu tín nhiệm" mạnh mẽ từ chính người tiêu dùng trong nước để đợt phục hồi kinh tế được mong đợi từ lâu cuối cùng có thể thành hiện thực.

Mọi điều kiện hiện tại đều thuận lợi để người dân chi tiêu trở lại: tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục, lương tăng mạnh và lạm phát đang được kiểm soát ở mức gần 2%. Các cuộc khảo sát doanh nghiệp bắt đầu cho thấy một tia hy vọng, và Kaweh Nemati - một doanh nhân bán lẻ ở Frankfurt- tin rằng sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi người mua quay trở lại chi tiêu nhiều hơn.

Người tiêu dùng châu Âu lên kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi

Nemati, chủ sở hữu một cửa hàng nhỏ ở khu Nordend chia sẻ: "Chúng ta phải duy trì thái độ tích cực và lạc quan - bất cứ điều gì khác đều đồng nghĩa với việc bỏ cuộc. Đến một lúc nào đó, người tiêu dùng sẽ phải nói rằng chúng tôi đã tiết kiệm đủ rồi. Hy vọng là khi viên gạch đầu tiên đổ, những viên khác cũng sẽ theo sau."

Năm 2024 đánh dấu cơ hội tốt nhất của khu vực Eurozone để vượt qua những gián đoạn kéo dài nhiều năm, từ đại dịch đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Với việc sản xuất vẫn trì trệ, các nhà hoạch định chính sách đang đặt cược vào chi tiêu của người dân để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, bằng chứng cho đến nay cho thấy điều này chưa thực sự diễn ra trong quý đầu tiên. Mặc dù dữ liệu tuần trước cho thấy khu vực đã thoát khỏi suy thoái và cả bốn nền kinh tế lớn nhất của Eurozone đều tăng trưởng vượt dự kiến, bức tranh tiêu dùng vẫn còn phức tạp, với cả Đức và Italy vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu nội địa yếu.

Mặt khác, các hộ gia đình Pháp đã chi tiêu nhiều hơn, và có một số dấu hiệu gần đây cho thấy sự phục hồi do người tiêu dùng dẫn đầu có thể đang thành hiện thực. Theo khảo sát doanh nghiệp của S&P Global, hoạt động của ngành dịch vụ tại khu vực Eurozone đã đạt mức cao nhất trong 11 tháng qua vào tháng 4, với các đơn hàng tăng cho thấy động lực này có thể được duy trì.

Dấu hiệu hoạt động kinh tế khu vực Eurozone đang trên đà tăng trưởng

Gã khổng lồ bán lẻ Hà Lan Ahold Delhaize NV, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Albert Heijn BV, tỏ ra lạc quan vào tháng 2 về triển vọng nhu cầu tiêu dùng của châu Âu sau khi doanh số bán hàng của các thương hiệu khác nhau thuộc Ahold Delhaize lần đầu tiên tăng trưởng tích cực trong quý 4 sau hơn 2 năm.

"Chúng ta đang ở một ngã rẽ," Antonio Espasa, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu tại Santander CIB chia sẻ. Ông cho rằng tăng lương, lạm phát giảm và khả năng ECB hạ lãi suất sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu trong nửa cuối năm và lâu dài hơn.

Espasa cho biết, "Tây Ban Nha có ​​tỷ lệ tạo việc làm mới cao hơn các quốc gia khác, thu nhập khả dụng thực tế đang tăng nhanh hơn.Đồng thời, dân số Tây Ban Nha đang tăng đáng kể. Điều này rất quan trọng đối với tiêu dùng. Thêm nhiều người đến đồng nghĩa với việc có nhiều người chi tiêu hơn."

Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán tiêu dùng tư nhân ở Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng gấp đôi so với khu vực Eurozone và gần bằng mức tăng trưởng ở Mỹ, nơi mà nhu cầu chi tiêu đang giúp nền kinh tế mở rộng với tốc độ đáng kể hơn.

Nếu những tác động như vậy có thể được lặp lại trên toàn khu vực, điều đó sẽ đồng nghĩa với một sự phục hồi mà các quan chức ECB mong đợi từ lâu và đã dự đoán - mặc dù họ luôn luôn ước tính quá cao mức tăng trong tiêu dùng tư nhân. Các dự báo mới nhất của họ, từ tháng 3, vẫn có thể quá lạc quan.

ECB kỳ vọng quá cao vào nhu cầu của người tiêu dùng

Antonio Espasa dự đoán mức tăng trưởng chi tiêu tư nhân chỉ đạt 0.7% trong năm nay.Con số ước tính trung bình của các nhà kinh tế thậm chí còn thấp hơn, chỉ ở mức 1%. Cả hai dự báo này đều thấp hơn so với mức 1.2% mà ECB kỳ vọng.

ECB từ lâu đã "đau đầu" với tâm lý chi tiêu thất thường của người dân khu vực. Chủ tịch Christine Lagarde gần đây đã nhấn mạnh hành vi chi tiêu của hộ gia đình là yếu tố tạo ra sự khác biệt lớn nhất giữa nền kinh tế châu Âu và Mỹ. Bà Lagarde chỉ ra các gói kích thích tài chính từ chính phủ Mỹ trong đại dịch và việc người dân Mỹ ít lo ngại hơn về các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine là những lý do khiến họ chi tiêu mạnh tay hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, bà Lagarde cho biết: "Có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến chi tiêu: chính sách tài khóa, giá năng lượng và bản chất của người tiêu dùng Mỹ vốn tự tin chi tiêu hơn và tiết kiệm ít hơn."

Mức tăng thu nhập khả dụng của châu Âu thấp hơn Mỹ

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi khu vực Eurozone. Sức mạnh chi tiêu của người dân Đức sẽ mang lại tác động đáng kể nhất. Người dân Đức từ trước đến nay luôn nằm trong nhóm thận trọng nhất khu vực. Họ lo lắng về những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Ukraine lên mô hình kinh doanh khí đốt giá rẻ của đất nước, và cả sự thiếu quyết đoán về chính trị của chính phủ.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đang bắt đầu xuất hiện. Chủ tịch Ifo, ông Clemens Fuest, trả lời phỏng vấn Bloomberg Television vào tháng trước rằng chi tiêu của hộ gia đình có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong quý 2. "Điều chúng tôi đang chờ đợi, cuối cùng có vẻ như sắp xảy ra", ông Fuest chia sẻ.

Vào Thứ Sáu, các nhà kinh tế của Deutsche Bank AG đã nâng dự báo cho năm 2024, lên mức tăng trưởng 0.3% - thay vì dự báo trước đó là giảm 0.2%. Lý do cho điều chỉnh này là họ tin rằng tiêu dùng tư nhân sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến ban đầu.

Điều kiện then chốt để kích thích và duy trì chi tiêu mạnh mẽ là người dân cần cảm thấy nền kinh tế ổn định hơn, ít biến động hơn.

Ông Rolf Bürkl, Giám đốc Môi trường tiêu dùng tại NIM, tổ chức chuyên thực hiện các cuộc khảo sát niềm tin tiêu dùng ở một số quốc gia, bao gồm Đức, cho biết: "Không có gì trong dữ liệu cho thấy khả năng tiêu dùng giảm mạnh. Tuy nhiên, có một yếu tố tâm lý quan trọng thường bị đánh giá thấp - đó là sự không chắc chắn. Sự không chắc chắn về tình hình kinh tế cũng quan trọng đối với chi tiêu của người tiêu dùng, giống như nó ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp."


Hầu hết người châu Âu vẫn chưa sẵn sàng tăng chi tiêu, giảm tiết kiệm

Sau nhiều năm lãi suất âm, khả năng kiếm lại tiền từ việc tiết kiệm đơn giản cũng đang kìm hãm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng. Mặc dù tổng tiền gửi tăng chậm hơn bình thường kể từ khi lạm phát bắt đầu leo thang, nhưng các khoản tiền gửi có lãi suất cao hơn trong thời gian dài đã tăng gần gấp 10 lần ở Đức và cũng tăng đáng kể ở các quốc gia khác.

Với việc ECB đang chuẩn bị cắt giảm lãi suất, một số động lực để tiết kiệm sẽ biến mất, điều này có thể thúc đẩy chi tiêu. Các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu ý định giảm lãi suất một phần tư điểm vào tháng 6, mặc dù Chủ tịch Lagarde hiện tại vẫn chưa đưa ra tín hiệu nới lỏng thêm sau thời điểm đó.


Người tiêu dùng châu Âu mong muốn lãi suất tiết kiệm cao hơn

Quay trở lại Frankfurt, một đợt bùng nổ mua sắm nữa dường như là điều mong đợi khẩn thiết. Đi bộ trên Berger Straße, con phố mua sắm dài nhất của thành phố, Nemati chỉ tay về phía một cửa hàng phụ kiện gia đình sắp đóng cửa.

Xa hơn một chút, các cửa hàng thời trang đang cố gắng thu hút khách hàng bằng những đợt giảm giá mạnh. Một số cửa hàng khác đang giảm giờ mở cửa, và rất nhiều cửa hàng đã bị bỏ trống trong một thời gian dài.

"Trong khoảng thời gian tới, chúng tôi mong đợi hoạt động kinh doanh sẽ trở lại mức trước đại dịch, mặc dù tôi ngày càng tin rằng điều đó sẽ không xảy ra," Nemati chia sẻ. "Nhưng hy vọng vẫn còn le lói."

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ