Ichimoku - Hệ thống của những đám mây diệu kỳ (P1)

Ichimoku - Hệ thống của những đám mây diệu kỳ (P1)

10:59 12/02/2021

PTKT phương Tây nổi tiếng với sự hệ thống hoá và tính khoa học cao, thì ở phương Đông cũng có một hệ thống đầy tính triết lý và khoa học không kém. Đó là Ichimoku - Hệ thống của những đám mây kỳ diệu

Giữa một khu rừng rộng lớn của thế giới phân tích kỹ thuật, có hàng trăm, hàng nghìn các loại chỉ báo cũng như hệ thống giao dịch, các loại đồ thị. Đa phần trong số chúng đều được phát triển ở phương Tây, cái nôi của phân tích kỹ thuật hiện đại với hệ thống máy tính đem lại khả năng backtest một lượng lớn dữ liệu. Thế nhưng, một hệ thống không hề cầu kỳ, nhưng vẫn bao hàm đủ tính khoa học xen lẫn những triết lý của người phương Đông. Bên cạnh đồ thị nến Nhật, hệ thống này đưa phân tích kỹ thuật phương Đông ra ngoài thế giới, nó mang tên Ichimoku.

  1. Ichimoku là gì ? Điều gì làm nên những đám mây xanh và đỏ ?

Ichimoku, tên đầy đủ là Ichimoku Kinko Hyo. Khi chiết tự theo ý nghĩa Hán Việt, Ichi (nhất) nghĩa là một, Moku (mục) là cái nhìn, ánh mắt, Kinko là cân bằng và Hyo (đồ), nghĩa là đồ thị. Ghép lại, ta có thể gọi nó là "Nhất mục cân bằng đồ", hay hiểu đơn giản, đó là một đồ thị "cân bằng" chỉ cần nhìn thoáng qua.

Hệ thống này được phát minh bởi Goichi Hosoda - một nhà báo. Rõ ràng ngay từ cái tên, đã chẳng có đám mây nào cả. Vậy thì điều gì làm nên những đám mây? Tôi sẽ giải thích thoáng qua cho bạn ngay sau đây, và tôi sẽ cố gắng giải thích những gì tôi biết theo một cách dễ hiểu nhất. 

Đồ thị của hệ thống Ichimoku và các yếu tố cơ bản

 Những yếu tố cấu thành nên một đồ thị Ichimoku cơ bản

Ở phần này, tôi sẽ đưa ra cách tính toán và tạo nên các yếu tố trong Ichimoku. Nếu bạn là một người đơn thuần chỉ cần cách sử dụng, bạn có thể bỏ qua phần này.

Không giống như những đường trung bình động, những đường chính trong hệ thống Ichimoku sử dụng giá cao nhất và giá thấp nhất, thay vì giá đóng cửa. Mặc dù cách xây dựng của chúng giống nhau.

  • Kijun-sen (hay Standard Line): Đường tiêu chuẩn, đây có thể coi là một đường trung bình với chu kỳ dài. Công thức tính của nó như sau:  Kijun-Sen = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất)/2, và sau đó giá trị được tính cho 26 phiên với cách tính tương tự của đường trung bình động.
  • Tenkan-sen (hay Signal Line): Đường chuyển đổi, hay đường tín hiệu, đây có thể coi như một được trung bình với chu kỳ ngắn, đưa ra những tín hiệu một cách nhanh hơn. Công thức tính: Tenkan-Sen = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất)/2, được tính trung bình 9 phiên.
  • Chiko Span (hay Lagging Line): Đường trễ, đây có thể coi như đường tín hiệu xác nhận cho xu hướng, vì độ trễ của nó. Công thức tính: Chikou Span = Giá đóng cửa hiện tại, được vẽ lùi về sau 26 phiên.
  • Senko Span A (leading line A). Công thức tính: Senkou Span A = (Tenkan-Sen + Kijun-Sen)/2, được thể hiện trên biểu đồ bằng cách dịch về phía trước 26 phiên.
  • Senko Span B (leading line B): Cùng với Senko Span A, sự giao cắt của hai đường này tạo nên những vùng có hình dáng của đám mây (Kumo). Công thức tính: Senkou Span B = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất)/2, tính cho 52 phiên, được vẽ dịch về phía trước 26 phiên.

Một hệ thống với nhiều yếu tố cấu thành, tạo nên một nét đẹp của văn hoá phương Đông, của người Nhật Bản, đó là nét đẹp của tinh thần làm việc tập thể. Và sự tập thể này, tạo nên một sức mạnh tuyệt vời của hệ thống Ichimoku, đó là sự "cân bằng". Vậy để hiểu, sự cân bằng này được thể hiện như thế nào, hãy cùng tìm hiểu về triết lý của hệ thống Ichimoku cũng như ba lý thuyết trụ cột, đó là lý thuyết thời gian, lý thuyết sóng và lý thuyết mục tiêu giá.

Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

2. Triết lý của hệ thống Ichimoku.

  • Triết lý thứ nhất - Sự cân bằng

Không giống như PTKT phương Tây, Goichi Hosoda cho rằng thứ ảnh hưởng đến thị trường, thứ dẫn dắt thị trường là thời gian, đây là yếu tố cốt lõi của Ichimoku. Và vì những đám mây (Kumo) là chiết xuất từ giá và thời gian, nên theo tôi, nó không mang ý nghĩa hay vai trò là "kháng cự" hay "hỗ trợ" như chúng ta lầm tưởng. Tất cả yếu tố đều được dẫn dắt bởi thời gian - và từ thời gian hình thành nên chu kỳ của thị trường. Sự cân bằng giữa thời gian chính là khi cả bộ ba "quá khứ", "hiện tại" và "tương lai" (các đường Chiko, Tenkan, Kijun và Kumo) cùng đồng thuận thuận thể hiện cho sự cân bằng đó. Khi đó, thị trường mới thực sự " Kinko", tức là thị trường có xu hướng, và cân bằng ổn định. Khi cả "quá khứ", "tương lai" và "hiện tại" cùng không đồng thuận, chồng chéo lên nhau, khi đó là trạng thái hỗn loạn. Hosoda cho rằng, đây là trạng thái mất cân bằng của thị trường về yếu tố thời gian.

  • Triết lý thứ hai - Xuôi theo dòng chảy và tuân theo sự cân bằng

Người Nhật có một thói quen, đó là khi ăn cá thì không bao giờ ăn đầu với đuôi mà họ chỉ ăn dọc phần thân vì những phần đầu và đuôi rất khó ăn, ít dinh dưỡng và cứng. Trong giao dịch cũng vậy, những điểm đầu, cuối xu hướng là "đầu" và "đuôi cá", luôn ẩn chứa sự hỗn loạn, trong khi khu vực có tiềm năng lợi nhuận lớn nhất chính là "thân cá". Mọi thị trường đều có chu kỳ và tuân theo chu kỳ đó, đó là Hỗn loạn - Cân bằng - Hỗn loạn. Luôn tránh giao dịch ở điểm hỗn loạn mà thay vào đó là nương theo sự cân bằng mới là điều mà Hosoda muốn hướng tới trong hệ thống của ông.

Tổng kết lại, theo tôi:

  • Ichimoku không nên là một hệ thống giao dịch dựa trên sự đột phá qua các ngưỡng cản, kháng cự, hỗ trợ, mà nó nên là một hệ thống Trend-following.
  • Các đường thành phần chỉ hiệu quả khi phối hợp đồng thời với nhau, và chiết xuất của nó đến từ sự trung bình của thời gian, và giá, vậy nên chúng không đóng vai trò như những vùng kháng cự, hỗ trợ.

Vậy để làm sao nhận biết về chu kỳ, cũng như khi nào thị trường đạt sự cân bằng, chúng ta hãy cùng đến với trụ cột đầu tiên trong chiếc kiềng 3 chân của hệ thống Ichimoku, lý thuyết đầu tiên và cũng là lý thuyết tối quan trọng nhất trong 3 lý thuyết chính của Ichimoku - lý thuyết thời gian.

3. Lý thuyết thời gian

Lý thuyết thời gian chia ra làm 2 kiểu chu kỳ chính và cùng với 2 kiểu biến thể. Vào năm 1930, Hosoda cùng với "siêu máy tính" của mình là một đội ngũ sinh viên nhỏ, hàng ngày đều thực hiện những phép toán với số lượng phép toán mà tưởng chừng như đội ngũ sinh viên đó chỉ "ăn, ngủ, đi vệ sinh và tính toán cho Hosoda." Cuối cùng, họ cũng đã tìm ra được bí mật về sự "cân bằng" mà họ muốn hướng tới. Đó là sự tối ưu của thị trường dựa trên các chu kỳ tuân theo quy luật của lý thuyết thời gian. Và vào năm 1968, Hosoda đã công bố hệ thống của mình.

  • Loại số chu kỳ thứ nhất, Kihon Suchi.

Kihon suchi là bộ số chu kỳ mà Hosoda đã mất nhiều năm để nghiên cứu, và đánh giá đây là bộ số thích hợp nhất với lý thuyết cân bằng mà ông đề ra.

Dãy số Kihon Suchi: Dãy số Kihon Suchi bao gồm tới 10 số - 9, 17, 26, 33, 42, 65, 76, 129, 172, 200, 257. Trong đó 3 số quan trọng nhất là 9, 17, 26. Bạn có thể để ý rằng, giữa các số trong dãy số trên có mối liên hệ như sau: Các số trong dãy Kihon Suchi thường được tính theo tổng chu kỳ nhỏ nhất là 9 (và có thể) cộng trừ thêm 1-2 phiên. Ta có 9+9-1=17,17+9=26.

Chu kỳ Kihon Suchi.

Như bạn thấy trên hình, trùng hợp thay, chu kỳ nhỏ đầu tiên diễn ra trong khoảng 9-10 cây nến, và đánh dấu sự đảo chiều với mẫu hình nến Evening Star. Tiếp theo, ở một chu kỳ lớn hơn, kéo dài 27 cây nến, và trùng hợp tuân thủ theo bộ số Kihon Suchi. Chu kỳ này cũng kết thúc bởi liên tiếp các mẫu nến Doji và Pinbar, và sau đó đảo chiều.

  • Loại số chu kỳ thứ hai, Taito Suchi.

Bên cạnh sự biến đổi theo bộ số chu kỳ Kihon Suchi, còn có sự biến đổi của thời gian theo các chu kỳ đều nhau, Chúng có tên là Taito Suchi. 

Chu kỳ Taito Suchi.

Không giống như Kihon Suchi, các chu kỳ đều nhau không cần thiết tuân theo quy luật của số Kihon Suchi. Trên đây là một ví dụ với cặp GBP/JPY.

  • Hai dạng biến thể của Taito Suchi

Jugi (overlap): Đây là dạng biến thể thứ nhất của chu kỳ Taito Suchi. Đôi khi chu kỳ Taito Suchi bị bất bình thường, và sinh ra khoảng "đè" lên nhau giữa hai chu kỳ, gọi là Jugi.

Biến thể Jugi

Kakugi (gap): Đây là dạng biến thể thứ hai của Taito Suchi. Giữa hai chu kỳ bị "dư" ra một khoảng cách (gap) khiến cho chu kỳ Taito Suchi bị biến thể.

Biến thể Kakugi

Lý thuyết thời gian là một trong những lý thuyết trụ cột chính của hệ thống Ichimoku. Các điểm đảo chiều tiềm năng (Henka Bi) tuân theo các bộ số của lý thuyết thời gian này. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vùng đảo chiều "tiềm năng" thông qua lý thuyết thời gian chỉ mang tính chất "tiềm năng", không có nghĩa giá sẽ đảo chiều hoàn toàn chính xác tại khu vực này. Hãy ghi nhớ kỹ triết lý của Hosoda muốn hướng tới, đó là "hoà hợp và cân bằng". Tuy nhiên, sự cân bằng hoàn hảo chỉ đạt được khi cả 3 lý thuyết: Lý thuyết thời gian, lý thuyết sóng và lý thuyết mục tiêu giá cùng đồng thuận. Và về hai lý thuyết này, tôi sẽ giới thiệu chúng ở phần tiếp theo. 

Broker listing

Cùng chuyên mục

Ichimoku - Hệ thống của những đám mây diệu kỳ (P1)

Ichimoku - Hệ thống của những đám mây diệu kỳ (P1)

PTKT phương Tây nổi tiếng với sự hệ thống hoá và tính khoa học cao, thì ở phương Đông cũng có một hệ thống đầy tính triết lý và khoa học không kém. Đó là Ichimoku - Hệ thống của những đám mây kỳ diệu
Quy tắc khách quan và quy tắc chủ quan - Câu chuyện muôn thuở trong Phân tích kỹ thuật (P1)

Quy tắc khách quan và quy tắc chủ quan - Câu chuyện muôn thuở trong Phân tích kỹ thuật (P1)

Chúng ta đã từng gặp khá nhiều tín hiệu phân tích kỹ thuật chủ quan - dựa trên kinh nghiệm và quan sát chủ quan của người dùng. VD: Đếm sóng Elliott; Mô hình giá...Một điểm yếu của PTKT chủ quan là chúng không có quy tắc rạch ròi từ chính người tạo ra hoặc tìm ra chúng, mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân, vì vậy khó có để backtest. Vậy còn PTKT khách quan, những người sử dụng chúng sẽ có những quy tắc nào, họ sử dụng các threshold (Ngưỡng) ra sao và khử xu hướng như thế nào để tạo ra một threshold tĩnh?
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ