Nhật Bản: Tiêu dùng khởi sắc, lạm phát hạ nhiệt nhưng rủi ro từ Mỹ vẫn là ẩn số

Huyền Trần
Junior Analyst
Chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản tăng vượt kỳ vọng trong tháng 5, đạt mức cao nhất trong gần ba năm, cho thấy tín hiệu tiêu dùng đang hồi phục. Tuy nhiên, các rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chưa có thỏa thuận thương mại rõ ràng, vẫn phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng và thu nhập. Ngân hàng Trung ương Nhật tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến này để điều chỉnh chính sách phù hợp.

Chi tiêu của hộ gia đình tại Nhật Bản đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022 trong tháng 5, làm dấy lên hy vọng rằng đà tiêu dùng yếu kéo dài có thể đang chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những rủi ro ngày càng lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ – đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump – tiếp tục là một trở ngại đối với niềm tin người tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố hôm thứ Sáu, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 5 đã tăng 4.7% so với cùng kỳ năm trước – cao hơn đáng kể so với mức dự báo trung bình 1.2% của thị trường và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 8 năm 2022, khi chi tiêu tăng 5.1%. Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, chi tiêu tháng 5 tăng 4.6% so với tháng trước, cũng vượt xa dự báo tăng 0.4% và là mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2021 (6.7%).
Một quan chức Bộ Nội vụ cho biết kết quả ấn tượng này một phần nhờ vào chi tiêu tăng đột biến cho các sản phẩm liên quan đến ô tô và hoạt động ăn uống ngoài trời – những yếu tố mang tính nhất thời. Tuy vậy, xu hướng chung đang có dấu hiệu phục hồi. "Trung bình động ba tháng của chi tiêu hộ gia đình đã duy trì mức dương kể từ tháng 12 năm ngoái và tiêu dùng dường như đang trên đà hồi phục," vị quan chức nhận định.
Diễn biến của tiêu dùng và tiền lương là hai yếu tố then chốt được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) theo dõi sát sao để đánh giá sức mạnh nội tại của nền kinh tế và xác định thời điểm thích hợp để điều chỉnh lãi suất. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát, mức tăng lương đáng kể trở thành yếu tố thiết yếu để hỗ trợ tiêu dùng bền vững.
Năm nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đồng ý nâng lương lên trung bình 5.25%, mức cao nhất trong vòng 34 năm, theo số liệu từ tổ chức công đoàn lớn nhất nước – Rengo.
Theo nhà kinh tế Yutaro Suzuki tại Daiwa Securities, khi đồng yen mạnh lên và giá dầu thô toàn cầu có xu hướng giảm, mức lương thực tế tại Nhật có thể chuyển sang tăng trưởng dương trong nửa cuối năm nay. “Đây sẽ là lực đẩy giúp tiêu dùng dần phục hồi,” ông nhận định.
Tuy nhiên, không ít nhà hoạch định chính sách và chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng thương mại toàn cầu – đặc biệt là các biện pháp thuế quan mà ông Trump đề xuất – có thể làm suy yếu đà tăng lương và cản trở tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của BoJ.
Dù tổng chi tiêu tăng, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn thận trọng với các mặt hàng có giá cao. Bộ Nội vụ cho biết, chi tiêu cho gạo – một mặt hàng thiết yếu – đã giảm 8.2% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự tiết chế trong chi tiêu hàng ngày.
Về thương mại, triển vọng vẫn đầy bất ổn. Tổng thống Trump gần đây bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, thậm chí cảnh báo có thể áp thuế lên tới 30% hoặc 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật – cao hơn đáng kể so với mức 24% từng được công bố vào ngày 2/4, hiện đang tạm hoãn cho đến ngày 9/7.
“Việc lợi nhuận doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể do thuế quan có thể kéo theo hệ lụy tiêu cực đối với tiền thưởng mùa đông và các cuộc đàm phán lương vào mùa xuân năm 2026,” ông Masato Koike, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Sompo Institute Plus cảnh báo. “Mỹ đã gia tăng áp lực trong các tuyên bố thương mại với Nhật Bản, và rõ ràng rủi ro hiện nay đã cao hơn trước.”
Reuters