Thị trường Trung Quốc mất dần sức hút với giới đầu tư toàn cầu

Thị trường Trung Quốc mất dần sức hút với giới đầu tư toàn cầu

Trần Minh Đức

Trần Minh Đức

Junior Analyst

08:35 18/09/2023

Một đợt thoái vốn lớn ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đang làm giảm sức ảnh hưởng trong danh mục đầu tư toàn cầu của nước này và thúc đẩy sự tách rời với phần còn lại của thế giới.

Theo Bloomberg, lượng nắm giữ của khối ngoại với cổ phiếu và trái phiếu chính phủ đã giảm khoảng 188 tỷ USD, tương đương 17%, so với mức đỉnh tháng 12/2021 cho tới cuối tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 8 năm nay, nhà đầu tư đã rút 12 tỷ USD ra khỏi thị trường nước này.

Dòng chảy vốn trong thời điểm kinh tế Trung Quốc suy thoái do nhiều năm hạn chế vì Covid, khủng hoảng thị trường bất động sản và căng thẳng dai dẳng với phương Tây - những lo ngại đã khiến việc “không đầu tư vào Trung Quốc” trở thành một trong những niềm tin lớn nhất của các nhà đầu tư trong cuộc khảo sát mới nhất của Bank of America. Sự tham gia của quỹ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm hơn 1/3 kể từ cuối năm 2020.

Zhikai Chen, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu thị trường mới nổi toàn cầu và châu Á tại BNP Paribas Asset Management cho biết, người nước ngoài chỉ đơn giản đang bỏ cuộc. Theo ông, có sự lo lắng về thị trường bất động sản và sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng. “Sự thất vọng về những mặt đó đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải suy nghĩ lại về dòng tiền đầu tư của họ.”

Trong khi trước đây, sự yếu đuối của Trung Quốc từng được coi là sẽ kéo theo cả thế giới, đặc biệt ở nhóm thị trường mới nổi, điều này rõ ràng đã không diễn ra trong năm nay. Giảm khoảng 7% vào năm 2023, chỉ số MSCI Trung Quốc đang phải đối mặt với một chuỗi giảm lâu nhất kể từ hơn hai thập kỷ trước đây. Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi lại tăng 3% khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tại các nơi khác như Ấn Độ và Mỹ Latinh.

Sự phân kỳ này diễn ra khi Trung Quốc nỗ lực nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong các chuỗi cung ứng và mối quan hệ xấu đi với Mỹ đã khiến các thị trường khác ít bị ảnh hưởng hơn. Ngoài sự tách rời về kinh tế, một lý do khác là sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy thị trường từ Mỹ đến Đài Loan trong khi khiến cổ phiếu đại lục hụt hơi. Tỷ trọng của Trung Quốc trong thước đo thị trường mới nổi đã giảm xuống khoảng 27% từ mức hơn 30% vào cuối năm 2021.

Đồng thời, chiến lược loại Trung Quốc ra khỏi danh mục đầu tư ở thị trường mới nổi đang nhanh chóng thu hút được sự chú ý, với việc ra mắt các quỹ cổ phiếu loại trừ Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục hàng năm vào năm 2023.

Gaurav Pantankar, giám đốc đầu tư tại MercedCERA, công ty quản lý 1.1 tỷ USD tại sản tại Mỹ, cho biết: “Có một số rủi ro ở Trung Quốc – trái phiếu địa phương, nguồn cung nhà ở dư thừa, nhân khẩu học, tỷ lệ phụ thuộc, biến động pháp lý, sự cô lập về địa chính trị. Cơ hội đầu tư trong các thị trường mới nổi tồn tại ở nhiều nhóm khác nhau.”

Trên thị trường nợ, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút khoảng 26 tỷ USD từ trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào năm 2023, đồng thời rót tổng cộng 62 tỷ USD vào trái phiếu từ phần còn lại của các thị trường châu Á mới nổi. Theo phân tích của JPMorgan, gần một nửa trong số 250 tỷ - 300 tỷ USD dòng vốn đi kèm với việc Trung Quốc được đưa vào các chỉ số trái phiếu chính phủ kể từ năm 2019 đã bị xóa sổ.

Áp lực bán lên đồng nhân dân tệ đã đẩy tỷ giá USDCNY lên mức cao nhất trong 16 năm. Lập trường chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương, trái ngược với thắt chặt ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đang làm suy yếu đồng nhân dân tệ và khiến nhà đầu tư nước ngoài tránh xa.

Về nợ doanh nghiệp, Trung Quốc dường như đã hoàn toàn tách biệt khỏi phần còn lại của châu Á khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của nước này bước sang năm thứ tư. Thị trường đã trở nên nội địa hóa do nhà đầu tư trong nước nắm giữ hơn với khoảng 85-90% thị phần.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc khiến thế giới phải suy nghĩ lại về sức hấp dẫn của thị trường này. Các ngân hàng Phố Wall như Citigroup và JPMorgan nghi ngờ liệu mục tiêu tăng trưởng 5% của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt được hay không.

Tuy nhiên, quy mô khổng lồ và vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc thị trường sẽ vẫn là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư đối với nhiều nhà đầu tư, mặc dù ở mức độ thấp hơn.

Trung Quốc vẫn có thể tác động đến thị trường tài chính quốc tế thông qua hàng hóa được giao dịch toàn cầu. Là nước nhập khẩu năng lượng, kim loại và thực phẩm lớn nhất, tầm ảnh hưởng của quốc gia này vượt ra ngoài chứng khoán, tạo ra mối quan hệ bền vững hơn với nền kinh tế toàn cầu. Vị trí dẫn đầu thế giới của quốc gia này về năng lượng sạch, từ pin mặt trời đến xe điện, là một ví dụ về tiềm năng mở rộng thương mại khi thế giới cố gắng đáp ứng các nghĩa vụ về khí hậu.

Karine Hirn, đối tác tại East Capital Asset Management, cho biết: “Không phải ngành nào cũng gặp phải sự suy yếu. Chúng tôi nhận thấy giá trị tốt trong các lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng cơ cấu, chẳng hạn như phương tiện sử dụng năng lượng mới, liên quan đến người tiêu dùng và các bộ phận của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.”

Đối với các nhà quản lý quỹ như Xin-Yao Ng tại abrdn, việc đầu tư vào Trung Quốc đòi hỏi sự cân nhắc giữa việc cảnh giác với các thách thức cấu trúc trong khi tìm kiếm cơ hội từ các cổ phiếu riêng lẻ.

"Tôi khá thận trọng về triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc và ý thức về những rủi ro lớn liên quan đến địa chính trị," ông nói. "Nhưng Trung Quốc vẫn là một thị trường rộng lớn đa dạng cơ hội và đang được định giá rất thấp trong thời điểm hiện tại," ông nói thêm rằng đây là một "thị trường cổ phiếu thú vị" cho các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ