USDJPY phá vỡ ngưỡng 155, rủi ro Nhật Bản can thiệp tiền tệ gia tăng

USDJPY phá vỡ ngưỡng 155, rủi ro Nhật Bản can thiệp tiền tệ gia tăng

Trần Phương Thảo

Trần Phương Thảo

Junior Analyst

08:38 25/04/2024

USDJPY đã phá vỡ ngưỡng 155 lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ, làm tăng nguy cơ Nhật Bản can thiệp thị trường tiền tệ

USDJPY tăng 0.4% lên mức đỉnh trong phiên ở 155.37 vào thứ Tư, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 1990, cặp tiền vượt mức 155. USDJPY giao dịch ở mức 155.21 vào 5:27 sáng nay.

Win Thin, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman cho biết: “Rủi ro can thiệp vẫn cao, bất kể ở ngưỡng nào”.

Theo dữ liệu từ Depository Trust & Clearing Corporation, nguyên nhân khiến JPY suy yếu vào hôm thứ Tư là nhu cầu về các hợp đồng mua USDJPY và EURJPY. Điều đó bao gồm việc mua quyền chọn trị giá 300 triệu USD ở mức 156, gây áp lực lên JPY trên thị trường giao ngay.

Các quan chức Nhật Bản đã nhiều lần nói rằng sẽ có những hành động cần thiết để giải quyết những biến động quá mức của tỷ giá hối đoái nếu cần thiết. Các nhà chức trách đã nhấn mạnh việc tập trung vào tốc độ mất giá của đồng nội tệ hơn là một ngưỡng chính xác. Các nhà giao dịch sẽ cảnh giác với bất kỳ bình luận nào từ các quan chức ở Tokyo vào hôm nay cho thấy trạng thái sẵn sàng can thiệp.

USDJPY phá vỡ mức can thiệp trước đó

Trong tuyên bố ba bên tuần trước, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ và trao đổi về diễn biến thị trường ngoại hối, đồng thời thừa nhận những lo ngại nghiêm trọng của Nhật Bản và Hàn Quốc về sự mất giá mạnh gần đây của đồng nội tệ.

JPY đã giảm khoảng 9% từ đầu năm đến nay, trở thành đồng tiền giảm mạnh nhất trong nhóm G10, ngay cả sau khi BoJ đã tăng lãi suất chính sách ngắn hạn lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào tháng 3. Nguy cơ giá dầu tăng cao trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể làm tổn thương cán cân thương mại của Nhật Bản, và do đó ảnh hưởng tới sức mạnh của JPY.

Các nhà giao dịch và chiến lược gia đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của BoJ vào thứ Sáu, khi gần như tất cả các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát đều kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ.

Piotr Matys, nhà phân tích FX cấp cao tại InTouch Capital Markets, cho biết: “Một đợt tăng lãi suất đáng ngạc nhiên sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ”.

Trong khi đó, Fed sẵn sàng đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ vào tuần tới trong bối cảnh các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ khoảng cách về lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed sẽ được công bố sau quyết định của BoJ vào thứ Sáu.

Jane Foley, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối tại Rabobank, cho biết: “Bộ Tài chính có thể sẽ hy vọng rằng BoJ có thể đưa ra một số bình luận tích cực sau cuộc họp chính sách hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, nếu PCE của Mỹ tăng mạnh vào cuối ngày hôm đó, nó sẽ củng cố sức mạnh của USD.”

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ba lần vào năm 2022 để hỗ trợ JPY sau khi USDJPY tăng lên mức 151.95. Tokyo đã chi hơn 9 nghìn tỷ JPY (58 tỷ USD). Chiến dịch này được tiến hành mà không bị các đồng minh quốc tế chỉ trích, trong đó có Mỹ.

Marc Chandler, giám đốc chiến lược thị trường tại Bannockburn Global Forex LLC, cho biết điều khiến đợt can thiệp từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2022 thành công “là nó trùng hợp với thời điểm lãi suất ở Mỹ đạt đỉnh. Các quan chức BoJ bây giờ không thể tự tin như vậy được nữa”.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ