Từ bỏ chính sách “Zero Covid”, nền kinh tế Trung Quốc đã đến lúc nếm trái ngọt?

Từ bỏ chính sách “Zero Covid”, nền kinh tế Trung Quốc đã đến lúc nếm trái ngọt?

Lê Nhật Thanh

Lê Nhật Thanh

Junior Analyst

09:50 06/02/2023

Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Trung Quốc: Mở cửa trở lại để thúc đẩy tăng trưởng
Trung Quốc: Mở cửa trở lại để thúc đẩy tăng trưởng

Số liệu PMI phi sản xuất chính thức đã vượt quá mức trung lập 50, tăng từ ngưỡng 41.6 trong tháng 12 lên 54.4 vào tháng 1, trong khi PMI dịch vụ của S&P Global/Caixin tăng lên 52.9 từ mốc 48.0 trước đó. Điều này cho thấy sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12 năm ngoái và khi tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều thành phố có thể đã qua đợt cao điểm vào đầu tháng Giêng. Mặc dù sự bùng nổ gần đây trong lĩnh vực dịch vụ có thể là do nhu cầu bị dồn nén được giải phóng, nhưng cũng có khả năng điều này cho thấy sự phục hồi trở lại của tiêu dùng trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ của sự phục hồi này sẽ còn phụ thuộc vào việc thị trường lao động và thu nhập của người dân có thể cải thiện đến đâu.

Số liệu PMI sản xuất chính thức và của Caixin cũng được cải thiện trong tháng 1, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn là 50.1 và 49.2. Trong khi số lượng các đơn đặt hàng mới tăng lên, các quan chức của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đã lưu ý rằng có rất nhiều công ty báo cáo nhu cầu vẫn đang ở mức không đủ. Đây vẫn sẽ là vấn đề lớn nhất mà các công ty phải đối mặt. Hoạt động sản xuất vẫn duy trì ở mức yếu do một số công nhân nghỉ lễ kéo dài hoặc nghỉ làm do nhiễm Covid.

Chúng tôi hy vọng việc mở cửa trở lại sớm sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, những cơn gió ngược là vẫn còn do mất một thời gian để thị trường bất động sản có thể phục hồi, đồng thời xuất khẩu sẽ tiếp tục yếu trong bối cảnh nhiều thách thức hơn đang diễn ra trên toàn cầu.

Hơn nữa, việc Mỹ và các đồng minh hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến sự tăng trưởng của nước này, đặc biệt là trong trung và dài hạn. Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý với các hạn chế xuất khẩu do Mỹ áp đặt vào tháng 10 năm ngoái. Họ có thể sẽ hoàn thiện các điều lệ trong những tháng tới. Mặt khác, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến vào ngày 5-6 tháng Hai. Điều này liên quan tới vụ việc một khinh khí cầu của Trung Quốc bị phát hiện bay qua không phận Mỹ. Ông cho biết sẽ tới Trung Quốc khi có “điều kiện phù hợp hơn”. Sự việc này đánh dấu một bước lùi trong nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ-Trung kể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái.

Trên thị trường ngoại hối, USD/CNY có xu hướng giảm trong hầu hết tuần trước, xuống dưới 6.71 vào thứ Năm, trước khi quay đầu mạnh vào thứ Sáu để đóng cửa tuần ở mức 6.7980. Tương tự, USD/CNH đã tăng gần 500 pips vào tuần trước, đạt ngưỡng 6.81 vào thứ Sáu và giao dịch trên mốc 6.82 vào đầu phiên châu Á hôm nay.

Commerzbank

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ