[Glossary] Fed, chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán

[Glossary] Fed, chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán

18:17 19/04/2020

Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 đã khai sinh ra ngân hàng trung ương cho Hoa Kỳ. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ra đời từ đó và được giao trọng trách thiết lập chính sách tiền tệ quốc gia. Năm 1977, đạo luật được sửa đổi và đưa vào 2 mục tiêu chính sau: Duy trì mục tiêu tăng trưởng, việc làm và ổn định giá cả và tiêu dùng. Nhưng thực sự Fed có tầm ảnh hưởng như thế nào?

Chính sách tiền tệ là gì?

Cụm từ “chính sách tiền tệ” được dùng để chỉ các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương thực hiện nhằm can thiệp vào cung tiền, tác động đến chi phí của các khoản vay tín dụng, và thông qua đó giúp nền kinh tế quốc gia đạt được mục tiêu đề ra.

Chính sách tiền tệ được coi là “nới lỏng” nếu ngân hàng trung ương tăng lượng cung tiền hoặc giảm lãi suất. Ví dụ: từ tháng 11/2008, FED tăng cung tiền bằng cách mua một lượng lớn giấy tờ có giá, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Ngược lại, chính sách tiền tệ được coi là “thắt chặt” khi ngân hàng trung ương giảm cung tiền hoặc tăng lãi suất.

Trong một ấn bản do Fed phát hành mang tên “Cục dự trữ liên bang – Mục tiêu và chức năng” có đề cập rằng: “Trong ngắn hạn, sẽ có mâu thuẫn xảy ra giữa hai mục tiêu chính: ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, việc làm. Các nhà hoạch định chính sách sẽ đối mặt với một vấn đề nan giải và phải lựa chọn giữa việc tập trung vào ổn định giá cả hay tăng trưởng sản xuất, việc làm. Chính sách tiền tệ từ đó sẽ được phân loại dựa trên mục đích của ngân hàng trung ương: khi ngân hàng trung ương muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, họ sẽ chọn chính sách nới lỏng; Khi ngân hàng trung ương cho rằng kinh tế đang ổn định và không cần can thiệp, họ sẽ chọn chính sách trung lập; Cuối cùng, khi ngân hàng trung ương muốn bình ổn giá cả (kìm hãm lạm phát), họ sẽ chọn chính sách thắt chặt.

Ba công cụ chính sách tiền tệ của Fed

Fed không thể trực tiếp can thiệp tới lạm phát hoặc tác động đến sản lượng kinh tế và tăng trưởng việc làm. Nhưng họ có thể sử dụng các công cụ gián tiếp để can thiệp vào nền kinh tế, bao gồm:

  • Hoạt động thị trường mở
  • Thay đổi lãi suất chiết khấu
  • Yêu cầu dự trữ bắt buộc

Với 3 công cụ trên, Fed sẽ can thiệp vào cung cầu về dự trữ của các ngân hàng thương mại, qua đó làm thay đổi lãi suất cơ bản (lãi suất mà các ngân hàng thương mại dùng để vay hoặc cho vay lần nhau nhằm đảm bảo mức dự trữ bắt buộc mà Cục dự trữ Liên bang yêu cầu).

Khi lãi suất cơ bản (Fed funds rate) được điều chỉnh, nó sẽ kích hoạt một chuỗi các sự kiện ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn, tỷ giá hối đoái, lãi suất dài hạn, lượng tiền mặt và tín dụng và cuối cùng là một loạt các thay đổi trong lĩnh vực kinh tế bao gồm tăng trưởng việc làm, sản lượng, và giá cả hàng hóa, dịch vụ.

(Tìm hiểu chi tiết hơn về các công cụ của ngân hàng trung ương tại đây.)

Chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán

Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến sản xuất và tăng trưởng việc làm trong ngắn hạn, và được sử dụng để điều hòa nền kinh tế. Ví dụ: khi nhu cầu giảm xuống và xảy ra suy thoái kinh tế, Fed sẽ hạ lãi suất nhằm thích nền kinh tế trong ngắn hạn, đưa nó quay trở lại quỹ đạo dài hạn được thiết lập trước đó. Nhưng trong dài hạn, các mục tiêu trên phụ thuộc nhiều vào hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động, mức độ chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp. 

Chính sách tiền tệ của Fed khó có thể duy trì một cách hoàn hảo và làm hài lòng tất cả mọi thành phần của nền kinh tế, tác động của nó có thể là cơn gió thuận đưa con thuyền của các doanh nghiệp đi nhanh hơn, nhưng đôi khi cũng vô tình trở thành cơn gió nghịch khiến doanh nghiệp phải lèo lái mới có thể về tới đích.

Một chiến lược đầu tư được coi là hiệu quả khi nó đưa được con thuyền tiến tới mục tiêu cả trong điều kiện thuận gió và ngược gió, và thông thường nó được thực hiện nhờ nguyên tắc “không chống lại Fed” (Don’t fight the Fed). Khi Fed nới lỏng tiền tệ, cần tập trung đầu tư vào nhóm ngành nhạy cảm về kinh tế như công nghiệp, tài chính và kỹ thuật. Ngược lại, nếu Fed thắt chặt tiền tệ, nên đầu tư vào nhóm ngành ít nhạy cảm như y tế và các mặt hàng thiết yếu.

Ảnh hưởng của Fed tới thị trường chứng khoán

Một vài nghiên cứu đã được thực hiện để xác định nhà đầu tư có thể kiếm được lợi bằng cách theo dõi sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed hay không. Hai trong số các nghiên cứu cho rằng: bằng cách sử dụng nguyên tắc đơn giản để xác định chính sách tiền tệ mà Fed sử dụng, nhà đầu tư có thể kiếm lời từ thị trường chứng khoán.

Những nghiên cứu này kết luận rằng:

  • Giai đoạn nới lỏng tiền tệ thường sẽ chứng kiến thị trường chứng khoán tăng trưởng và sinh lời (cổ phiếu đem về lợi nhuận cao hơn với rủi ro thấp hơn mức trung bình). Trong khi đó chính sách tiền tệ thắt chặt thường trùng với giai đoạn thị trường cổ phiếu ảm đạm (các mã cổ phiếu thường có mức lợi nhuận thấp và rủi ro cao hơn trung bình)
  • Doanh nghiệp vốn hóa nhỏ sẽ nhạy cảm hơn với chính sách tiền tệ so với các tập đoàn lớn.
  • Nhóm cổ phiếu chu kỳ sẽ nhạy cảm với những thay đổi trong chính sách tiền tệ hơn nhóm cổ phiếu phòng thủ.
  • Chính sách tiền tệ của Mỹ có ảnh hưởng quan trọng đến thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với việc nhà đầu tư có thể kiếm lời nhờ theo dõi chính sách tiền tệ của Fed, điển hình là Benson Durham, tác giả của loạt bài mang tên “Chính sách tiền tệ và lợi nhuận từ cổ phiếu” được đăng trên tờ Financial Analyst Journal.

Ông cho rằng “những nghiên cứu giả định chính sách tiền tệ có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu không ảnh hưởng ngược lại chính sách tiền tệ, cần được xem xét cẩn trọng. Mặc dù các ngân hàng trung ương không hướng mục tiêu tới giá trị tài sản cụ thể, nhưng giá cổ phiếu lại chứa đựng dữ kiện về kỳ vọng liên quan đến chu kỳ kinh tế và chính sách tiền tệ trong tương lai. Sự trùng hợp này có thể dẫn đến kết luận sai lầm, nếu sử dụng phương pháp thống kê bình quân tối thiểu”

Kết luận

Chính sách tiền tệ có thể có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, một chiến lược đầu tư gắn liền với chính sách tiền tệ chưa chắc đã có hiệu quả trong mọi chu kỳ thắt chặt và nới lỏng tiền tệ. Các nhà đầu tư nên cẩn thận và xem xét thêm các các yếu tố khác như lãi suất tín phiếu kho bạc, dự báo kinh tế, các yếu tố cơ bản của cổ phiếu mà họ đang xem xét trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Chuyên mục Glossary trên trang Dubaotiente.com là tập hợp những bài viết mang tính định nghĩa về những khái niệm cơ bản trên thị trường. Bằng cách luận giải khởi đầu từ những vấn đề học thuật căn bản nhất, chúng tôi mong muốn mang đến cho các bạn nền tảng vững chắc để đi xa. Từ đây, để nâng cao kiến thức hoặc đi sâu hơn vào từng vấn đề, các bạn có thể theo dõi các bài viết trong các chuyên mục khác hoặc đăng đàn thảo luận trên facebook fanpage và group Dubaotiente.com. 

Broker listing

Cùng chuyên mục

Những điều cơ bản cần biết về khí đốt tự nhiên
Lê Hải Linh

Lê Hải Linh

Junior Analyst

Những điều cơ bản cần biết về khí đốt tự nhiên

Khí đốt tự nhiên là một nguồn năng lượng quan trọng được sử dụng để sưởi ấm, làm mát và phát điện. Nó cũng cung cấp năng lượng cho sản xuất và là thành phần chính trong các sản phẩm công nghiệp, bao gồm phân bón và dược phẩm. Ngày nay, nó cũng là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu thêm về khí đốt tự nhiên và thị trường khí đốt.
Hiểu thêm về bạc dưới góc nhìn của một trader
Lê Hải Linh

Lê Hải Linh

Junior Analyst

Hiểu thêm về bạc dưới góc nhìn của một trader

Bạc là hàng hóa được ứng dụng nhiều nhất bởi những lợi ích thiết yếu trong đồ trang sức và đồ điện tử. Mặc dù không khan hiếm hay được săn lùng nhiều như vàng, nhưng nó vẫn được coi là một trong những kim loại có giá trị nhất trên thế giới và là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất. Trong bài viết này, hãy khám phá xem bạc được sử dụng để làm gì, lịch sử và cách thức vận hàng của thị trường cũng như điều gì ảnh hưởng đến giá bạc.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ