Lạm phát Eurozone đạt mục tiêu 2%, trọng tâm chuyển sang rủi ro tăng trưởng và thương mại

Huyền Trần
Junior Analyst
Lạm phát khu vực đồng euro tăng nhẹ lên 2% trong tháng 6, đúng với mục tiêu của ECB, cho thấy áp lực giá đã dịu bớt. Tuy nhiên, triển vọng vẫn đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt từ căng thẳng thương mại toàn cầu, chi phí dịch vụ cao dai dẳng và nguy cơ tăng trưởng chậm kéo dài.

Lạm phát ở khu vực đồng euro đã nhích lên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong tháng 6, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn giá cả leo thang và chuyển sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách sang những rủi ro kinh tế mới do chiến tranh thương mại gây ra.
Theo dữ liệu mới nhất, lạm phát tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng từ 1.9% trong tháng 5 lên 2.0% trong tháng 6, đúng với dự báo của các nhà kinh tế. Giá năng lượng và hàng hóa công nghiệp tiếp tục giảm, giúp bù đắp phần nào cho lạm phát dịch vụ đang gia tăng. Trong khi đó, lạm phát lõi – loại trừ các yếu tố dễ biến động như thực phẩm và nhiên liệu – vẫn ổn định ở mức 2.3%.
ECB đã từng bước cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục xuống tổng cộng 2 điểm phần trăm trong năm qua, phản ánh kỳ vọng rằng áp lực giá cả đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, câu hỏi hiện tại là liệu có cần tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn lạm phát giảm xuống dưới mức mục tiêu trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ.
Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ – vốn luôn là điểm nóng do đặc thù chi phí nhân công cao và khó kiểm soát – đã tăng nhẹ lên 3.3% trong tháng trước, so với 3.2% của tháng trước đó. Đây là yếu tố khiến nhiều nhà hoạch định chính sách "hawkish" vẫn tỏ ra thận trọng, bởi áp lực giá nội địa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt một cách bền vững.
Thị trường tài chính hiện kỳ vọng ECB sẽ thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất, đưa lãi suất chính sách xuống 1.75% vào cuối năm, sau đó bước vào giai đoạn giữ nguyên trước khi có thể tăng trở lại vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, lộ trình này có thể bị đảo lộn nếu căng thẳng thương mại giữa EU và chính quyền Tổng thống Donald Trump trở nên phức tạp hơn.
Hiện tại, cuộc chiến thuế quan này đang làm suy yếu niềm tin kinh doanh, đẩy giá trị đồng euro tăng và làm giảm chi phí nhập khẩu năng lượng – tất cả đều góp phần hạ nhiệt lạm phát. Nhưng nếu Mỹ giữ nguyên các rào cản thương mại, EU có thể sẽ đáp trả, và điều đó sẽ nhanh chóng đảo chiều xu hướng giá.
Việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại sẽ làm tăng chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa lên. Kết hợp với những yếu tố dài hạn như chi phí chuyển đổi xanh và tình trạng dân số già hóa, lạm phát ở châu Âu có thể đối mặt với áp lực tăng trở lại – lần này là một áp lực mang tính cấu trúc chứ không còn tạm thời.
Reuters