Chứng khoán châu Á chao đảo, USD tích lũy khi thị trường chờ đợi biên bản cuộc họp Fed

Lê Nhật Thanh

Lê Nhật Thanh

Junior Analyst

10:53 21/02/2023

Chứng khoán châu Á giảm nhẹ vào thứ Ba khi nỗi lo ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tiếp tục diều hâu đè nặng lên tâm lý thị trường.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang để tìm thêm manh mối về chính sách tiền tệ.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0.34% xuống 531.85, dao động quanh mức thấp nhất trong sáu tuần tại 529.30 - mức đáy thiết lập tuần trước.

Chỉ số này đã giảm gần 3% trong tháng 2 sau khi tăng 8.6% vào tháng 1, khi các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ càng làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất có thể cần phải tăng hơn nữa và duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Thị trường hiện đang định giá lãi suất Fed sẽ đạt đỉnh 5.30% vào tháng 7 và duy trì trên 5% vào cuối năm, đồng thời sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0.01%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0.52%. Chứng khoán Trung Quốc mở cửa đi ngang trong khi Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0.1%.

Các chiến lược gia tại Saxo Markets cho biết: “Lo ngại về lạm phát ở Mỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro về một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dự kiến ​​và lợi suất vẫn là mối quan tâm chính khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại vào cuối ngày hôm nay”.

Thị trường Mỹ đóng cửa vào thứ Hai nghỉ lễ Ngày Tổng thống.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 3.5 điểm cơ bản lên 3.863%, sau khi chạm đỉnh ba tháng tại 3.929% vào thứ Sáu.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm tăng 1 điểm cơ bản lên 3.899%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm - thường thay đổi theo kỳ vọng lãi suất, tăng 5.4 điểm cơ bản lên 4.677%.

Sự chú ý của nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào biên bản cuộc họp mới nhất sẽ được Fed công bố vào thứ Tư khi cơ quan này tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Trên thị trường tiền tệ, USD giao dịch gần mức đỉnh gần đây khi đà tăng giá kéo dài 3 tuần chững lại. Các nhà giao dịch sẽ chờ đợi dữ liệu sản xuất của châu Âu và Hoa Kỳ vào cuối ngày thứ Ba, và chỉ số PCE lõi vào thứ Sáu để xác định các bước đi tiếp theo.

Chiến lược gia tiền tệ Philip Wee của DBS cho biết thị trường đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một bất ngờ khác với dữ liệu PCE sau bảng lương phi nông nghiệp mạnh mẽ của Mỹ và chỉ số CPI trong tháng này.

Chỉ số DXY hiện ở mức 104.01, ngay dưới mức cao nhất trong sáu tuần tại 104.67 thiết lập vào thứ Sáu. EUR/USD giảm 0.12% xuống 1.0669 và nhiều khả năng sẽ chấm dứt chuỗi tăng 4 tháng liên tiếp khi chốt tháng 2 giảm.

USD/JPY tăng 0.12% lên 134.40, trong khi GBP/USD duy trì quanh mức 1.2022, giảm 0.13%.

Dầu WTI tăng 1.02% lên 77.12 USD/thùng và dầu Brent giảm nhẹ 0.32% xuống 83.80 USD.

Investing

Nhận xét

Broker listing

Cùng chuyên mục

USD sẽ tiếp tục chịu áp lực?
Lê Nhật Thanh

Lê Nhật Thanh

Junior Analyst

USD sẽ tiếp tục chịu áp lực?

Đồng đô la có nguy cơ tiếp tục suy yếu do rủi ro bảng cân đối kế toán của Fed xấu đi, khi ngân hàng trung ương này nỗ lực ổn định hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ