Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu tung đòn tài khóa để đối phó suy thoái: Bộ trưởng tài chính Đức tuyên bố xem xét giãn trần nợ công.

Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu tung đòn tài khóa để đối phó suy thoái: Bộ trưởng tài chính Đức tuyên bố xem xét giãn trần nợ công.

15:30 22/03/2020

Ông Olaf Scholz, Bộ trưởng tài chính Đức, đang cân nhắc đến việc tạm đình chỉ các quy định giới hạn những món nợ mới, và đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong hệ thống chính sách tài khóa truyền thống của nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Âu.

Chính phủ Đức đang muốn giúp 2,500 thị trấn và thành phố thiếu tiền mặt đang vật lộn để chi trả các khoản nợ công. Ông Scholz sẽ tìm cách thực hiện mong muốn trên bằng việc tạm thời dỡ bỏ trần nợ công của Đức – điều luật vốn được quy định trong hiến pháp nhằm giới hạn khả năng thâm hụt ngân sách của Berlin.

Quy tắc tài khóa nghiêm ngặt của Đức đã đem đến kết quả là một loạt các khoản thặng dư ngân sách, và “điệp khúc” được các nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia sử dụng đó là kêu gọi chính phủ của bà Angela Merkel nên tận dụng mức lãi suất thấp kỷ lục trong lịch sử để nới lỏng ngân sách và tăng cường đầu tư.

Những lời kêu gọi nhắm vào việc tăng đầu tư công hơn đang ngày càng mạnh mẽ khi triển vọng khu vực Châu Âu trở nên mờ mịt. Dữ liệu được công bố trong tháng này cho thấy nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ công toàn khối xảy ra 7 năm trước. Ngoài ra, đang có những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ tiềm ẩn khi hoạt động sản xuất gián đoạn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vốn đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu và du lịch nước này.

Việc kéo giãn trần nợ công theo hiến pháp sẽ cho phép Chính phủ tiếp quản các khoản nợ công của các địa phương và hỗ trợ để họ dễ dàng đầu tư hơn nữa vào trường học, đường xá và bệnh viện.

Bà Christine Lagarde, người đứng đầu ECB, đã ca ngợi sáng kiến ​​của ông Scholz vào hôm thứ Tư, nói với Bloomberg rằng “bất kỳ biện pháp tài chính nào nhằm hỗ trợ nền kinh tế chắc chắn rất đáng hoan nghênh, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại”.

“Nếu chính sách này mang đặc tính hỗ trợ tài khóa và thúc đẩy nền kinh tế thì điều đó cần được chào đón”, bà Lagarde cho hay.

Tuy nhiên, thay đổi hoặc tạm hoãn trần nợ công có thể đối mặt với khó khăn. Việc sửa đổi hiến pháp đòi hỏi phải nhận được sự đồng thuận của 2/3 đa số phiếu bầu bởi lưỡng viện của quốc hội Đức.

Ông Scholz, người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội, cũng khó có thể vượt qua làn sóng phản đối đối với đề xuất của mình đến từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel, một đối tác cao cấp trong Liên minh cầm quyền của Đức.

Ông Eckhardt Rehberg, phát ngôn viên cấp cao của CDU, về các vấn đề ngân sách, đã buộc tội ông Scholz vì chà đạp lên hiến pháp. “Bạn không thể tạm hoãn các trần nợ bất cứ khi nào bạn cảm thấy thích, giống như bạn không thể tạm hoãn các quyền cơ bản của công dân”, ông nói.

Nhưng kế hoạch của ông Scholz nhận được sự ủng hộ của một số nhà kinh tế. Marcel Fratzscher, người đứng đầu nhóm chiến lược của Viện Nghiên cứu kinh tế của Đức cho biết họ sẽ tạo ra không gian tài khóa cho các địa phương để xây dựng năng lực và tăng cường đầu tư dài hạn. Bộ tài chính Đức từ chối bình luận, chỉ phát biểu rằng ông Scholz sẽ trình bày các đề xuất của mình nhằm điều chỉnh các khoản nợ của địa phương.

Trần nợ công chỉ cho phép chính phủ Đức phát hành các khoản vay mới với giá trị tối đa đến 0.35% tổng sản phẩm quốc nội, được điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế. Điều khoản này được đưa ra vào năm 2009 nhằm kiềm chế nợ công sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và vào thời điểm những lo ngại về tình trạng dân số già hóa tạo áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội của Đức.

Trong bản đánh giá hàng năm về nền kinh tế Đức được công bố hôm thứ Tư vừa qua, Ủy ban châu Âu cho biết Berlin đạt được tiến độ khá hạn chế trong việc cải thiện đầu tư vào giáo dục, số hóa, giao thông bền vững và nhà ở giá rẻ, và cho biết mở rộng đầu tư công sẽ thúc đẩy sản lượng và việc làm cả trong nội bộ nước Đức và cả phần còn lại của khu vực đồng tiền chung EUR.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ