Fed chỉ biết hy vọng vào điều tốt nhất

Fed chỉ biết hy vọng vào điều tốt nhất

Trần Minh Đức

Trần Minh Đức

Junior Analyst

20:25 13/11/2023

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tuần trước đã giữ nguyên lãi suất liên bang ở mức 5.5%. Việc tạm dừng tăng lãi suất cho thấy FOMC tin rằng họ đã tăng lãi suất đủ cao để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng họ chỉ đang hy vọng về điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai.

Fed hy vọng họ đã tăng lãi suất liên bang lên mức đủ cao. Hơn nữa, họ cũng hy vọng điều này sẽ vừa kiềm chế lạm phát vừa có thể tránh làm tỷ lệ thất nghiệp tăng quá cao.

Suy cho cùng, Fed vẫn chưa xác định được lãi suất “chính xác” là bao nhiêu để đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra. Hay họ cũng không rõ mức lãi suất "trung lập" là bao nhiêu vào bất kỳ thời điểm nào. Như chủ tịch Jerome Powell đã thừa nhận trong cuộc họp báo tháng này, “chúng tôi chưa thể xác định được mức lãi suất trung lập trong thời điểm hiện nay.”

Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể thấy rằng lãi suất liên bang đã được FOMC duy trì ổn định kể từ tháng 7 năm nay. Khoảng thời gian tạm dừng tăng lãi suất là khá lâu vì khi lãi suất đã ổn định hơn hai tháng trong chu kỳ thắt chặt, bước tiếp theo của Fed có thể sẽ là bắt đầu hạ mức lãi suất.

Việc Fed có thực hiện cắt giảm lãi suất trong cuộc họp lần tới hay không là điều chưa chắc chắn và các quan chức vẫn chưa tiết lộ rõ ràng quan điểm của mình.

Thời điểm Fed liên tục nhấn mạnh rằng họ có kế hoạch dài hạn và rõ ràng kiểm soát các điều kiện kinh tế đã trôi qua. Trong vài tháng, Powell ngày càng nói rõ trong các cuộc họp báo sau FOMC rằng Fed đang hành động dựa trên dữ liệu. “Chiến lược” của họ chỉ bao gồm việc từng bước thực hiện chính sách tiền tệ rồi chờ đợi.

Trong tháng này, thông tin đầu tiên về chính sách tiền tệ được đưa ra dưới dạng thông cáo báo chí chính thức của FOMC, trong đó nêu rõ:

Để đánh giá lập trường phù hợp của chính sách tiền tệ, Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi tác động của dữ liệu triển vọng kinh tế. Ủy ban sẽ sẵn sàng điều chỉnh quan điểm của chính sách tiền tệ cho phù hợp nếu xuất hiện rủi ro gây cản trở việc đạt được các mục tiêu. Đánh giá của Ủy ban sẽ cân nhắc nhiều loại thông tin, bao gồm các thông tin về điều kiện thị trường lao động, áp lực lạm phát và kỳ vọng lạm phát cũng như diễn biến tài chính trong nước và quốc tế.

Đây chỉ là cách nói hoa mỹ của họ thay cho "chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo". Điều này có vẻ giống như sự thừa nhận thực tế hiển nhiên đối với nhiều người, nhưng lại hoàn toàn trái ngược với những thứ mà chúng ta đã được nghe về Fed và các nhà kỹ trị trong hàng thập kỷ qua. Chúng ta đã tin rằng Fed có các nhà kinh tế có chuyên môn cao nhất cùng với các mô hình kinh tế "tốt nhất" nước Mỹ và theo đuổi các chính sách dựa trên khoa học kinh tế phi chính trị. Tuy nhiên, hóa ra Fed chẳng có kế hoạch cụ thể ngoài việc tiến từng bước trong mỗi tháng và hy vọng lạm phát sẽ giảm bớt.

Điều này đã được làm rõ trong phần trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo tháng này, trong đó Powell liên tục nhấn mạnh tính không chắc chắn của chính sách tiền tệ hiện tại. Dưới đây là một số cụm từ mà Powell sử dụng để trả lời các câu hỏi về việc liệu Fed có kế hoạch tăng hay giảm lãi suất liên bang hay không: "chúng tôi đang theo dõi. ... bạn biết đấy, mọi thứ đang thay đổi khá nhiều. ... chúng tôi chưa chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về các cuộc họp trong tương lai.... Chúng tôi chưa đưa ra quyết định."

Một số phóng viên đã cố gắng đưa ra một số tiêu chí về cách Fed xác định chính sách. Ví dụ: Nick Timiraos của The Wall Street Journal đã hỏi Powell "Điều gì khiến ông tin rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng khi tới nay Fed đã tăng lãi suất lên hơn 5%, thắt chặt định lượng và đã có một ngân hàng nhỏ phải phá sản?" Powell đáp lại một cách khéo léo: "Chính sách đôi khi có độ trễ, tất nhiên, điều này có thể ảnh hưởng lâu dài và có thể thay đổi."

Có nhiều lý do cho sự thiếu chính xác và thiếu kế hoạch này, có thể là do kinh tế hay chính trị.

Lý do đầu tiên là Fed thường chủ quan với những dự báo của họ. FOMC luôn chậm trễ trong việc nắm bắt xu hướng lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, Chủ tịch Bernanke đã khẳng định rằng không có cuộc suy thoái nào xảy ra vào cuối năm 2008. Nhiều tháng sau, Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính cục bộ. Vào giữa năm 2021, Chủ tịch Fed Minneapolis, Neel Kashkari, tuyên bố rằng sẽ không xảy ra lạm phát và Fed sẽ giữ lãi suất mục tiêu gần bằng 0 cho đến năm 2023. Powell, tất nhiên, đã nhấn mạnh trong suốt năm 2021 rằng lạm phát chỉ là "tạm thời" và không cần phải đưa ra những chính sách hạn chế kiềm chế lạm phát giá cả. Nói cách khác, không có mối tương quan giữa dự báo kinh tế của Fed và những gì thực sự xảy ra trong nền kinh tế.

Những lý do khác dẫn đến sự lảng tránh của Fed là vì lý do chính trị. Trái ngược với truyền thống lâu dài về sự độc lập và trung lập đối với chính trị của Fed, Fed hiện tại là một tổ chức liên qua sâu sắc tới chính trị, họ cam kết nỗ lực hết sức để đưa chế độ vượt qua cuộc bầu cử nữa mà không gặp khủng hoảng tài chính . Fed cũng dự kiến sẽ đảm bảo rằng chính phủ có thể dễ dàng tiếp cận thanh khoản và tài trợ cho thâm hụt ngân sách, đồng thời đảm bảo rằng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức chấp nhận được về mặt chính trị đối với cử tri.

Nếu Fed để lạm phát tăng cao, điều này sẽ làm giảm độ uy tín và gây thiệt hại cho chính phủ. Đây chính là điều Fed lo lắng khi lo ngại rằng họ đã tăng lãi suất mục tiêu “đủ”. "Đủ" là một định nghĩa chính trị. Mặt khác, Fed không muốn tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức ảnh hưởng tới chính trị. Điều đó cũng sẽ không tốt cho cả Fed và chính phủ. Đây là điều mà Fed lo lắng về việc tăng lãi suất lên “quá nhiều”. Điều gì tạo nên "quá nhiều" là một câu hỏi chính trị.

Trong khi đó, chính phủ muốn Fed giúp giữ lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp để chi phí đi vay bù đắp khoản thâm hụt ngân sách không vượt quá tầm kiểm soát. Điều đó đông nghĩa với việc phải cắt giảm lãi suất liên bang và các lãi suất khác thông qua hoạt động thị trường mở (nhưng sẽ tạo ra nguy cơ lạm phát cao hơn).

Chi phí đi vay, thất nghiệp và lạm phát đều là những vấn đề chính trị mà Fed phải giải quyết ngay lập tức nhưng phải trong thời gian ngắn.

Vẫn chưa có quan điểm về việc xây dựng một nền kinh tế bền vững, thúc đẩy đầu tư hoặc giúp người lao động tiết kiệm để nghỉ hưu. Mối quan tâm của Fed là cố gắng giữ thể diện và điều này đòi hỏi phải liên tục điều chỉnh lãi suất (và danh mục đầu tư của Fed) cùng với đó là hy vọng vào điều tốt nhất sẽ xảy đến.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ