Bitcoin – Vàng kỹ thuật số hay 1 bong bóng khổng lồ?

Bitcoin – Vàng kỹ thuật số hay 1 bong bóng khổng lồ?

Nam Anh

Nam Anh

Senior Economic Analyst

00:42 17/01/2021

Các nhà đầu tư bitcoin đang trải qua những tháng ngày vô cùng đáng nhớ. Đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất thị trường này đã tăng giá gấp bốn lần vào cuối năm 2020

Các nhà đầu tư bitcoin đang trải qua những tháng ngày vô cùng đáng nhớ. Đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất thị trường này đã tăng giá gấp bốn lần vào cuối năm 2020 – một sự bùng nổ gợi nhớ đến thời kỳ hoàng kim của Bitcoin ba năm về trước, khi giá Bitcoin tăng vọt lên gần 20,000 USD, sau đó sụp đổ và đánh mất hơn hai phần ba giá trị. Từng được coi là cuộc chơi của những kẻ mọt sách, những người theo chủ nghĩa tự do và những kẻ buôn bán ma túy, vẫn còn rất ít dấu hiệu cho thấy nó sẽ phát triển thành một hình thức tiền tệ hữu ích cho hầu hết các giao dịch. Tuy nhiên, đợt biến động siêu tốc mới nhất diễn ra khi nhiều nhà đầu tư lớn đang suy đoán rằng Bitcoin sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn và sẽ làm rung chuyển thế giới tài chính, có thể bằng cách chiếm lấy vai trò của vàng như một tài sản chống lạm phát thậm chí còn tốt hơn vàng.

1. Đâu là lý do cho sự trở lại này?

Khi thị trường tài chính toàn cầu biến động vì đại dịch covid-19 vào năm 2020, đã có một loạt các diễn biến cho thấy Bitcoin đang thực hiện nhiều bước phát triển hơn để trở thành một xu thế chủ đạo. Vào tháng 10, gã khổng lồ thanh toán toàn cầu PayPal Holdings Ltd. đã bắt đầu cho phép khách hàng sử dụng Bitcoin để thanh toán hàng hóa và dịch vụ, trong khi một số công ty tài chính lớn đã thiết lập các quỹ giúp các nhà đầu tư thêm tiền điện tử vào danh mục đầu tư của họ dễ dàng hơn. Đồng thời, dòng tiền khổng lồ được các ngân hàng trung ương thế giới bơm vào hệ thống tài chính toàn cầu đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu những động thái như vậy có thể châm ngòi cho sự trỗi dậy của lạm phát hay không – yếu tố tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với cả vàng và Bitcoin, do cả hai đều là tài sản khan hiếm.

2. Liệu đây có phải 1 bong bóng tiếp theo?

Mỗi đợt tăng giá sẽ tiếp thêm sinh lực cho những tín đồ thực sự của Bitcoin, cũng như thu hút sự chú ý của phần đông dân số – tổng giá trị vốn hóa của tất cả các loại tiền điện tử đã lần đầu tiên đạt mức 1 nghìn tỷ đô la vào ngày 7 tháng 1 vừa qua. Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính nổi tiếng như Robinhood và Revolut đã đưa tiền điện tử trở thành một phần quan trọng trong các ứng dụng giao dịch và ngân hàng của họ. Tuy nhiên, đầu tư vào tiền điện tử vẫn là một triển vọng rủi ro và đầy biến động, bởi chúng phần lớn vẫn là tài sản không được kiểm soát, có thể đối mặt với những sự thay đổi bất chợt, tự phát của thị trường. Sự phát triển của Bitcoin vào khoảng đầu năm 2021 đã nhanh chóng đến mức nó áp đảo tất cả chu kỳ bùng nổ khác của các tài sản tài chính trong vòng 50 năm qua.

3. Ai mua và sử dụng Bitcoin?

Các nhà quản lý tài sản nổi tiếng như Mike Novogratz và Alan Howard đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Một cuộc khảo sát mà Fidelity Investments thực hiện vào năm 2020 cho thấy 36% nhà đầu tư tổ chức tham gia trả lời nắm giữ tiền điện tử trong danh mục đầu tư của họ. Hơn sáu trong số 10 người bày tỏ sự quan tâm đến Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, tăng từ ít hơn một nửa vào năm 2019. Để chắc chắn, Bitcoin vẫn là một tài sản thanh khoản thấp, nơi những kẻ được gọi là “cá voi”, kiểm soát số lượng lớn nguồn cung, có thể tạo ra sự biến động lớn. Theo tổ chức nghiên cứu Flipside Crypto, chỉ ít hơn 2% tài khoản ẩn danh có thể được theo dõi trên sổ cái kỹ thuật số của Bitcoin kiểm soát tới 95% nguồn cung có sẵn. Một con cá voi thoát hàng - một sự kiện ngày càng có nhiều khả năng xảy ra hiện nay khi Bitcoin là cuộc chơi không chỉ của những người tin tưởng mà còn của các nhà tài chính thực dụng - có thể tạo ra những gợn sóng khắp hệ sinh thái.

4. Điều gì thu hút nhà đầu tư?

Nói tóm lại là sự tham lam và sợ hãi. Những người hâm mộ Bitcoin cho rằng cuộc tăng giá gần đây của nó không thể so sánh với những đợt tăng hưng phấn khác, do tài sản này đã trưởng thành với sự gia nhập của các nhà đầu tư tổ chức. Lợi suất bằng 0 và thậm chí là âm của các tài sản truyền thống như trái phiếu chính phủ đang thúc đẩy các quỹ đầu cơ tìm kiếm các giải pháp thay thế và trở nên FOMO khi đồng tiền này tăng giá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trong khi những người phản đối từ lâu đã nói rằng Bitcoin chắc chắn sẽ sụp đổ một lần nữa, nhiều người gần đây đã phải xem xét lại suy nghĩ của họ - đơn giản vì dường như đã có đủ người tin vào Bitcoin. Cũng xuất hiện nhiều cuộc thảo luận hơn về việc thừa nhận Bitcoin như một tài sản chống lại rủi ro lạm phát và bất kỳ sự suy yếu nào của đồng đô la Mỹ.

5. Tại sao so sánh Bitcoin với vàng?

Là một nguồn tài nguyên khan hiếm, vàng có truyền thống là tài sản phòng hộ chống lại lạm phát; giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 8 năm 2020. Các chính phủ có thể tăng tốc độ in tiền và do đó làm giảm giá trị tiền tệ của họ, nhưng các thợ mỏ không thể làm tràn ngập thị trường với vàng, hãy suy nghĩ về điều đó. Một phần sức hấp dẫn của Bitcoin nằm ở chỗ nó không bị kiểm soát bởi các chính phủ hoặc chính sách tiền tệ của họ và nguồn cung của nó bị hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn vàng. Trong bối cảnh mức chi tiêu lớn của các chính phủ và ngân hàng trung ương để đối phó với đại dịch làm gia tăng lo ngại lạm phát sau khi các nền kinh tế phục hồi, Bitcoin đang được chú ý nhiều hơn bao giờ hết với tên gọi “vàng kỹ thuật số”, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Theo các chiến lược gia tại JPMorgan Chase & Co, nếu Bitcoin thu hút được cùng một lượng tiền như hiện nay đang được đầu tư vào vàng, về lý thuyết nó có thể tăng lên mức giá hơn 146,000 USD trong dài hạn.

6. Đã đến lúc thừa nhận Bitcoin?

Các nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia vào Bitcoin một phần vì các biện pháp bảo mật đã trở nên tốt hơn – ngay cả khi nhiều câu chuyện hấp dẫn hơn xuất hiện về các triệu phú bị cản trở do mất mật khẩu. Trong vài năm qua, Bitcoin cũng đã phát triển một cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc hơn. Đã xuất hiện các dịch vụ lưu ký và giao dịch - với giấy phép và thông tin xác thực phù hợp - phục vụ riêng cho các nhà đầu tư được quản lý lớn. Ví dụ: Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đề xuất yêu cầu các ngân hàng và các tổ chức trung gian khác lưu trữ hồ sơ và gửi báo cáo để xác minh danh tính khách hàng cho các giao dịch tiền điện tử nhất định. Một số ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đang nghiên cứu cách kỹ thuật số hóa các loại tiền tệ pháp định, 1 sự xác nhận cho nền tảng blockchain của Bitcoin. Mặc dù vậy, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác vẫn có liên quan đến các vấn đề lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế, trộm cắp mạng và hơn thế nữa.

7. Vậy Bitcoin thật sự là gì?

Ra đời từ sự cay đắng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đây là một dạng tiền siêu việt ở chỗ nó không phải là loại tiền bạn có thể cầm trong tay. Nó không được phát hành hoặc hỗ trợ bởi bất cứ chính phủ nào. Về cốt lõi, Bitcoin và những kẻ bắt chước nó là một tập hợp các giao thức phần mềm để tạo mã thông báo kỹ thuật số và để theo dõi các giao dịch theo cách khó làm giả hoặc tái sử dụng mã thông báo. Bitcoin chỉ có giá trị trong phạm vi mà người dùng của nó đồng ý rằng nó có giá trị.

8. Cha đẻ của Bitcoin là ai?

Phần mềm ban đầu được tạo ra vào năm 2008 bởi một người hoặc một nhóm người sử dụng bút danh Satoshi Nakamoto, người vẫn chưa xác định được danh tính, bất chấp một số nỗ lực chỉ định hoặc yêu cầu ghi công. Các trò chơi giả tưởng trực tuyến đã sử dụng tiền ảo từ lâu. Ý tưởng quan trọng đằng sau Bitcoin là blockchain - một sổ cái trực tuyến ẩn danh, có thể nhìn thấy công khai, ghi lại các giao dịch Bitcoin. Những cơn sốt đã càn quét thị trường vào năm 2017, khi Bitcoin tăng vọt lên 19,000 USD từ 789 USD và hàng đống kẻ sao chép mờ ám đã đổ bộ thông qua cái gọi là “initial coin offerings”. Sự sụp đổ sau đó đã để lại vô vàn tổn thất.

9. Blockchain là gì?

Hãy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thực hiện chuyển khoản trực tuyến bằng ngân hàng. Ngân hàng xác minh rằng bạn có tiền, trừ số tiền đó vào một chỗ trong cơ sở dữ liệu khổng lồ mà họ lưu giữ các tài khoản và số dư, và ghi có vào chỗ khác. Bạn có thể thấy kết quả nếu đăng nhập vào tài khoản của mình, nhưng giao dịch nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng. Bạn đang tin tưởng ngân hàng sẽ chuyển số tiền phù hợp và ngân hàng cũng đang đảm bảo rằng bạn không thể tiêu số tiền đó một lần nữa. Blockchain là một cơ sở dữ liệu thực hiện các chức năng theo dõi đó - nhưng không có ngân hàng hoặc bất kỳ cơ quan trung ương nào khác.

10. Ai thực hiện chức năng của ngân hàng đối với Bitcoin?

Nó được thực hiện bởi sự đồng thuận trên một mạng phi tập trung. Các giao dịch bitcoin có thể được thực hiện thông qua các trang web cung cấp “ví” điện tử, các nền tảng upload dữ liệu lên mạng. Các giao dịch mới sẽ được nhóm lại với nhau thành một lô và được phát tới mạng để xác minh bởi những người được gọi là thợ đào Bitcoin. Những người hâm mộ Bitcoin lâu năm chỉ ra cái gọi là “halving” đã xảy ra vào năm 2020, cắt giảm một nửa số lượng Bitcoin mới được phát hành cho các thợ đào để xác minh giao dịch, là một lý do khác cho sự hồi sinh của loại tiền điện tử này. Sự kiện Bitcoin halving diễn ra ba đến bốn năm một lần và chúng giúp làm chậm quá trình khai thác các đồng tiền mới. Tổng lượng cung sẽ ngừng hoàn toàn ở mức 21 triệu xu; ước tính điều đó sẽ không xảy ra cho đến năm 2140. Con số này là hơn 18.5 triệu vào cuối năm 2020.

11. Ai có thể trở thành thợ đào bitcoin?

Bất cứ ai, miễn là bạn có máy tính thực sự nhanh và nhiều điện. Dữ liệu giao dịch trong mỗi lô được mã hóa bằng một công thức chỉ có thể được mở khóa thông qua phỏng đoán “trial-error” trên quy mô lớn. Những người khai thác sử dụng sức mạnh tính toán quy mô lớn khi họ cạnh tranh để trở thành người đầu tiên giải được câu đố. Nếu câu trả lời của người khai thác được người khác xác minh là chính xác, dữ liệu giao dịch đó sẽ được thêm vào chuỗi khối dữ liệu được liên kết và người khai thác được thưởng bằng 1 lượng Bitcoin mới phát hành. Bởi vì mọi khối đều chứa dữ liệu liên kết đến các khối trước đó, nỗ lực sử dụng cùng một số Bitcoin hai lần có nghĩa là phải sửa đổi nhiều liên kết trong chuỗi. Ngoài ra, khi các thợ đào cạnh tranh, họ xác minh công việc của nhau trên từng bước.

12. Liệu có xuất hiện loại tiền điện tử khác soán ngôi Bitcoin?

Khi số lượng tiền điện tử và mã thông báo tiếp tục nhân lên - giờ chúng đã lên tới hàng nghìn - Bitcoin vẫn là loại tiền điện tử được biết đến nhiều nhất, đã được thử nghiệm theo thời gian và có giá trị. Đây cũng là đồng tiền được coi là một kho lưu trữ giá trị tiềm năng. Những đối thủ của nó, chẳng hạn như Ethereum, được sử dụng cho những mục đích khác, chẳng hạn như phát hành mã thông báo để sử dụng trong các ứng dụng tài chính phi tập trung. Còn cái được gọi là stablecoin như một Tether neo giá của chúng với đồng đô la Mỹ hoặc các tài sản pháp dịnh khác, trong khi một số khác duy trì giá trị bằng cách lưu giữ các khoản dự trữ.

13. Làm thế nào để đầu tư vào Bitcoin?

Có rất nhiều cách, tất cả đều có những rủi ro khác nhau. Mọi người có thể mua Bitcoin trực tiếp từ các sàn giao dịch như Coinbase. Các nhà đầu tư được cấp phép cũng có thể đầu tư vào các phương tiện như Bitcoin Investment Trust, quỹ theo dõi giá Bitcoin. Giờ đây, các nhà đầu tư có thể mua hoặc bán hợp đồng tương lai Bitcoin và có thể sớm mua được các quỹ giao dịch hoán đổi Bitcoin, một khi các nhà quản lý cảm thấy thoải mái với ý tưởng này. Nhưng hãy cẩn trọng: ngay cả nhiều người tin tưởng vào tương lai của Bitcoin cũng nghĩ rằng một số biến động khủng khiếp đang ở phía trước. Sự gia tăng đột biến về giá Bitcoin vào năm 2017 được theo sau bởi một sự sụt giảm lên tới 83% kéo dài một năm.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Báo cáo biến động Vàng hàng tuần
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Báo cáo biến động Vàng hàng tuần

Giá trị hợp đồng tương lai vàng khi kết thúc phiên giao dịch thấp hơn mức trung bình trong 9 ngày gần nhất theo đường SMA, điều này cho thấy xu hướng giảm giá trong ngắn hạn. Thị trường đóng cửa dưới mức chỉ báo động lực biến đổi giá hàng tuần càng làm xu hướng này trở nên rõ nét hơn. Nhà giao dịch được khuyến nghị rằng nên chốt lời tại mức 2314-2253 USD trong ngắn hạn và chờ tín hiệu thay đổi trong dài hạn.
Cuộc chiến Vàng: Lạm phát và Lãi suất
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Cuộc chiến Vàng: Lạm phát và Lãi suất

Áp lực lạm phát khiến nhiều người nghi ngờ về kế hoạch giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang vào tháng 6. Chỉ số giá tiêu dùng vượt kỳ vọng khi tăng 3,5% trong tháng 3 đã làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế. Một số nhà kinh tế đã thay đổi dự đoán về thời gian Fed cắt giảm lãi suất sẽ xảy ra vào tháng 7 và tháng 9.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ