Giá vàng hôm nay ngày 22/1: Chưa thể bứt phá, vàng mắc kẹt trong biên độ hẹp

Giá vàng hôm nay ngày 22/1: Chưa thể bứt phá, vàng mắc kẹt trong biên độ hẹp

Ngô Văn Thịnh

Ngô Văn Thịnh

Economic Analyst

09:34 22/01/2021

Vàng vẫn chưa có xu hướng rõ ràng trong ngày hôm qua khi đảo chiều xuống mức hỗ trợ $1,860/oz ngay sau khi tiến lên vùng $1,875/oz

Giá vàng trong nước:

Theo Eximbank, tính đến 08:30 sáng ngày 22/1:

Giá vàng miếng SJC 99.99 (loại 10 chỉ series 2 ký tự chữ và 1-2-5 chỉ):

  • Mua vào: 5,600,000 VND/chỉ.
  • Bán ra: 5,635,000 VND/chỉ.

Giá vàng miếng SJC 99.99 (loại 10 chỉ series 1 ký tự chữ):

  • Mua vào: 5,586,000 VND/chỉ.
  • Bán ra: 5,635,000 VND/chỉ.

Giá vàng thế giới:

Giá vàng vẫn chưa thể bứt phá trong ngày hôm qua và chỉ dao dộng trong biên độ hẹp $1,858/oz - $1,875/oz khi chỉ số DXY bật lên mỗi khi chạm hỗ trợ tại mức 90. Sự lạc quan từ kỳ vọng về gói kích thích tài khóa trị giá 1.9 nghìn tỷ USD của chính quyền Joe Biden đã mờ dần trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục leo thang. Ông Biden cảnh báo rằng nước Mỹ có thể sẽ ghi nhận thêm hơn 100,000 ca tử vong do Covid-19 trong những tháng tới và nước Anh cũng vừa trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ đại dịch. Lợi suất thực TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng trong ngày hôm qua, gây khó khăn cho đà tăng của vàng. Quan điểm phổ biến rằng USD sẽ giảm khi gói kích thích tài khóa được thông qua, do đó hỗ trợ vàng đang bị thử thách khá nhiều giai đoạn gần đây. Hãy nhìn vào luận điểm trái ngược rằng gói kích thích sẽ giúp nền kinh tế hồi phục và thu hút dòng tiền chảy vào để mua các tài sản được định giá bằng USD, hỗ trợ sức mạnh cho đồng Bạc xanh. Kim loại quý sẽ cần phải có những bước tiến dứt khoát hơn nữa nếu muốn xu hướng tăng quay trở lại.

Tính đến 08:30 sáng ngày 22/1, giá vàng thế giới giao ngay đang được giao dịch quanh mốc $1,863/oz.

Giá xăng dầu trong nước:

Petrolimex điều chỉnh giá xăng dầu từ 15:00 ngày 11/1

Ngày 11/1, giá xăng trong nước được Petrolimex niêm yết dao động ở mức từ 12,270 - 17,870 VND/lít tại vùng 1, từ 12,510 - 18,220 VND/lít tại vùng 2. Bên cạnh giá xăng, giá dầu hỏa vùng 1 là 11,550 VND/lít và vùng 2 là 11,780 VND/lít.

Giá dầu thế giới:

Dầu kết thúc một phiên giao dịch giật 2 chiều khi mức độ bùng phát ngày càng nghiêm trọng của virus Covid-19 trên toàn cầu làm dấy lên lo ngại về nhu cầu phục hồi. Hợp đồng tương lai WTI đóng cửa giảm 0.3% trong ngày hôm qua bất chấp việc đồng USD đã có phiên giảm thứ tư liên tiếp, thúc đẩy sự hấp dẫn của hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này. Trong khi đó, JPMorgan Chase & Co. cắt giảm dự báo nhu cầu đối với Trung Quốc khi các biện pháp phong tỏa lan rộng và tại Mỹ, nguồn cung vắc-xin thiếu hụt đã khiến Thành phố New York phải dời lại tới hơn 20.000 cuộc hẹn tiêm chủng.

  • Tính đến 08:30 sáng ngày 22/1, giá dầu thô WTI Futures giao tháng gần nhất giao dịch tại $52.67/thùng, giảm 0.87%.
  • Trong khi đó, giá dầu Brent Futures giao tháng gần nhất tăng 0.66% xuống mức $55.66/thùng.

Chứng khoán trong nước và quốc tế:

Thị trường chứng khoán trong nước nới rộng đà phục hồi khi VN-Index tăng 2.6%, đạt 1,164.21 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch đã giảm với giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 14,040 tỷ đồng, giảm 14.79%. Giá trị khớp lệnh trên HNX đạt hơn 1,967 tỷ đồng, giảm 11.07%. Khối ngoại đã chuyển sang bán ròng trên HOSE với giá trị hơn 236 tỷ đồng, bán ròng trên HNX hơn 6 tỷ đồng. Theo công ty chứng khoán MB, thị trường đang thể hiện tâm lý rất mạnh dù lượng hàng bắt đáy sẽ về tài khoản trong phiên 22/01 tới. Tâm lý tích cực này có thể tiếp tục lan tỏa trong phiên 22/01 tới giúp thị trường trở lại đường đua chinh phục đỉnh lịch sử 1,200 điểm.

VN Index: 1,164.21 (tăng 2.6%)

Thị trường cổ phiếu thế giới giảm điểm hôm thứ Sáu từ mức cao nhất mọi thời đại do các biện pháp hạn chế nhằm kìm hãm sự lây lan của Covid-19 đã làm giảm đi sự lạc quan về thu nhập doanh nghiệp và triển vọng có thêm kích thích tài khóa. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo virus này tiếp tục gây ra rủi ro nghiêm trọng sau khi các nhà hoạch định chính sách bỏ phiếu để tiếp tục bơm lượng kích thích chưa từng có vào nền kinh tế. Paul O'Connor, người đứng đầu bộ phận đầu tư đa tài sản tại Janus Henderson Investors cho biết: “Mặc dù đà tăng gần đây rõ ràng cho thấy một phần sự phục hồi này đã được định giá, nhưng chúng tôi nhận thấy có nhiều khả năng dòng tiền đầu tư sẽ chuyển dịch từ kênh tiền mặt và các tài sản khác sang cổ phiếu, một khi sự phục hồi trở nên rõ ràng hơn".

Dow Jones: 31,176.02 (giảm 0.04%)

S&P 500: 3,853.08 (tăng 0.03%)

Nasdaq: 13,530.9 (tăng 0.55%)

DAX: 13,906.670 (giảm 0.11%)

Stoxx 50: 3,618.4 (giảm 0.16%)

NIKKEI 225: 28,673.25 (giảm 0.29%)

Ngoại tệ (tham khảo tỷ giá VCB cập nhật lúc 08:30 sáng ngày 22/1):

Đồng USD đang hướng tới phiên giảm thứ tư liên tiếp mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh từ mức đỉnh mọi thời đại và số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng cao. Đồng EUR tăng ổn định sau khi bà Lagarde trả lời báo chí rằng sức mạnh của đồng Euro là rào cản đối với lạm phát trong cuộc họp ngày hôm qua của ECB. Trong bối cảnh ECB mới gia tăng chương trình PEPP thêm 500 tỷ EUR vào tháng trước, rõ ràng ngân hàng trung ương này sẽ không tiếp tục có hành động nào quá dovish với đồng EUR, do đó thị trường đã xem đây như một cơ hộ buy the dips EUR/USD. Các đồng tiền beta cao đều suy yếu trong sáng nay khi sự lạc quan trên thị trường chứng khoán mờ dần, đồng GBP cũng chịu cảnh tương tự do nước Anh vừa trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ đại dịch. JPY và CHF ít biến động trong ngày hôm qua khi BOJ giữ nguyên các chính sách và hạ triển vọng nền kinh tế trong quý 1.

USD/VND: 22,985.00 - 23,165.00 (không đổi)

EUR/VND: 27,513.22 - 28,661.04 (tăng 155 đồng)

GBP/VND: 31,193.22 - 32,174.14 (tăng 174 đồng)

JPY/VND:  218.42 - 227.53 (tăng 0.29 đồng)

CHF/VND: 25,682.80 - 26,633.41 (giảm 146 đồng)

AUD/VND: 17,641.32 - 18,194.39 (tăng 42 đồng)

CAD/VND: 17,973.69 - 18,537.17 (giảm 21 đồng)

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ