Tăng trưởng việc làm vững chắc tại Mỹ che giấu sự mất đà của thị trường lao động

Tăng trưởng việc làm vững chắc tại Mỹ che giấu sự mất đà của thị trường lao động

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

09:05 04/07/2025

Báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm vượt kỳ vọng, với 147,000 vị trí mới được tạo ra, nhưng gần một nửa đến từ khu vực công. Khu vực tư nhân ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 8 tháng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4.1% phần lớn do lực lượng lao động thu hẹp

Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 6 vượt kỳ vọng, nhưng bức tranh toàn cảnh lại không hề mạnh mẽ như con số bề nổi. Gần một nửa số việc làm mới đến từ khu vực chính phủ, trong khi khu vực tư nhân chứng kiến mức tăng yếu nhất trong tám tháng qua. Điều này phản ánh rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt trong bối cảnh môi trường kinh tế ngày càng bất ổn.

Theo báo cáo của Bộ Lao động công bố hôm thứ Năm, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống 4.1% từ mức 4.2% của tháng 5, một phần do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Thêm vào đó, thời gian làm việc trung bình trong tuần cũng bị rút ngắn, gợi ý rằng các doanh nghiệp đang dần cắt giảm giờ làm thay vì tuyển thêm nhân công.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các chính sách của Tổng thống, mà họ đánh giá là “chống tăng trưởng” — như áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu, trục xuất người nhập cư và cắt giảm chi tiêu công — đang dần làm thay đổi nhận thức của công chúng về nền kinh tế. Niềm tin của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng từng tăng vọt sau chiến thắng bầu cử của ông Trump vào tháng 11 năm ngoái nhờ kỳ vọng vào các chính sách cắt giảm thuế và giảm bớt quy định, nhưng đã sớm sụt giảm chỉ hai tháng sau đó.

Báo cáo việc làm tháng 6, tuy có phần trái chiều, khó có thể là yếu tố khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hành động ngay trong tháng này. Tuy nhiên, điều này lại củng cố khả năng Fed sẽ xem xét các đợt cắt giảm lớn hơn trong thời gian tới khi chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ được tái khởi động.

“Dù con số việc làm nhìn có vẻ mạnh, nhưng sự yếu kém đang lan rộng trong khu vực tư nhân,” Eugenio Aleman, kinh tế trưởng tại Raymond James, nhận định. “Thị trường lao động tiếp tục suy yếu trong tháng 6, điều này phù hợp với quan điểm của chúng tôi và có thể làm hồi sinh cuộc thảo luận về lộ trình lãi suất của Fed.”

Bảng lương phi nông nghiệp tăng thêm 147,000 việc làm trong tháng 6, sau khi số liệu tháng 5 được điều chỉnh tăng lên 144,000. Các nhà kinh tế trước đó chỉ kỳ vọng mức tăng khoảng 110,000 việc làm, so với con số ban đầu là 139,000 trong tháng 5.

Báo cáo này được công bố sớm hơn thường lệ do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7. Dù kết quả vượt kỳ vọng, tốc độ tạo việc làm đã chậm lại và chỉ tập trung ở một số ngành nhất định.

Khu vực chính phủ đóng góp 73,000 việc làm mới, chủ yếu đến từ giáo dục công lập với 40,000 việc làm ở cấp bang và 23,000 ở cấp địa phương — những con số mà các nhà kinh tế cho là mang tính mùa vụ và có thể đảo chiều trong tháng 7. Ngược lại, chính phủ liên bang tiếp tục cắt giảm biên chế,giảm thêm 7,000 việc làm trong tháng 6, nâng tổng số việc làm bị cắt kể từ tháng 1 lên 69,000 do các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Nhà Trắng.

Trong khu vực tư nhân, chỉ có 74,000 việc làm mới được tạo ra — mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái — giảm so với 137,000 trong tháng 5 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình ba tháng là 115,000. Ngành y tế dẫn đầu với 39,000 việc làm, chủ yếu trong bệnh viện và trung tâm chăm sóc. Dịch vụ xã hội tăng 19,000 việc làm, nhưng phần còn lại của nền kinh tế tiếp tục yếu.

Ngành sản xuất mất 7,000 việc làm, thương mại bán buôn giảm 6,600 vị trí, một phần do tác động của thuế nhập khẩu. Ngành dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh mất 7,000 việc làm. Bán lẻ chỉ tạo thêm 2,400 việc làm, trong khi vận tải và kho bãi tăng 7,500, xây dựng tăng 1,000.

Một chỉ số đo lường tỷ lệ các ngành báo cáo tăng trưởng việc làm đã giảm xuống 49.6 từ mức 51.8 của tháng trước. Tuần làm việc trung bình giảm còn 34.2 giờ từ 34.3 giờ trong tháng 5.

“Rõ ràng khu vực tư nhân đang mất đà vào cuối quý II — đây không phải là tín hiệu tích cực cho hiệu suất kinh tế trong quý III,” giáo sư kinh tế Brian Bethune tại Đại học Boston cho biết.

Tiền lương trung bình theo giờ chỉ tăng 0.2% trong tháng 6, sau khi tăng 0.4% trong tháng 5. Tính theo năm, tăng trưởng tiền lương giảm xuống 3.7% từ 3.8%. Các nhà phân tích nhận định điều này sẽ khiến Fed tiếp tục thận trọng, nhiều khả năng trì hoãn việc hạ lãi suất ít nhất đến tháng 9 hoặc muộn hơn.

“Với Fed, sự suy yếu ở khu vực tư nhân chưa đủ rõ ràng để khiến Ủy ban FOMC lơ là trước rủi ro lạm phát,” Michael Feroli, kinh tế trưởng tại J.P. Morgan, nhận định. “Chúng tôi vẫn kỳ vọng lần hạ lãi suất tiếp theo vào tháng 12.”

Hiện tại, Fed vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức 4.25%-4.50% kể từ tháng 12 năm ngoái. Chủ tịch Fed Jerome Powell đầu tuần này tuyên bố cần “kiên nhẫn và quan sát thêm” trước khi tiếp tục điều chỉnh chính sách.

Thị trường chứng khoán Phố Wall phản ứng tích cực với báo cáo, đồng USD tăng nhẹ và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng tăng nhẹ.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm một phần vì có đến 130,000 người rời khỏi lực lượng lao động. Dữ liệu hộ gia đình ghi nhận thêm 93,000 việc làm, góp phần kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống. Tuy nhiên, số người thất vọng vì không thể tìm việc tăng mạnh lên 256,000 người — một dấu hiệu cảnh báo khác.

Thất nghiệp dài hạn cũng tăng: số người không có việc làm hơn 27 tuần đã tăng thêm 190,000 người, nâng tổng số lên 1.647 triệu. Thời gian trung bình thất nghiệp tăng lên 10.1 tuần từ 9.5 tuần trong tháng trước.

Các khảo sát gần đây cho thấy doanh nghiệp không mặn mà với việc tuyển dụng. Một số phản hồi cho biết họ chỉ “bổ sung nội bộ” và trì hoãn kế hoạch tuyển dụng vì ngân sách chính phủ năm tài chính 2026 chưa rõ ràng.

Phần lớn các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, với việc chính quyền siết nhập cư, nguồn cung lao động đang giảm sút. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ cần ít việc làm hơn mỗi tháng để giữ tỷ lệ thất nghiệp ổn định. Hiện con số này được ước tính dao động từ 100,000 đến 170,000 việc làm mỗi tháng.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm từ 62.4% xuống 62.3%, phản ánh sự suy giảm ở cả nhóm dân cư sinh ra ở nước ngoài lẫn trong nước.

“Một phần sự suy giảm này có thể là do thay đổi trong chính sách nhập cư và có thể sẽ tiếp diễn,” Andrew Hollenhorst, kinh tế trưởng Mỹ tại Citigroup, cho biết. “Tuy nhiên, các tín hiệu yếu từ cả khảo sát doanh nghiệp và hộ gia đình cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng mạnh hơn trong tháng 7 và 8.”

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trung Quốc: Đang thực hiện khuôn khổ thương mại với Mỹ

Trung Quốc: Đang thực hiện khuôn khổ thương mại với Mỹ

Trung Quốc đang xem xét các đơn xin cấp phép xuất khẩu cho các mặt hàng bị hạn chế như một phần trong nỗ lực thực hiện khuôn khổ thương mại với Mỹ, Bộ Thương mại cho biết vào thứ Sáu, phản hồi lại các động thái gần đây của Mỹ nhằm nới lỏng kiểm soát xuất khẩu.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ