Chủ nghĩa bảo hộ tài nguyên – mối đe dọa mới của thị trường hàng hóa

Chủ nghĩa bảo hộ tài nguyên – mối đe dọa mới của thị trường hàng hóa

14:34 07/03/2021

Báo cáo do công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho thấy trong năm 2020, 34 quốc gia ghi nhận “sự gia tăng đáng kể” của chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên.

Báo cáo do công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho thấy trong năm 2020, 34 quốc gia ghi nhận “sự gia tăng đáng kể” của chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên. Verisk Maplecroft xác định 18 trong số 34 nước này phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản hoặc hydrocarbon. Công ty dự báo nguy cơ từ chủ nghĩa biệt lập gia tăng trong những năm tới do chính phủ các nước tìm cách lấp lỗ hổng tài khóa hậu đại dịch.

Lĩnh vực khai khoáng sẽ chịu gánh nặng chính từ các biện pháp mới, theo báo cáo. Một số nước xuất khẩu đồng và quặng sắt hàng đầu thế giới, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ, xuất hiện trong nhóm 10 quốc gia gặp rủi ro.

“Hoàn toàn có thể hiểu được rằng chính phủ các nước đang tìm kiếm thêm nguồn thu trong giai đoạn tài chính khó khăn”, Hugo Brennan, trưởng bộ phận rủi ro khai khoáng tại Verisk Maplecroft, nói. “Giá hàng hóa có khởi đầu vượt trội trong năm 2021, khiến lĩnh vực khai khoáng lọt vào tầm ngắm của chính phủ các nước”.

10 nước xếp đầu Chỉ số Chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên của Verisk Maplecroft gồm Venezuela, Congo, Nga, Zambia, Zimbabwe, Kazakhstan, Triều Tiên, Tanzania, Bolivia và Papua New Guinea.

“Đó là những bên khả năng cao sẽ sử dụng biện pháp mạnh tay trong ‘hộp dụng cụ chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên’”, hai nhà phân tích Mariano Machado và Jimena Blanco của Verisk Americas lưu ý.

Mỏ đồng Mutanda Mining Sarl ở Kolwezi, Congo, hồi tháng 7/2016. Ảnh: Getty Images.

Những năm gần đây, Triều Tiên thông báo kế hoạch 5 năm mới được giới phân tích nhận định là tăng cường tự cung tự cấp và trung kiểm soát tập trung hơn nữa nền kinh tế.

Trong khi đó, Zambia vướng vào tranh chấp pháp lý kéo dài với Vedanta Resources (Anh) liên quan nỗ lực thanh lý mỏ đồng Konkola của công ty. Chính quyền Tổng thống Edgar Lungu còn từng đe dọa đình chỉ giấy phép của Glencore (Thụy Sĩ) về vận hành mỏ đồng Mopani hồi tháng 4/2020.

“Động thái tiếp theo nhằm mua lại phần lớn cổ phần tại Mopani nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Lungu trong tăng kiểm soát nhà nước với các mỏ khoáng chiến lược ở Zambia”, theo nhà phân tích châu Phi Aleix Montana.

Các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển kết thúc năm 2020 với tỷ lệ thu ngân sách chính phủ trong GDP giảm 10,9 điểm phần trăm so với năm trước, Verisk Maplecroft tính toán dựa trên số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất là vùng cận Sahara châu Phi (mất 12,55 điểm phần trăm) và Mỹ Latinh (mất 8,7 điểm phần trăm).

Ngoài những nước trên, nhiều nền kinh tế đa dạng hóa hơn cũng thúc đẩy hướng đến chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên trong năm 2020, theo chỉ số.

“Những nước cần theo dõi chặt chẽ nhất là nhóm có nền kinh tế thu hẹp vì Covid-19 và sự gia tăng chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên ít rõ ràng hơn”, Blanco nói. “Chính phủ những nước này sẵn sàng hơn trong can thiệp nền kinh tế, sử dụng hình thức kiểm soát gián tiếp hoặc gia tăng các yêu cầu”.

Tại Nam Mỹ, xu hướng chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên thường do một trong hai yếu tố, theo giới phân tích, là ý thức hệ (như Mexico và Argentina) hoặc áp lực từ cộng đồng tại khu khai khoáng (như Chile và Colombia) thúc đẩy.

Khu vực cận Sahara châu Phi còn có nhiều động lực tiềm ẩn phức tạp hơn như ở Liberia và Mauritania là thiếu sót trong cơ cấu điều hành, ở Mali là lo ngại liên quan quá trình chuyển tiếp chính phủ còn Guinea muốn tối đa hóa nguồn thu từ bauxite.

Đại dịch Covid-19 không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy chủ nghĩa quốc gia nhưng là xúc tác cho xu hướng được phát hiện trong Chỉ số Chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên của Verisk Maplecroft từ năm 2017.

Verisk Maplecroft dự báo xu hướng này tăng mạnh trong hai năm tới. Nhiều chính phủ đang muốn dùng ngành khai khoáng để hỗ trợ cho ngân sách công.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các công ty khai khoáng sẽ cần theo dõi các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) tại những nền kinh tế đa dạng hóa mới nổi – bởi chính phủ nơi đó có nhiều lựa chọn để can thiệp hơn.

link gốc tại đây

Broker listing

Cùng chuyên mục

Giá vàng liệu có còn mối tương quan nghịch đảo với lợi suất thực?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Giá vàng liệu có còn mối tương quan nghịch đảo với lợi suất thực?

Nổi tiếng với vai trò là bảo hiểm trước sự bất ổn kinh tế và lạm phát, vàng từ lâu đã thu hút các nhà đầu tư. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng là mối quan hệ giữa lợi suất thực và lạm phát. Về lâu dài, vàng đã bảo vệ người ta khỏi những tác động của lạm phát và vẫn đang là một công cụ đa dạng hóa mạnh mẽ trong danh mục đầu tư.
Theo dấu dòng tiền: Nguồn vốn FDI "Made in China" đạt đỉnh 8 năm. Vốn chảy vào đâu và mục đích thật sự là gì?
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

Theo dấu dòng tiền: Nguồn vốn FDI "Made in China" đạt đỉnh 8 năm. Vốn chảy vào đâu và mục đích thật sự là gì?

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang trên đà đạt mức cao nhất trong 8 năm qua, khi các tập đoàn lớn của nước này đẩy mạnh xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Sự thay đổi này có thể góp phần xoa dịu những lời chỉ trích về chiến lược xuất khẩu ồ ạt của Bắc Kinh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ