Nguy cơ về cuộc khủng hoảng năng lượng

Nguy cơ về cuộc khủng hoảng năng lượng

18:16 07/03/2022

Theo các chuyên gia, cuộc chiến Nga - Ukraine có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn và khiến kinh tế toàn cầu một lần nữa rơi vào suy thoái.

Nguy cơ khủng hoảng

Theo Daniel Yergin - Phó Chủ tịch IHS Markit, cuộc chiến Nga - Ukraine có thể gây ra sự gián đoạn thị trường năng lượng tương tự các cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn trong thập niên 70 của thế kỷ trước.

Hiện Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Hiện Nga đang xuất khẩu khoảng 7,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế mỗi ngày. Mặc dù năng lượng của Nga không phải mục tiêu, thế nhưng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là đối với hệ thống tài chính của Nga, sẽ ngăn chặn dầu của Nga tiếp cận thị trường.

Quả vậy hiện người mua đang cảnh giác với dầu của Nga vì sự phản đối từ các ngân hàng, cảng và các công ty vận tải biển, những người không muốn đối mặt với các lệnh trừng phạt. Trong khi đó nguồn cung trên thị trường dầu vẫn được thắt chặt. OPEC+, một liên minh giữa OPEC, Nga và các nước khác, hôm 2/3 đã quyết định tiếp tục các kế hoạch sản xuất hiện tại của mình. Theo đó liên minh sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày cho đến khi đạt được mục tiêu vào tháng 6.

“Đây là một cuộc khủng hoảng nguồn cung, là một cuộc khủng hoảng logistics, một cuộc khủng hoảng thanh toán”, Daniel Yergin nói và cho rằng, đây có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập và cuộc cách mạng Iran vào những năm 1970.

Cả hai sự kiện đều là những cú sốc dầu lớn trong thập kỷ trước. Còn nhớ năm 1973, các nhà sản xuất dầu Trung Đông cắt nguồn cung từ Mỹ và các nước phương Tây khác để trả đũa vì đã hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm đó. Nguồn cung dầu ngay lập tức bị thiếu hụt đẩy giá xăng dầu tăng vọt. Cú sốc khác là kết quả của cuộc cách mạng Iran 1978-1979.

Các công ty dầu khí như BP và Exxon Mobil cho biết họ đang rút khỏi các liên doanh với các công ty Nga. Giá dầu thô Ural của Nga đã giảm mạnh so với giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế.

“Điều mà chúng tôi chưa thấy trước đây là các công ty không muốn làm ăn với Nga. Các công ty dầu mỏ đang từ bỏ các khoản đầu tư lớn, nơi họ có thể đã mất nhiều năm để phát triển hoạt động”, Yergin nói.

Đe dọa tăng trưởng

Theo John Kilduff của Again Capital, các lệnh trừng phạt có thể khiến thị trường thiếu hụt khoảng 2-3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong khi Bank of America ước tính, cứ mỗi triệu thùng dầu bị mất khỏi thị trường, giá dầu Brent có thể tăng thêm 20 USD/thùng. Còn JPMorgan ước tính rằng 66% lượng dầu của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm người mua và giá dầu thô có thể đạt 185 USD vào cuối năm nay nếu dầu của Nga vẫn bị gián đoạn.

Trên thực tế giá dầu đã bật tăng mạnh ngay khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ vào thứ Năm tuần trước. Dầu Brent có thời điểm được giao dịch trên 116 USD/thùng trước giảm trở lại trước thông tin Iran có thể tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân, từ đó mở đường cho 1 triệu thùng dầu của nước này trở lại thị trường.

Nỗi đau càng nhân lên đối với các khách hàng của Nga là giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng vọt. Hiện châu Âu đang là khách hàng lớn nhất của Nga về cả dầu và khí đốt.

Điều mà giới chuyên gia lo ngại là giá năng lượng tăng cao có thể phá hủy nhu cầu và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. “Tôi lo ngại rằng chúng ta không có đủ dầu ở đây và chúng ta cần phải đi đến 120 đến 150 USD (mỗi thùng) và sau đó chúng ta sẽ bị phá hủy kinh tế”, Paul Sankey của Sankey Research cho biết.

Công ty dự kiến giá dầu thô sẽ được giao dịch từ 100 đến 150 USD/thùng cho đến khi tình hình ở Ukraine được giải quyết. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng 3,24% lên 116,59 USD/thùng; giá dầu WTI kỳ hạn cũng tăng 3,26% lên 114,21 USD/thùng.

Hiện nhiều quốc gia phương Tây như Mỹ đang giải phóng các kho dự trữ dầu. Tuy nhiên điều này là không lâu dài và khi các kho dự trữ cạn kiệt tình hình sẽ càng tồi tệ hơn. Cũng có ý kiến kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng, nhưng công suất khai thác cũng chỉ có hạn và khó có thể bù đắp lượng dầu mất đi. “Quy mô của tình trạng khẩn cấp ở đây nghiêm trọng đến mức bạn có thể không muốn làm những gì chính phủ phương Tây đang làm, đó là… giải phóng hàng dự trữ khẩn cấp, để lại cho mình những kho dự trữ thậm chí còn thấp hơn. Tương tự, nếu Saudi và UAE cạn kiệt công suất dự phòng của họ, thì bạn không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông nói.

“Mọi người đều lo lắng rằng giá cả tăng cao sẽ gây suy thoái mạnh, phá hủy nhu cầu dầu mỏ và làm chậm lại nhiều nền kinh tế”, Paul Sankey nói.

Link gốc tại đây.

Theo Thời báo Ngân hàng

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ