Vì sao Đông Nam Á sẽ không sớm tăng lãi suất theo Fed

Vì sao Đông Nam Á sẽ không sớm tăng lãi suất theo Fed

12:58 12/12/2021

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp từ đại dịch Covid-19, các quốc gia ở Đông Nam Á lại chứng kiến lạm phát yếu ớt, vì vậy, các ngân hàng trung ương có thể giữ nguyên lãi suất vào thời điểm hiện tại.

Trên quy mô toàn thế giới, lạm phát đang tăng mạnh do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu lên cao. Tuy nhiên, lạm phát ở các quốc gia Đông Nam Á lớn như Indonesia, Malaysia và Thái Lan vẫn thấp hoặc nằm trong mục tiêu của ngân hàng trung ương. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay Anh, với lạm phát lên cao nhất nhiều năm.

Đây cũng là một tín hiệu tốt cho các ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á, bởi nó giúp giảm bớt áp lực tăng lãi suất vào thời điểm Fed bắt đầu siết chính sách tiền tệ, một hành động luộn dẫn tới việc các thị trường mới nổi phải tăng lãi suất theo để giữ ổn định cho đồng nội tệ.

Giữ lãi suất thấp trong thời gian lâu hơn được cho là yếu tố rất quan trọng khi chính phủ muốn hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh có thể phải siết quy định giãn cách xã hội một lần nữa vì biến chủng mới Omicron. Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở Thái Lan và Malaysia.

Quốc gia ghi nhận giá cả hàng hóa tăng yếu nhất là Indonesia, với lạm phát vẫn thấp hơn rất nhiều mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2 – 4%. CPI của nước này chỉ tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11. Nguyên nhân là nhu cầu trong nước yếu ớt và chênh lệch sản lượng (chênh lệch giữa sản lượng thực tế và tiềm năng của một nền kinh tế) âm, ông Helmi Arman, chuyên gia kinh tế tại Citi, cho hay.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ trở lại khoảng 2 – 3% trong quý I/2022, khi nhu cầu phục hồi mạnh hơn”.

lai-suat-2-4490-1639241224.jpg

Tình hình lạm phát ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia.

Ngay cả ở các quốc gia như Thái Lan và Malaysia, nơi CPI đều tăng trong vài tháng gần đây, ngân hàng trung ương đều dự đoán lạm phát sẽ chậm lại.

CPI của Thái Lan tăng 2,71% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, cao nhất kể từ tháng 4 nhưng vẫn nằm trong khung mục tiêu 1 – 3% của ngân hàng trung ương nước này. Bộ Thương mại Thái Lan dự đoán lạm phát giảm dần trong năm tới sau khi rơi vào khoảng 0,8 – 1,2% trong cả năm nay.

Lạm phát tại Malaysia cũng ở mức cao nhất nhiều tháng trong tháng 10, với giá tiêu dùng tăng 2,9% và vẫn nằm trong khung dự đoán 2 – 3% của ngân hàng trung ương. Trong quyết sách tháng 11, ngân hàng trung ương nước này cho biết lạm phát có thể duy trì ở mức vừa phải trong năm 2022.

Các biện pháp mang tính quản lý thường được sử dụng để giữ lạm phát ở Đông Nam Á nằm trong tầm kiểm soát. Trong đó, chính phủ Indonesia tiếp tục trợ giá nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động của đà tăng giá hàng hóa trên toàn cầu. Tương tự, chính phủ Thái Lan tháng 11 áp trần giá dầu diesel ở 28 baht/lít (90 UScent/lít) từ tháng 12.

Tuy nhiên, yếu tố chính khiến lạm phát ở các thị trường mới nổi châu Á chậm hơn khu vực khác chính là giá thực phẩm, theo các chuyên gia kinh tế ở Capital Economics.

“Giá lương thực ở khắp Đông Âu và Mỹ Latin tăng rất nhanh nhưng lại tăng chậm ở châu Á. Một phần lý do là không giống như năng lượng, giá các mặt hàng lương thực khác nhau thường không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, trong khi giá lúa mì toàn cầu tăng mạnh, giá gạo lại giảm. Điều này làm giảm áp lực lạm phát ở các quốc gia tiêu thụ nhiều gạo”.

lai-suat-3-9485-1639241224.jpg

Giá tiêu dùng tại Philippines tăng mạnh trong tháng 11 nhưng tốc độ tăng đã chậm lại trong 3 tháng liên tiếp tính đến tháng 11. Ảnh: Reuters.

Giá thực phẩm cũng là lý do khiến giá tiêu dùng tại Philippines tăng mạnh trong tháng 11 với CPI tăng 4,2%, cao hơn khung mục tiêu 2 – 4% của ngân hàng trung ương. Giá thực phẩm, đặc biệt giá thịt, tăng mạnh vào đầu năm nay do dịch tả lợn châu Phi gây hạn chế nguồn cung. Giá mặt hàng này chiếm 35% CPI của Philippines, cao hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, số liệu tháng 11 cho thấy đà tăng của giá tiêu dùng tại Philippines đã chậm lại trong 3 tháng liên tiếp tính đến tháng trước. Chính phủ nước này trước đó phải đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn và cá để kiềm chế đà tăng giá.

Priyanka Kishore, trưởng bộ phận kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á tại Oxford Economics, cũng lưu ý rằng việc siết các biện pháp hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 và ít biện pháp hỗ trợ tài khóa hơn Mỹ đã trì hoãn sự phục hồi của thị trường lao động ở Đông Nam Á và kéo giảm áp lực lạm phát. Trong khi đó, khu vực này vốn ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng chậm trễ trong hoạt động vận chuyển và logistics do phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc về nguyên liệu thô và hàng nhập khẩu trung gian.

“Nhìn chung, các cảng biển ở châu Á hoạt động hiệu quả hơn và số liệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng và vận chuyển chậm trễ không phải là vấn đề quá lớn đối với khu vực”, bà Kishore nói.

Lạm phát thấp đặc biệt quan trọng vào thời điểm Fed đang dần gỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Những thay đổi như vậy trong chính sách tiền tệ của Fed thường dẫn đến tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và buộc các ngân hàng trung ương ở đây phải siết chính sách để bảo vệ đồng tiền của họ không bị mất giá. Nội tệ suy yếu có thể dẫn đến lạm phát do hàng hóa nhập khẩu trở trên đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát quá thấp như hiện nay, các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á có khá nhiều thời gian trước khi phải siết chính sách để bảo vệ đồng tiền của mình.

“Trước đây, việc ngân hàng trung ương Mỹ siết chính sách thường gây ra biến động tài chính ở các thị trường mới nổi, buộc họ phải tăng lãi suất để giữ mọi thứ ổn định. Nhưng lần này, tác động với châu Á có vẻ là không đáng kể vì một số lý do chính như áp lực lạm phát hiện và sẽ không nghiêm trọng như ở Mỹ”, giới chuyên gia kinh tế tại HSBC đánh giá.

lai-suat-4-1665-1639241224.jpg

Ngân hàng trung ương Indonesia có thể xem xét tăng lãi suất khi Fed hành động, song các quốc gia còn lại dự kiến ​​giữ nguyên cho đến quý I/2023. Ảnh: Nikkei Asia.

Vì vậy, họ không cho rằng các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á sẽ sớm nâng lãi suất. Theo một cuộc thăm dò của Reuters vào ngày 7/12, tất cả 16 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát đều dự đoán ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ giữ nguyên lãi suất ở 0,5% cho đến năm 2022. Đối với Malaysia, cả DBS Group Holdings và United Overseas Bank đều dự đoán lãi suất chỉ tăng 25 điểm cơ bản lên 2% vào nửa cuối năm 2022.

Tại Indonesia, Goldman Sachs cho rằng ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách trong quý II/2022, bắt đầu bằng việc siết thanh khoản và sau đó tăng lãi suất chính sách 75 điểm cơ bản trong nửa cuối năm.

Bà Kishore của Oxford Economics nói: “Xét đến tính chất nhất thời của lạm phát ở hầu hết nước Đông Nam Á và CPI có khả năng vẫn nằm trong vùng an toàn của các ngân hàng trung ương, chúng tôi thấy không cần thiết phải gấp gáp trong việc tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương Indonesia có thể xem xét tăng lãi suất khi Fed hành động, song các quốc gia còn lại dự kiến ​​giữ nguyên cho đến quý I/2023”.

Link gốc tại đây.

Theo NDH

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ