Phân biệt CFD và Futures trong giao dịch tài chính

Phân biệt CFD và Futures trong giao dịch tài chính

Anh Tùng, CFA

Anh Tùng, CFA

Senior Analyst

10:15 21/12/2020

CFD và hợp đồng tương lai (Futures) đều là các sản phẩm phái sinh phổ biến mà bạn có thể sử dụng để đầu cơ trên thị trường tài chính. Hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa CFD và hợp đồng tương lai, và loại hình giao dịch nào tốt nhất cho chiến lược giao dịch của bạn.

Những điểm khác biệt chính

Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra 5 điểm khác biệt giữa CFD và Futures được tóm tắt trong bảng dưới đây.

  Futures CFD
Ngày đáo hạn Không
Tài sản cơ sở Chỉ số, hàng hóa, trái phiếu, cổ phiếu, tỷ giá Chỉ số, hàng hóa, trái phiếu, cổ phiếu, tỷ giá, chứng chỉ quỹ ETF, tiền điện tử, quyền chọn, Futures
Quyền sở hữu tài sản Được sở hữu vào ngày đáo hạn nếu bạn thực hiện thanh toán vật chất Không bao giờ có quyền sở hữu tài sản
Phương thức giao dịch Trên các sàn giao dịch tập trung OTC
Khối lượng giao dịch tối thiểu 1 lot 0.01 lot

Ngày đáo hạn

Hợp đồng tương lai có một ngày đáo hạn mà tài sản cơ sở sẽ được giao dịch. Các hợp đồng tương lai khác nhau của cùng một tài sản cơ sở sẽ có nhiều ngày đáo hạn khác nhau, mỗi ngày chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ thường đáo hạn vào thứ Sáu của tuần thứ ba hàng tháng. Khi hợp đồng đáo hạn, nó không thể được giao dịch nữa và các nhà giao dịch sẽ phải thực hiện hợp đồng bằng cách giao nhận tài sản cơ sở thực (đối với hợp đồng tương lai hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu) hoặc tất toán giá trị chênh lệch (đối với hợp đồng tương lai chỉ số).

Ngược lại, CFD không có thời hạn cũng như ngày đáo hạn. Thông qua CFD, bạn sẽ cam kết nhận về hoặc chi trả phần chênh lệch giá giữa thời điểm bạn mở vị thế và đóng vị thế của tài sản cơ sở.

Nhiều hợp đồng CFD dựa trên tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai (như CFD dầu dựa trên tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai giá dầu tháng gần nhất), mà hợp đồng tương lai chỉ có giá trị trước thời điểm chúng đáo hạn. Do đó, các hợp đồng CFD này tồn tại cơ chế “rollover”, tức là ngay trước khi hợp đồng tương lai đó đáo hạn, hợp đồng tương lai tháng kế tiếp sẽ được sử dụng làm tài sản cơ sở thay thế cho hợp đồng cũ.

Tài sản cơ sở

Hợp đồng tương lai có thể đa dạng về các loại tài sản cơ sở. Chúng ta thấy hợp đồng tương lai hàng hóa xuất hiện nhiều nhất trong các loại Futures, tuy vậy, hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và tiền tệ là các loại hình giao dịch phổ biến nhất có thanh khoản cao trên thị trường. Ngoài ra, cổ phiếu, trái phiếu cũng có thể làm tài sản cơ sở cho Futures.

Với CFD, quy mô tài sản cơ sở đa dạng hơn, bao gồm cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa, tiền tệ, tiền điện tử, quyền chọn, trái phiếu, thậm chí ngay cả chính hợp đồng tương lai.

Quyền sở hữu tài sản

Khi bạn tham gia hợp đồng tương lai, bạn sẽ có hai lựa chọn vào ngày hết hạn:

Thanh toán vật chất (Physical settlement): giao nhận các tài sản cơ sở thực (điều này không thể áp dụng với hợp đồng tương lai chỉ số).

Thanh toán tiền mặt (Cash settlement): thay vì nhận tài sản hoặc nhận quyền sở hữu tài sản, bạn chỉ thanh toán một lượng tiền mặt tương đương với chênh lệch giá vào thời điểm bạn thực hiện hợp đồng so với giá vào thời điểm đáo hạn.

Khi bạn giao dịch CFD, bạn sẽ luôn thanh toán một vị thế bằng tiền mặt. Bạn sẽ không bao giờ có quyền sở hữu tài sản cơ sở.

Phương thức giao dịch

Hợp đồng tương lai được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung – một thị trường nơi các nhà giao dịch tập trung thực hiện các giao dịch mua và bán tài sản. Các sàn giao dịch này được quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm và quá trình giao dịch tài sản giữa các bên diễn ra suôn sẻ.

Chicago Mercantile Exchange (CME - Mỹ) có lẽ là sàn giao dịch tương lai nổi tiếng nhất. Các hợp đồng tương lai được giao dịch trên sàn CME có các tài sản cơ sở bao gồm nông nghiệp, năng lượng, chỉ số chứng khoán, ngoại tệ, lãi suất, kim loại, bất động sản và thậm chí cả hợp đồng tương lai thời tiết.

CFD được giao dịch dưới hình thức phi tập trung (OTC), bạn và nhà môi giới hoặc nhà cung cấp sẽ trực tiếp giao dịch với bạn. Các giao dịch OTC thường “mềm dẻo” hơn khi so sánh với hình thức giao dịch tập trung thông qua sàn, vốn được quản lý chặt chẽ hơn. Điều này có nghĩa là bạn có thể tạo các giao dịch thỏa thuận dành riêng cho bạn và chiến lược giao dịch của bạn.

Khối lượng giao dịch

Vì hợp đồng tương lai được giao dịch trên các sàn giao dịch lớn, các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa cả về chất lượng và số lượng. Quy mô giao dịch cho hợp đồng tương lai thường lớn vì chúng được thiết kế cho các tổ chức.

CFD cũng được giao dịch trong các lot được tiêu chuẩn hóa dựa trên tài sản cơ sở. Tuy nhiên, bạn có thể giao dịch CFD với khối lượng lệnh nhỏ hơn.

Ví dụ, một hợp đồng tương lai vàng điển hình tương đương với 100 ounce, tức là bạn phải bỏ ra $188,300 tại thời điểm viết bài để mở một vị thế Futures vàng. Trong khi CFD vàng cũng tương đương với 100 ounce cho mỗi hợp đồng, tuy nhiên bạn có thể giao dịch với khối lượng nhỏ hơn, tối thiểu 0.01 lot.

Điểm tương đồng giữa CFD và hợp đồng tương lai

Cũng cần lưu ý rằng hợp đồng tương lai và CFD có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là:

  • Sản phẩm phái sinh – được xây dựng dựa trên các tài sản từ thị trường cơ sở. Điều này có nghĩa là bạn có thể giao dịch gián tiếp thị trường cơ sở mà không cần sở hữu tài sản được đề cập.
  • Đầu cơ – bạn có thể Long và Short tại mức giá thị trường.
  • Có đòn bẩy – nghĩa là bạn chỉ cần bỏ ra một số tiền bằng một phần của giá trị hợp đồng. Cả lãi và lỗ đều được phóng đại theo mức đòn bẩy bạn sử dụng.

Cơ chế của giao dịch CFD

Khi bạn Long hoặc Short một CFD, bạn tham gia vào một hợp đồng để hưởng lợi nhờ sự chênh lệch về giá của một tài sản. Bạn sẽ Long nếu bạn nghĩ rằng một tài sản sẽ tăng giá trị và Short nếu bạn nghĩ rằng nó sẽ giảm.

Để xác định lợi nhuận hoặc thua lỗ, bạn chỉ cần dựa vào các thông tin: chênh lệch giữa giá khi mở và đóng vị thế, khối giao dịch và giá trị của mỗi hợp đồng.

Ví dụ: Bạn Long 10 hợp đồng CFD chỉ số FTSE 100 tại mức 6,000 với đòn bẩy 1:100. Giá trị của mỗi hợp đồng được quy định là £10 cho 1 điểm chỉ số. Như vậy, giá trị của lệnh này sẽ là £600,000, do đó bạn cần ký quỹ một khoản tiền £6,000. Bạn cũng có thể dễ dàng tính toán lợi nhuận cũng như mức lỗ của bạn, khi thị trường tăng một điểm, bạn lãi £100 và khi giảm một điểm bạn sẽ lỗ £100.

Nếu chỉ số FTSE tăng 25 điểm và bạn quyết định đóng trạng thái, bạn sẽ ngay lập tức thu về lợi nhuận là £2,500. Một trường hợp khác, nếu nó giảm 30 điểm, thì khi đóng trạng thái, bạn sẽ mất £3,000.

Cơ chế giao dịch CFD. Ảnh: IG

Cơ chế của giao dịch Futures

Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận mua hoặc bán một tài sản với một mức giá cụ thể được xác định từ lúc mở vị thế hợp đồng, vào một ngày cụ thể trong tương lai (thường là ngày đáo hạn), bất kể giá trị thị trường của tài sản đó là bao nhiêu tại thời điểm đó.

Nếu bạn muốn mua một tài sản trong tương lai mà bạn e ngại rằng rằng giá của nó sẽ tăng so với thời điểm hiện tại, bạn sẽ Long Futures, và khi hợp đồng đáo hạn, bạn sẽ được mua tài sản đó tại mức giá mà ban đầu bạn bỏ ra để mở vị thế.

Ví dụ, bạn mở vị thế Long Futures dầu thô WTI tại mức $50/thùng, trong khi giá dầu thô WTI cơ sở hiện đang ở mức $54/thùng. Tại thời điểm đáo hạn, bạn vẫn có thể mua dầu với giá tại thời điểm mở vị thế (tức là $50/thùng), bất kể giá thị trường lúc đó là bao nhiêu đi chăng nữa. Như vậy, bạn đã có cơ hội mua dầu thô WTI với giá rẻ hơn ($50/thùng) so với giá của tài sản cơ sở cùng thời điểm ($54/thùng).

Cơ chế giao dịch Futures. Ảnh: IG

Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng có thể sử dụng Futures như một phương tiện đầu cơ mà không cần nắm giữ chúng đến thời điểm đáo hạn, tương tự như CFD. Chẳng hạn như ví dụ trên, bạn Long Futures dầu thô WTI với mức $50/thùng, sau một thời gian, bạn đóng vị thế này tại mức $53/thùng, bạn cũng được hưởng lợi từ chênh lệch giá.

Ưu và nhược điểm của giao dịch CFD

Ưu điểm của giao dịch CFD

  • CFD có thể giúp bạn tiếp cận hơn 17,000 thị trường, bao gồm cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa và các cặp tiền tệ.
  • Sử dụng đòn bẩy giúp bạn phóng đại lợi nhuận, cũng như chỉ phải bỏ ra ít tiền hơn để ký quỹ.

Nhược điểm của giao dịch CFD

  • Đòn bẩy là con dao hai lưỡi: ngoài việc phóng đại lợi nhuận, mức độ rủi ro cũng sẽ tăng lên.
  • Cần có đủ kiến thức để giao dịch. Vì vậy, giao dịch tài khoản demo có thể giúp bạn học hỏi thêm nhiều điều.
  • Các vị thế vẫn được mở qua đêm sẽ phải chịu mức phí qua đêm.

Ưu và nhược điểm của giao dịch Futures

Ưu điểm của giao dịch Futures

  • Hedging danh mục đầu tư, bảo vệ bạn khỏi những biến động bất lợi của thị trường.
  • Giao dịch dài hạn dễ dàng hơn bởi bạn không phải chịu phí qua đêm giống như giao dịch CFD.
  • Sử dụng đòn bẩy giúp bạn phóng đại lợi nhuận, cũng như chỉ phải bỏ ra ít tiền hơn để ký quỹ.

Nhược điểm của giao dịch Futures

  • Hợp đồng tương lai phù hợp với các nhà giao dịch có kinh nghiệm hơn vì chúng yêu cầu mức độ kiến ​​thức cao để hiểu cơ chế vận hành.
  • Giá của Futures chỉ có hiệu lực trước ngày đáo hạn, nghĩa là khi hợp đồng đã đáo hạn, bạn không thể giao dịch chúng nữa, điều này gây khó khăn cho việc thực hiện phân tích trong các khung thời gian dài.
  • Giao dịch đòn bẩy có thể phóng đại lỗ, vì vậy điều quan trọng là phải có chiến lược quản lý rủi ro.

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Những điều cơ bản cần biết về khí đốt tự nhiên
Lê Hải Linh

Lê Hải Linh

Junior Analyst

Những điều cơ bản cần biết về khí đốt tự nhiên

Khí đốt tự nhiên là một nguồn năng lượng quan trọng được sử dụng để sưởi ấm, làm mát và phát điện. Nó cũng cung cấp năng lượng cho sản xuất và là thành phần chính trong các sản phẩm công nghiệp, bao gồm phân bón và dược phẩm. Ngày nay, nó cũng là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu thêm về khí đốt tự nhiên và thị trường khí đốt.
Hiểu thêm về bạc dưới góc nhìn của một trader
Lê Hải Linh

Lê Hải Linh

Junior Analyst

Hiểu thêm về bạc dưới góc nhìn của một trader

Bạc là hàng hóa được ứng dụng nhiều nhất bởi những lợi ích thiết yếu trong đồ trang sức và đồ điện tử. Mặc dù không khan hiếm hay được săn lùng nhiều như vàng, nhưng nó vẫn được coi là một trong những kim loại có giá trị nhất trên thế giới và là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất. Trong bài viết này, hãy khám phá xem bạc được sử dụng để làm gì, lịch sử và cách thức vận hàng của thị trường cũng như điều gì ảnh hưởng đến giá bạc.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ