Chiến lược giao dịch các cặp tiền G7 của FX Trader JPMorgan London ngày 24/3

Chiến lược giao dịch các cặp tiền G7 của FX Trader JPMorgan London ngày 24/3

Đạt Nguyễn

Đạt Nguyễn

Currency Analyst

18:57 24/03/2020

Một tuần giao dịch đầy khó khăn và thử thách. Hãy cùng với Dubaotiente học hỏi các interbank trader sừng sỏ trên thế giới để xem họ hành động ra sao trong thời gian này nhé.

JPY (Charlie Cass)

Đã xuất hiện một vài tín hiệu tích cực trong vòng 24h qua trước tiên là việc Fed sử dụng ‘khẩu đại bác’ của họ và đóng vai trò người cho vay cuối cùng. Tiếp theo, số liệu về dịch bệnh Covid-19 ở Italia có vẻ đang dịu bớt lại. Cuối cùng, các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại ở thành phố Vũ Hán đã được dỡ bỏ. Hiện tại, cặp tiền USD/JPY không còn là thước đo tâm lý rủi ro lý tưởng nhất như chúng ta từng biết bởi hệ số beta (đo biến động so với thị trường) đang thấp hơn các cặp USD khác nhưng với các cặp tiền chéo của JPY thì lại vô cùng mạnh mẽ. Tôi tiếp tục nhận thấy hôm nay các quỹ tiền thật bên ngoài Nhật Bản tiếp tục đà bán tháo từ hôm qua thông qua các chi nhánh của chúng tôi, trong khi đó, giao dịch của các quỹ tiền thật nội địa lại im ắng và khá trái chiều trong thời điểm cuối năm tài khóa. Do đó, tôi nhận thấy rằng cặp USD/JPY sẽ tiếp tục phụ thuộc biến động đồng bạc xanh và không chạy ngược chiều so với tâm lý rủi ro. Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá này phản ánh Dollar Mỹ tạo đỉnh khi gần tới thời điểm đóng cửa phiên London. Quan điểm của tôi vẫn là đứng ngoài theo dõi cặp tiền này mặc dù chỉ số PMI sản xuất có thể rất xấu nhưng điều đó mọi người cũng đã lường trước. Theo dõi và tìm kiếm cơ hội trong khung từ 108.50 – 111.50.

GBP (Kamir Mir)

Trong khi lệnh cấm đi lại tại Vũ Hán đã được dỡ bỏ, ngày càng có nhiều nước châu Âu thất thủ trước đại dịch Covid-19 và nỗi lo ngại dịch bệnh lan rộng, chính phủ Anh đã ban hành thông báo sẽ thắt chặt đi lại của người dân. Thị trường phản ứng, đồng Bảng vẫn duy trì biên độ giao dịch rất lớn qua các giao dịch trong ngày, khoảng từ 1.14 tới 1.1950. Với biên độ giao dịch như vậy, rất khó để đưa ra chiến lược giao dịch có tính logic nhưng tôi tiếp tục nhận thấy áp lực bán từ các quỹ tiền thật, vẫn là xu hướng chính từ nửa đêm hôm qua cho tới nay. Một lực đột phá từ phe bán hoặc phe mua sẽ tạo ra một cú kéo thị trường theo một hướng nhưng tôi thấy điều đó sẽ chưa xảy ra trong hôm nay. Tính thanh khoản có vẻ ngày càng tệ do cả châu Âu đang bị cách ly sẽ gây ra ảnh hưởng lớn những nhà giao dịch chính, đây là viễn cảnh mà tôi đã phân tích từ trước và giờ chúng ta đã ở đây.

AUD-NZD-CAD (James Clark)

Sự lạc quan diễn ra trên thị trường vào sáng nay khi mà thị trường cổ phiếu nhận được tin vui từ Fed và cộng thêm kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại Ý dịu bớt. Đồng Aussie dẫn đầu mức tăng trở lại trong nhóm G-10 và các nhóm các đồng tiền Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi (CEEMEA), tăng khoảng 3% so với giá đóng cửa hôm qua sau khi bị bán xuống do các lệnh bán cuối ngày hôm qua. Nhưng không công bằng khi nói đây là dòng tiền từ việc bị siết trạng thái, bởi giới đầu cơ không thực sự mua vào giai đoạn này, thay vào đó tôi thấy lượng lớn vị thế bán ròng đồng USD bởi các quỹ phòng vệ (Hedge Funds) có thể là để kiếm lời. Dựa trên ‘Price Action’ vào đêm qua, quan điểm của tôi rằng thị trường đang rơi vào trạng thái khao khát không bị bỏ lỡ thời cơ tâm lý ‘Risk-on’ trở lại, khi mà chúng ta đã nhìn thấy một số tia sáng cuối dường hầm. Tuy nhiên, chúng ta chưa hẳn đã vượt qua thời khắc tồi tệ nhất và nhu cầu đồng bạc xanh hàng ngày từ các nhà quản lý tài sản có vẻ vẫn tiếp tục mà chưa sớm dừng lại. Mặc dù hôm nay cặp AUD/USD đã tăng nhưng vẫn duy trì quan điểm bán khống cặp tiền này và có thể mở thêm một ít vị thế bán tại vùng giá 0.6000. Giá đóng cửa trên vùng này sẽ là trở ngại lớn cho phe bán. Đồng Loonie chưa có mức tăng ấn tượng như Aussie do tâm lý mua bắt đáy đối với cặp USD/CAD. Đây là điều hợp lý trong bối cảnh BoC vẫn còn có khả năng hạ lãi suất và khởi động gói QE bởi nền kinh tế của Canada đang chịu hậu quả nặng nề khi giá dầu thấp và kinh tế Mỹ trở nên yếu đi. Vẫn duy trì quan điểm mua vào USD.

CHF (Jeffrey Simmons)

Trong phiên ngày hôm qua, có thời điểm tỷ giá EUR/CHF quay trở lại mốc 1.06 do nhu cầu từ các quỹ tiền thật tại Châu Âu, nhưng tại vùng giá này, diễn biến tỷ giá tiếp tục đi xuống khá mạnh. Mốc 1.06 sẽ là mốc kháng cự rất mạnh từ nay trở về sau. Chắc chắn là diễn biến tỷ giá EUR/CHF khá là ít so với mọi thứ khác ở hiện tại. Tuy vậy, hành động giá như thế này có lợi cho các trader giao dịch trong ngày và hạn chế biến động bất thường trong chiến lược của họ. Một lúc nào đó chiến lược này sẽ không có tác dụng nữa, nhưng hiện tại, chiến lược này vẫn tốt.

EUR (Jeffrey Simmons)

Đồng Euro đã tăng giá sau khi chạm mức đáy hôm qua nguyên nhân do đồng bạc xanh suy yếu trong nhóm G-7 như dự đoán. Tuy nhiên, dòng tiền vào cặp tiền này rất đa dạng, điều này rất đáng chú ý bởi thông thường, tôi nhận thấy xu hướng mua vào USD từ một phía nhiều hơn bởi các quỹ tiền thật trong vòng 3 tuần trở lại đây. Cho đến phiên hôm qua, đã có rất nhiều lực mua cặp tiền EUR/USD. Trên thực tế, các nhà quản lý tài sản và các công ty bảo hiểm/ hưu trí mới là những người mua ròng đồng Euro vào hôm qua. Dòng tiền của các doanh nghiệp cũng không đồng đều mặc dù chúng tôi là những người bán ròng. Thị trường nhiều khả năng sắp bắt đầu đánh giá nhu cầu dòng tiền trong tương lai và cơ cấu dòng tiền cuối tháng. Tôi kỳ vọng thứ Ba tuần sau (31/3) sẽ là một phiên giao dịch đầy biến động với khối lượng và biên độ giao động, nhưng có vẻ mọi thứ đang được triển khai từ bây giờ. Kết quả là rất có khả năng biến động giao dịch trong ngày sẽ lớn hơn và diễn biến tỷ giá cực kỳ khắc nghiệt trong thời gian tới. Đây sẽ là thách thức đối với tất cả chúng ta về mặt quản trị rủi ro nhưng cũng có thể đem đến cơ hội đối với những ‘active traders’. Đối với nước Anh ở thời điểm hiện tại, tình hình phong tỏa đi lại sẽ còn chặt chẽ hơn, do đó tôi kỳ vọng thanh khoản còn trở nên kém đi rất nhiều. Vẫn như mọi khi, tôi sẽ cố gắng hoạt động năng nổ nhất trong mọi hoàn cảnh, nhưng chưa có quan điểm chiến lược giao dịch rõ ràng đối với đồng Euro hiện tại. Việc EUR/USD tăng giá khá mạnh trong phiên hôm qua mà không bàn đến vị thế của bên bán ở các mốc cao khiến tôi nghiêng về chiến thuật đứng ngoài quan sát. Số ca tử vong tại Ý đã giảm trong 2 ngày qua là tín hiệu tích cực, nhưng tình hình vẫn rất bi thảm ở các nơi khác. Do đó, theo sát dữ liệu thị trường là việc cực kỳ quan trọng và để ý các tín hiệu tích cực trong điều kiện các gói kích cầu và nới lỏng được thực thi trên khắp các quốc gia. Điều này có thể là tín hiệu bắt đầu điểm đảo chiều ‘ trên góc độ tâm lý rủi ro hoặc tối thiểu là khiến tâm lý trở nên cân bằng hơn. Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã ở điểm đảo chiều, nhưng nếu đứng ngoài ở thời điểm này để chờ các tin tốt rõ ràng hơn thì cũng sẽ đánh đổi bằng việc bỏ lỡ phần lớn sóng hồi.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ