Tại sao các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải cẩn trọng trong mọi phát biểu của năm 2021?

Tại sao các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải cẩn trọng trong mọi phát biểu của năm 2021?

Nam Anh

Nam Anh

Senior Economic Analyst

07:54 23/12/2020

Một sự bất cẩn trong ngôn từ có thể sẽ là một rủi ro thậm chí còn lớn hơn việc tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư hy vọng rằng đối với các nhà hoạch định chính sách, năm 2021 sẽ là năm của những phát biểu thận trọng.

Các ngân hàng trung ương và chính phủ đã giang tay giải cứu thị trường trong năm 2020, thổi bùng hệ thống tài chính toàn cầu với nguồn tiền mặt giá rẻ khổng lồ, thanh khoản dồi dào và những hứa hẹn hỗ trợ lâu dài trên quy mô lớn. Tất nhiên, các nhà quản lý quỹ không phải lúc nào cũng là mục tiêu trực tiếp của khoản hỗ trợ đó, nhưng hiệu quả là như nhau. Hệ thống tài chính toàn cầu đã đứng trước bờ vực sụp đổ vào tháng 3, tuy nhiên đã nhanh chóng hồi phục.

Một trong những lý do chính tại sao việc tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa đã rất thành công trong việc đưa các tài sản rủi ro lên khỏi vực sâu của sự tuyệt vọng là chúng được cam kết sẽ được duy trì không giới hạn.

Về mặt chính sách tiền tệ, thông điệp từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh và các tổ chức khác là: đừng nghi ngờ quyết tâm của chúng tôi. Rõ ràng, lãi suất thấp kỷ lục không thể chữa lành các nạn nhân của virus. Tương tự, các chương trình mua trái phiếu trên diện rộng, các kế hoạch hỗ trợ tiền lương hoặc một loạt các gói hỗ trợ với những cái tên viết tắt phức tạp cũng gặp vô vàn khó khăn trong việc giữ cho các doanh nghiệp tồn tại qua cú sốc của Covid-19.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây nằm ở những tín hiệu cam kết rằng những sự hỗ trợ sẽ tiếp tục được duy trì chừng nào còn cần thiết, rằng lãi suất sẽ vẫn được giữ ở mức sàn ngay cả khi lạm phát gia tăng và rằng các hình thức hỗ trợ chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng vô biên của các nhà hoạch định chính sách. Đây chính là yếu tố then chốt trong việc thuyết phục các nhà đầu tư quên đi những sự bất ổn, bỏ qua một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có tiền lệ trong thời bình và mua các tài sản rủi ro.

Câu hỏi bây giờ là làm thế nào các nhà hoạch định chính sách có thể duy trì cam kết đó để giữ cho mọi thứ ổn định?

Chìa khóa ở đây, ít nhất đối với các nhà đầu tư toàn cầu, chính là Fed. Fed, theo chính sách được công bố vào tháng 8 vừa qua, sẽ cho phép lạm phát tăng nóng, để bù đắp cho thời gian trì trệ trong vài năm qua, trước khi thực hiện tăng lãi suất. Và chỉ trong tuần trước, Fed cho biết họ sẽ tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD chứng khoán nợ mỗi tháng cho đến khi "những tiến triển đáng kể hơn xuất hiện" trong quá trình phục hồi.

Nhưng các nhà quản lý quỹ biết rằng việc xây dựng chính sách như vậy là 1 chuyện và giữ vững chính sách đó trong trường hợp hãn hữu là lạm phát thực sự nhanh chóng vượt quá mục tiêu 2% lại là 1 chuyện hoàn toàn khác.

Valentijn van Nieuwenhuijzen, giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Hà Lan NN Investment Partners, cho biết: “Tôi không nghĩ các ngân hàng trung ương sẽ phải xem xét lạm phát, bởi vì tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ áp lực lạm phát nào.”

Tuy nhiên, đó là một rủi ro đáng được xem xét nghiêm túc và có thể khiến các ngân hàng trung ương phải dè chừng, và có thể khiến họ phải phát đi một tín hiệu gợi ý rằng sự hỗ trợ sẽ không tồn tại mãi mãi. Những ai còn nhớ về cú bán tháo trên các thị trường vào năm 2013, khi Chủ tịch Fed lúc đó là Ben Bernanke đưa ra nhận định tương tự về việc giảm quy mô nới lỏng định lượng sau năm 2008, đều biết rằng bất cứ tín hiệu tương tự như vậy có thể gây ra 1 biến động khá khủng khiếp.

Việc tăng lãi suất sớm, ngay trong năm tới, không có nhiều rủi ro xuất hiện. Đơn giản là không thể xảy ra. Nhưng một sự bất cẩn trong ngôn từ thì hoàn toàn có thể.

Ông van Nieuwenhuijzen nói: “Bạn cần phân biệt giữa lỗi chính sách và lỗi giao tiếp hoặc thậm chí là thay đổi giọng điệu. Điều đó có thể tạo ra tác động quá mức trên thị trường."

Những sự hớ hênh tuy vây vẫn xảy ra. Nhớ lại rằng vào tháng 3 vừa qua, chủ tịch ECB Christine Lagarde đã gây ra phản ứng dữ dội đối với trái phiếu chính phủ Ý khi bà nói rằng "không phải nhiệm vụ của ECB" trong việc cố gắng loại bỏ sự chênh lệch về lợi suất trái phiếu giữa các quốc gia khu vực đồng Euro an toàn hơn và các quốc gia bất ổn hơn. Rõ ràng, thị trường không nghĩ như vậy và đã ngay lập tức trừng phạt các khoản nợ của người Ý. Bà Lagarde sau đó đã nhanh chóng xin lỗi về sự sơ suất của mình và từ đó đã giành lại được niềm tin của thị trường.

Rất có thể, các ngân hàng trung ương sẽ nhớ đủ rõ những sự hỗn loạn của thị trường sau cái gọi là cơn thịnh nộ của ông Bernanke để tránh đi theo con đường này một lần nữa. Họ sẽ cẩn thận với các bình luận của họ. James Athey, một giám đốc đầu tư tại Aberdeen Standard Investments, cho biết: “Họ đã học được từ những sai sót của mình. Tuy nhiên điều này có thể không áp dụng đối với phía chính sách tài khóa.”

Bộ trưởng bộ tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak đã nói về “những lựa chọn khó khăn” và “nghĩa vụ thiêng liêng” trong việc xây dựng nền tài chính công vững mạnh - nhận xét được một số nhà đầu tư coi là cơ sở cho việc thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, trừ khi đảng Dân chủ thành công trong việc giành được hai ghế Thượng viện Hoa Kỳ trong cuộc bỏ phiếu bổ sung vào tháng Giêng ở Georgia, thì chính quyền Nhà Trắng của Joe Biden sẽ thấy mình rơi vào tình thế chống lại một Quốc hội chia rẽ. Điều đó có thể dễ dàng hạn chế phạm vi hỗ trợ từ ngân khố chính phủ cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Vincent Mortier, phó giám đốc đầu tư tại Amundi, cho biết: “Các biện pháp tài khóa và tiền tệ cũng đang chỉ vừa đủ giữ cho các nền kinh tế tránh khỏi sự sụp đổ”. Bất cứ sự thu hẹp quy mô can thiệp nào là khó có thể tưởng tượng được vào thời điểm này, tuy nhiên những rủi ro về một sai lầm chính sách có vẻ như đang bị thị trường đánh giá thấp."

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ