Hành động của Fitch phản ánh rủi ro nợ công của Mỹ

Hành động của Fitch phản ánh rủi ro nợ công của Mỹ

08:53 03/08/2023

Việc Fitch hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ Mỹ đã thay đổi trọng tâm vấn đề nợ của quốc gia, đúng lúc nhiều bên hạ dự báo suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell cho biết nhóm phân tích của Fed không còn kỳ vọng vào suy thoái tại Mỹ, ngay cả sau chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua, và các nhà kinh tế tại BofA cũng đã bỏ dự báo về suy thoái.

Có nhiều bằng chứng về sức mạnh trong tiêu dùng và kinh doanh của người tiêu dùng và doanh nghiệp: Dữ liệu được công bố vào thứ Tư cho thấy các công ty Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm vào tháng 7 hơn so với dự kiến.

Tất cả đều tạo ra sự tương phản rõ rệt so với năm 2011, khi S&P Global Ratings loại bỏ xếp hạng AAA của Mỹ. Lúc đó, nền kinh tế đang cố gắng hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 9%. Hiện nay tỷ lệ này chỉ ở mức 3.6%, gần mức thấp nhất trong thập kỷ qua.

Quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ của Fitch từ AAA xuống AA+ nhấn mạnh vấn đề gia tăng nợ công những năm gần đây, chủ yếu do các chương trình kích thích kinh tế do đại dịch và giảm thuế.

Gần đây hơn, chính phủ cũng đã triển khai các chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lượng sạch. Trong khi đó, chi phí vốn vay đã tăng vọt khi Fed đẩy lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm.


Fitch dự báo nợ công của Mỹ sẽ đạt 118% GDP năm 2025, cao gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình 39% của các quốc gia được trao xếp hạng AAA hàng đầu. Họ dự báo tỷ lệ này sẽ tăng thêm trong dài hạn. Việc này sẽ gây nhiều vấn đề trong việc đưa ra quyết định điều hành tại Nhà Trắng.

"Cuối cùng, nếu không thể kiểm soát được tình trạng thâm hụt, thuế sẽ phải tăng đến mức người tiêu dùng, động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ, sẽ có ít thu nhập khả dụng hơn rất nhiều," theo Quincy Krosby, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại LPL Financial.

Giảm xếp hạng tùy tiện

Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng mạnh lên mức kỷ lục khi chính phủ chi tiêu mạnh tay để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp khi đại dịch Covid làm đóng cửa nền kinh tế. Thâm hụt đã giảm đi trong năm ngoái, nhưng hiện nay đang mở rộng lại.

Thâm hụt liên bang đạt mức 1.4 nghìn tỷ USD trong 9 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại, gần gấp ba lần con số năm trước. Bộ tài chính trong tuần này đã tăng dự báo vay nợ cho quý hiện tại lên mức 1 nghìn tỷ USD, vượt xa con số 733 tỷ USD mà họ dự báo vào tháng 5.

Theo Michael Englund, kinh tế trưởng Action Economics, "số liệu trái phiếu hàng ngày trong tháng 7 cho thấy một mô hình tương đối yếu."

Quyết định hạ xếp hạng của Fitch là một tín hiệu cho thấy Mỹ cần phải sắp xếp quy trình ngân sách của mình trước những gì dường như là một cuộc chiến chính trị vào mùa thu này, và có thể làm đóng cửa chính phủ một lần nữa, Mike Skordeles, kinh tế trưởng thị trường Mỹ của Truist Financial Corp, nói.

Thâm hụt của Mỹ đã tăng trong nhiều năm qua, với ít tiến triển qua nhiều chính quyền tổng thống, và Fitch đang nói với các chính trị gia của cả hai đảng rằng "không ai trong các ông có đủ năng lực khắc phục điều đó," Skordeles nói.

Cơ quan đánh giá tín dụng vẫn dự báo Mỹ sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ vào quý IV năm nay và quý I năm 2024, theo Richard Francis, đồng tổng giám đốc thị trường châu Mỹ của Fitch.

Quyết định hạ xếp hạng đã đánh giá các dự báo về cuộc suy thoái. James McCormack, giám đốc toàn cầu chịu trách nhiệm về xếp hạng nợ của Fitch Ratings, cho biết quyết định hạ xếp hạng dựa trên triển vọng tài chính trung hạn, "rõ nét nhất thâm hụt và nợ công ngày càng tăng," chứ không phải dự đoán về cuộc suy thoái tiềm năng.

Ông nói thêm rằng Fitch “không tin tưởng vào khả năng các biện pháp chính sách được thống nhất và thực hiện để giải quyết tình trạng xuống cấp tài chính.”

Nhiều người tham gia thị trường có cùng quan điểm đó. Các chiến lược gia của UBS nói rằng điều kiện cơ bản dẫn đến quyết định của Fitch còn tồi tệ hơn những yếu tố dẫn đến việc hạ xếp hạng của S&P hơn một thập kỷ trước.

"Việc hạ xếp hạng năm 2011 chủ yếu được gây ra bởi vấn đề tăng trần nợ," các chiến lược gia đứng đầu bởi Michael Cloherty viết trong một ghi chú vào thứ Ba. "Việc giảm xếp hạng lần này được gây ra cả bởi rủi ro về vấn đề tăng trần nợ và rủi ro về các thâm hụt ngân sách rất lớn."

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ