Nỗi sợ lạm phát toàn cầu khi giá hàng hóa tăng cao

Nỗi sợ lạm phát toàn cầu khi giá hàng hóa tăng cao

18:42 08/06/2021

Giá đầu vào tiếp tục đi lên làm nỗi sợ lạm phát gia tăng, nhưng mức độ tác động và ứng phó của mỗi nền kinh tế là khác nhau.

Một người tiêu dùng xem thịt trong siêu thị ở São Paulo, Brazil.
Một người tiêu dùng xem thịt trong siêu thị ở São Paulo, Brazil.

Thế giới chưa từng chứng kiến đợt tăng giá hàng hóa diện rộng nào như hiện nay, kể từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trước đó là những năm 1970. Gỗ xẻ, quặng sắt và đồng đã đạt giá kỷ lục. Ngô, đậu tương và lúa mì đã tăng lên mức cao nhất 8 năm. Dầu gần đây đã đạt mức cao nhất 2 năm.

Các nhà kinh tế dự báo dữ liệu giá tiêu dùng được công bố vào cuối tuần này sẽ càng làm rõ xu hướng trên. Theo đó, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc, có thể tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, cũng được dự kiến tăng mạnh trong 12 tháng đến hết tháng 5, do chi phí lao động cao hơn.

Thông thường, các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương không lo lắng quá nhiều về biến động giá hàng hóa. Bởi lẽ chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong lạm phát tiêu dùng so với các chi phí khác, chẳng hạn như nhà ở.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất đang thu hẹp do chi phí nguyên liệu thô cao hơn. "Chúng tôi đang bị ảnh hưởng từ mọi khía cạnh", Franz Hofmeister, CEO Quaker Bakery Brands ở Wisconsin (Mỹ) nói và cho rằng chi phí đầu vào gồm lúa mì, năng lượng và thiết bị nhôm đã tăng ít nhất 25% đến 35% năm nay.

Khách hàng phản đối khi ông tăng giá vỏ bánh pizza, burger và các mặt hàng khác lên 8%, nhưng có thể cần phải tăng nhiều hơn nữa. "Điều đáng sợ là chúng tôi thấy áp lực tăng giá chưa có hồi kết", ông nói.

Nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự gia tăng, bao gồm nhu cầu tiêu dùng cực kỳ mạnh mẽ và các nút thắt trong chuỗi cung ứng. Nhưng đằng sau những điều đó, theo nhiều nhà kinh tế học là quyết định có chủ ý của các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và các nước khác, bằng cách bơm nhiều kích thích để đảm bảo nền kinh tế của họ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

Các ngân hàng trung ương sẽ phải quyết định xem liệu họ cần can thiệp hay không bằng cách tăng tỷ giá hoặc các động thái khác. Trong những năm 1970, nhiều quốc gia ưu tiên việc làm và tăng trưởng hơn là kiểm soát giá tiêu dùng.

Đến nay, Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thắt chặt chính sách khi giá hàng hóa tăng. Các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vẫn lạc quan.

Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB lập luận rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ giúp kiểm soát lạm phát. ECB dự kiến tăng dự báo lạm phát của khu vực năm nay tại cuộc họp chính sách giữa tuần này, đồng thời tiếp tục mở rộng các chính sách kích thích bao gồm lãi suất thấp và mua trái phiếu quy mô lớn.

Có lý do để một số nền kinh tế vẫn chưa hành động khi giá hàng hóa tăng. Bởi lẽ, hàng hóa đầu vào chiếm một phần tương đối nhỏ trong giá tiêu dùng. Chúng chủ yếu được sử dụng để sản xuất chứ không phải dịch vụ - vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn ở các nền kinh tế phát triển. Cụ thể, hàng hóa chỉ chiếm khoảng 20% tỷ trọng trong chỉ số giá tiêu dùng Mỹ.

Nghiên cứu cũng cho thấy tác động của cú sốc giá hàng hóa đầu vào đối với lạm phát đã giảm trong những thập kỷ gần đây, vì các yếu tố như thương hiệu đã trở nên quan trọng trong chi phí thành phẩm. Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò nhỏ hơn trong sản xuất đầu cuối, khi hiệu suất của các doanh nghiệp ngày một tốt.

Theo World Bank, Mỹ đã tăng gần gấp 3 lần sản lượng kinh tế trên mỗi kg dầu tiêu thụ từ năm 1990 đến 2015. "Dầu từng là yếu tố quan trọng đủ để xoay chuyển lạm phát, nhưng giờ đây không còn hàng hóa nào làm được nữa", Dirk Schumacher, Chuyên gia kinh tế tại Natixis, cựu nhà kinh tế của ECB, nhận định.

Tuy nhiên, giá hàng hóa có thể mang tính quyết định vào thời điểm mà các yếu tố khác cũng đang đẩy mặt bằng giá nói chung lên cao hơn. Theo ông Schumacher, nếu chính sách tài khóa của Mỹ bị lạm dụng thì hàng hóa có thể là yếu tố cuối cùng kích hoạt một vòng xoáy tăng giá.

Song nhìn chung, giá hàng hóa đầu vào tăng vọt vẫn có thể là một cảnh báo sớm về lạm phát vì thị trường này phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của nền kinh tế, hơn là giá của thành phẩm

Giá tiêu dùng của eurozone (khu vực đồng EUR) trong tháng 5 cao hơn 2% so với một năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ cuối năm 2018, phần lớn là do năng lượng. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng trong tháng 5 với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Các nhà kinh tế lưu ý rằng giá một số hàng hóa, đặc biệt là dầu thô, đang quay trở lại mức trước đại dịch.

Nhiều người tin rằng đà tăng giá hàng hóa sẽ giảm dần vào cuối năm, khi một số chi tiêu của người Mỹ chuyển sang dịch vụ. Theo Capital Economics, mức tiêu thụ kim loại công nghiệp của Trung Quốc, chiếm khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu, cũng dự kiến giảm.

"Dầu đã tăng từ 35 USD lên 70 USD một thùng. Nó sẽ không tăng lên 140 USD. Nhiều giá hàng hóa sẽ đi ngang trong ba đến sáu tháng tới", Dan Smith, Cố vấn đặc biệt của Oxford Economics ở London, cho biết.

Michael Hanson, Nhà kinh tế cấp cao toàn cầu tại JPMorgan Chase, nói rằng mặc dù giá nguyên liệu thô cao hơn có thể sẽ dẫn đến áp lực lạm phát tạm thời, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ.

Theo ông, phần lớn lạm phát gia tăng gần đây là do sức nóng của nền kinh tế thời điểm mở cửa trở lại, khi các công ty đang tranh giành nhân công và giải quyết tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa, và nền kinh tế đủ mạnh để vượt qua điều đó.

Deutsche Bank thì có cái nhìn ngược lại. Nhà kinh tế trưởng David Folkerts-Landau của ngân hàng này cho rằng, đã có nhiều nguồn tăng giá đang thâm nhập vào nền kinh tế Mỹ. "Rủi ro là khi nó chỉ diễn ra trong vài tháng, có thể khó được kiềm chế, đặc biệt là với kích thích quá cao", ông nói.

Cũng có những người hưởng lợi từ giá hàng hóa bùng nổ. Một luồng gió mới đang thổi qua nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp và nâng giá đất canh tác của Mỹ. Chúng cũng mang lại lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu.

Nền kinh tế Brazil đã trở lại mức trước đại dịch trong quý I, được thúc đẩy bởi xuất khẩu đậu nành, cà phê, đường và quặng sắt. Với giá kim loại hiện tại, Rio Tinto, BHP Group, Anglo American và Glencore năm nay có thể tạo ra tổng thu nhập 140 tỷ USD trước lãi vay, thuế, và khấu hao, theo Ngân hàng Hoàng gia Canada. Năm 2015, khi giá kim loại neo thấp, tổng thu nhập của họ chỉ 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại nước xuất khẩu nguyên liệu như Nga, giá cả tăng cao vẫn làm tăng lạm phát. Ngân hàng trung ương của nước này đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 5% vào tháng 4, và cân nhắc sẽ tăng tiếp. "Áp lực lạm phát ở Nga không phải nhất thời", Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina nói.

Tại Trung Quốc, các chủ nhà máy đã tăng giá hoặc buộc phải tạm dừng hoạt động để bù lỗ, do chi phí nguyên liệu thô cao hơn. Hong Miao Toy, công ty sản xuất đồ chơi giáo dục ở thành phố Sán Đầu (Quảng Đông), ghi nhận tỷ suất lợi nhuận giảm 30% trong năm nay. "Tôi chưa thấy nguyên liệu thô nào mà chi phí không tăng trong năm nay", Matt Lin, Nhà sáng lập Hong Miao Toy nói và dự đoán chi phí nhựa sẽ cao hơn khi dầu thô tăng.

Theo Calum MacRae, một nhà phân tích ôtô tại GlobalData, giá thép tăng đã làm tăng thêm khoảng 515 USD vào giá thành của một chiếc xe hạng nhẹ trung bình tại Mỹ. Hay như BSA Machine Tools, một công ty sản xuất máy công cụ đã phải tăng giá sản phẩm khoảng 5% đến 6% để bù đắp chi phí. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác", đại diện công ty nói.

Link gốc tại đây.

VnExpress tổng hợp theo WSJ

Broker listing

Cùng chuyên mục

Nhận định của Kaiko Research về thị trường tiền điện tử trong tuần vừa qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Nhận định của Kaiko Research về thị trường tiền điện tử trong tuần vừa qua

Tuần trước, Bitcoin cùng với các tài sản rủi ro khác đều ghi hận mức giảm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Tuy nhiên, nó đã lấy lại được vị thế vào đầu ngày thứ hai sau khi Hồng Kông phê duyệt các quỹ ETF BTC và ETH giao ngay. Trong một tin tức khác, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã đưa ra thông báo điều tra đối với Uniswap Labs và MarginFi đã phải hứng chịu dòng tiền hơn 200 triệu USD chảy ra khỏi giao thức khi người sáng lập của nó rời đi. Tuần này chúng tôi sẽ nói về cuộc chiến phí giao dịch ở Hàn Quốc, phản ứng của thị trường trước thông báo điều tra đối với Uniswap Labs, sự thống trị ngày càng gia tăng của Coinbase và mối tương quan giữa BTC và USD.
Nhận định triển vọng lãi suất của ECB
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Nhận định triển vọng lãi suất của ECB

CPI tháng 3 của Hoa Kỳ đã ghi nhận ở mức cao hơn dự kiến và đẩy lùi những kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm 2024. Trong bối cảnh đó, chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde khẳng định rằng ECB sẽ đưa ra những quyết định lãi suất không phụ thuộc vào Fed và đưa ra những tín hiệu cắt giảm lãi suất. Bài viết sẽ giải thích những lý do khiến thị trường tin rằng ECB sẽ ha lãi suất trước Fed.
Nhật Bản tham dự CLB tăng lãi suất muộn màng khi mà bữa tiệc cắt giảm lãi suất sắp bắt đầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Nhật Bản tham dự CLB tăng lãi suất muộn màng khi mà bữa tiệc cắt giảm lãi suất sắp bắt đầu

Vào ngày 18/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chấm dứt tình trạng lãi suất âm kéo dài suốt 8 năm bằng cách tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên sau 17 năm. Tuy nhiên, trái với nhiều người kỳ vọng, đồng yên tiếp tục suy yếu trong khi chỉ số Nikkei 225 tăng điểm. Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do cho điều này.
Góc nhìn chuyên sâu của Bloomberg về lạm phát của Hoa Kỳ
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Góc nhìn chuyên sâu của Bloomberg về lạm phát của Hoa Kỳ

Dữ liệu lạm phát tháng 3 của Hoa Kỳ đã được công bố vào ngày 10/4 vừa qua và một lần nữa lại nóng hơn dự kiến. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp góc nhìn của John Authers, chuyên gia của Bloomberg về tình hình lạm phát của Hoa Kỳ cũng như các kỳ vọng cắt giảm lãi suất
Lạm phát đang trở thành cơn ác mộng chính trị đối với Fed
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Lạm phát đang trở thành cơn ác mộng chính trị đối với Fed

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày càng phải đối mặt thêm với những vấn đề liên quan đến lạm phát. Dữ liệu lạm phát lại tiếp tục gia tăng và thị trường thị trường đang dự đoán rằng ngân hàng trung ương sẽ không cắt giảm lãi suất ít nhất là cho đến giữa tháng 9. Đây cũng là thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách gặp nhau lần cuối trước cuộc tổng tuyển cử giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump diễn ra vào ngày 5/11. Vì vậy, liệu các nhà hoạch định chính sách sẽ chọn điều tốt nhất cho danh tiếng của họ hay cho nền kinh tế?
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ