Lo ngại khủng hoảng khí đốt toàn cầu giảm bớt nhờ thời tiết ấm áp

Lo ngại khủng hoảng khí đốt toàn cầu giảm bớt nhờ thời tiết ấm áp

15:08 03/01/2023

Thời tiết mùa đông ấm hơn dự kiến trên khắp thế giới đang làm giảm lo ngại về một cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên, từng được dự đoán sẽ gây ra tình trạng mất điện và làm gia tăng chi phí điện

Nhiệt độ tại phần lớn châu Âu được dự báo duy trì trên mức trung bình mùa trong hai tuần tới, trong khi thời tiết ở Mỹ cũng sẽ tốt hơn cho đến giữa tháng Một. Nhiệt độ cũng ôn hòa hơn ở Trung Quốc - nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới - trong 10 ngày tới và ở Tokyo có thể tăng đột biến vào khoảng giữa tháng Một.

HĐTL khí đốt đang giảm mạnh do lượng tiêu thụ nhiên liệu và triển vọng suy yếu, với hợp đồng ở Mỹ sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 và ở châu Âu hôm thứ Hai đã chạm mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu.

Abhishek Rohatgi, chuyên gia phân tích tại BloombergNEF tại Singapore, cho biết: “Nguy cơ thị trường thắt chặt nghiêm trọng mà mọi người lo lắng trước khi mùa đông bắt đầu hiện có vẻ thấp”. Ông cho biết châu Âu đã lấp đầy kho chứa, trong khi thời tiết ôn hòa trên khắp Bắc Á đồng nghĩa sẽ có ít sự cạnh tranh đối với các lô hàng khí hóa lỏng.

Chính phủ và các công ty đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt sau khi Nga tấn công Ukraine vào năm ngoái, làm gián đoạn nguồn cung năng lượng và gia tăng nhu cầu LNG trên toàn cầu.

Giá khí đốt và than đá tăng kỷ lục khi các nước nhập khẩu gia tăng dự trữ nhiên liệu cho mùa đông, khi lượng tiêu thụ đạt đỉnh điểm. Những nỗ lực nhằm lấp đầy kho hàng có nghĩa là những nước tiêu dùng lớn nhất hiện đang có nguồn cung thoải mái. Trên thực tế, Đức có thể đã bổ sung khí đốt vào cuối tháng 12 do thời tiết ôn hòa và hoạt động ít hơn trong mùa lễ đã làm giảm lượng nhiên liệu sử dụng.

Sự suy giảm nhu cầu trong những tháng gần đây cũng đã giúp ổn định thị trường khí đốt. Một số nước tiêu dùng ở châu Âu trước đây đã giảm sản lượng vì họ không muốn trả giá cao, trong khi các quốc gia mới nổi như Pakistan và Bangladesh ngừng nhập khẩu LNG vì họ không còn đủ khả năng chi trả. Theo các trader, sự gia tăng các ca nhiễm Covid ở Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu khí đốt ở quốc gia này suy giảm trong vài tháng tới.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có rủi ro nếu thời tiết bất ngờ khắc nghiệt. Một đợt khí lạnh kéo dài vào cuối mùa đông có thể làm cạn kiệt kho dự trữ khí đốt và đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn. Các công ty tiện ích cũng sẽ sớm lập kế hoạch để tránh tình trạng thiếu hụt vào mùa đông tới khi họ đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nhiên liệu từ Nga.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ