Đồng bạc xanh sẽ vẫn vững mạnh chừng nào Mỹ còn là bá chủ toàn cầu

Đồng bạc xanh sẽ vẫn vững mạnh chừng nào Mỹ còn là bá chủ toàn cầu

Nam Anh

Nam Anh

Senior Economic Analyst

10:31 15/08/2020

Đó quả là một mùa hè tồi tệ đối với nước Mỹ và đồng đô la. Đồng bạc xanh đã sụt giảm hơn 4% so với các loại tiền tệ chính khác trong tháng 7, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong một thập kỷ qua, trong bối cảnh giá trị của euro, vàng và thậm chí bitcoin tăng vọt

Quả là một mùa hè tồi tệ đối với nước Mỹ và đồng đô la. Đồng bạc xanh đã sụt giảm hơn 4% so với các loại tiền tệ chính khác trong tháng 7, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong một thập kỷ qua, trong bối cảnh giá trị của EUR, vàng và thậm chí bitcoin tăng vọt. Trong một năm với đầy rẫy những biến động thị trường khắc nghiệt, sự chao đảo của đồng đô la có vẻ cũng không phải điều gì quá đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh rối loạn của Mỹ, đang dấy lên những lo ngại về sự lung lay của vị thế bá chủ kinh tế thế giới của Hoa Kỳ. Cũng dễ hiểu cho những quan ngại của thị trường sau khi chứng kiến những sự phản ứng chậm chạp và kém cỏi của chính phủ Mỹ trước đại dịch, sự trì trệ trong phục hồi kinh tế cũng như mức nợ quốc gia tăng vọt, Tuy nhiên nếu có lý do nào để đặt dấu hỏi về sự thống trị của đồng đô la, thì đó không phải là do vấn đề nước Mỹ đang trở nên kém hùng mạnh hơn về kinh tế, mà là trật tự thế giới Hoa Kỳ đã xây dựng đang đối mặt với những xáo trộn nghiêm trọng.

Vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu thường được coi là một vấn đề về nền tảng cơ bản của nền kinh tế. Một quốc gia phát hành đồng tiền tệ dự trữ nên đóng một vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, điều này khuyến khích các đối tác ký kết hợp đồng bằng đồng tiền của mình. Vai trò lịch sử là chủ nợ toàn cầu cũng giúp tăng cường việc sử dụng tiền tệ và khuyến khích các quốc gia khác tích lũy dự trữ. Lịch sử tiền tệ ổn định cũng hết sức cần thiết, cũng như sự phát triển của các thị trường tài chính sâu và rộng mở. Nước Mỹ đang thể hiện những đặc tính này ít hơn so với trước đây. Thị phần của Mỹ trong sản lượng toàn cầu và thương mại đã giảm, trong bối cảnh ngày nay Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Mỹ từ lâu đã không còn là chủ nợ ròng đối với phần còn lại của thế giới – giá trị đầu tư quốc tế của nước này cũng đang liên tục âm ròng. Không những vậy, mức nợ công ngày một chồng chất cùng với sự hỗn loạn của chính phủ đã gieo rắc những nghi ngờ trong giới tài chính rằng liệu việc đặt niềm tin vào đồng đô la có còn là một sự đánh cược thông minh trong dài hạn. Và những lời thì thầm rằng ngày đồng đô la bị lu mờ bởi đồng euro hoặc đồng nhân dân tệ (CNY) đang đến gần, cứ thế lớn dần lên theo thời gian.

Các cuộc tranh luận về những cuộc soán ngôi đồng tiền dự trữ là khá hạn chế bởi sự thiếu hụt những sự so sánh lịch sử. Việc thay thế một loại tiền tệ này bằng một loại tiền tệ khác trong vai trò trụ đỡ của hệ thống tiền tệ của thế giới hiện đại chỉ xảy ra đúng một lần — khi đồng đô la Mỹ soán ngôi bảng Anh. Điều đó làm cho việc xác định các yếu tố nhân quả quan trọng của nó gần như là không thể. Các nhà kinh tế đã từng nghĩ rằng các hiệu ứng mạng (network effect) làm cho việc đạt được vị thế đồng tiền tệ dự trữ trở thành 1 cuộc chiến được ăn cả ngã về không. Rõ ràng là sẽ hấp dẫn hơn khi tiến hành giao dịch hoặc giữ tiền tiết kiệm bằng một loại tiền tệ được người khác sử dụng rộng rãi, điều dĩ nhiên mang lại lợi thế cho các loại tiền tệ dự trữ so với các đối thủ. Việc sản lượng của Mỹ đã vượt qua Anh ngay từ năm 1880, trong khi đồng đô la không chiếm ưu thế rõ ràng cho đến khi được sử dụng như trụ đỡ trong hệ thống Bretton Woods hơn 60 năm sau, dường như chứng minh rằng các đồng tiền thống trị không dễ gì bị đánh bật. Tuy nhiên, sau khi lật lại dữ liệu quá khứ, các quan điểm trên dường như không chính xác.  Trên thực tế, các đồng tiền hàng đầu thường chia sẻ vai trò dự trữ với những đồng tiền khác. Đồng bảng Anh đã thống trị toàn cầu trước chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng vẫn chỉ chiếm không quá 2/3 dự trữ tiền tệ toàn cầu vào cuối thế kỷ 19 (đồng mark Đức và franc Pháp chiếm phần lớn phần còn lại). Hơn nữa, đồng đô la đã vượt qua bảng Anh sớm hơn nhiều so với người ta từng nghĩ. Vào đầu những năm 1920, nó đã chiếm ít nhất 50% dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế lớn. Có thể thấy, vị thế đồng tiền dự trữ không phải là thứ bất khả xâm phạm.

Mặc dù vậy, những kẻ thách thức trong nhiều thập kỷ qua vẫn không tài nào đánh bật nổi đồng bạc xanh khỏi chiếc ngai vàng. Một trong những lời giải thích chắc chắn là việc Mỹ không hề yếu so với các đối thủ của họ như mọi người vẫn nghĩ. Không phủ nhận nền chính trị của Mỹ đang hết sức hỗn loạn, nhưng hình ảnh của một khu vực đồng tiền chung châu Âu đầy rẫy mẫu thuẫn cũng như nền kinh tế tập trung của Trung Quốc vẫn khiến mọi người trở nên e dè hơn. Các thành viên của liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nợ của riêng họ và các điểm khủng hoảng tiềm ẩn. Đồng euro thậm chí đã phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng trong lịch sử hình thành ngắn ngủi của nó, trong khi hệ thống tài chính của Trung Quốc khép kín và lu mờ hơn nhiều so với tiêu chuẩn của thế giới giàu có.

Sự thống trị của đồng đô la cũng phản ánh các yếu tố mà các phân tích kinh tế thông thường đôi khi bỏ qua: địa chính trị. Sterling đã thống trị trong một thời gian dài gia tăng hội nhập toàn cầu mà Anh - với tư cách là một cường quốc tài chính, công nghiệp và quân sự - là trung tâm. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra đã kết thúc thời đại đó, và đồng bảng Anh sớm mất vị thế độc tôn. Nó đã buộc phải chia sẻ trạng thái đồng tiền dự trữ với đồng đô la vào những năm 1940, nhưng trong những hoàn cảnh rất khác so với thời kỳ trước chiến tranh, với việc thương mại toàn cầu và đầu tư xuyên biên giới đã không trở lại mức của năm 1913 cho đến tận 1/3 cuối thế kỷ 20. Không chỉ ưu thế kinh tế của Mỹ đã đặt đồng đô la vào trung tâm của trật tự sau chiến tranh, mà còn là sức mạnh địa chính trị vô song của nó, điều Hoa Kỳ đã sử dụng để tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu. Công trình được xuất bản bởi Barry Eichengreen của Đại học California, Berkeley, và Arnaud Mehl và Livia Chitu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu nêu bật vai trò của quyền lực chính trị trong việc lựa chọn tiền tệ. Phân tích lượng dự trữ ngoại hối trước chiến tranh thế giới thứ nhất, các tác giả nhận thấy rằng các liên minh quân sự có ảnh hưởng đến cơ cấu dự trữ. Theo họ, một hiệp ước trong thời kỳ đó đã giúp gia tăng tỷ trọng của một loại tiền tệ trong khoản dự trữ của đồng minh lên thêm 30 điểm phần trăm.

Có thể thấy, vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD không chỉ phụ thuộc vào năng lực xuất khẩu và xếp hạng tín dụng của Mỹ, mà được xây đắp vững chắc bởi trật tự địa chính trị mà họ đã xây dựng. Mối đe dọa lớn nhất dối với thế độc tôn của đồng bạc xanh không phải là sự hấp dẫn của đồng euro hay nhân dân tệ, mà là sự cam kết gắn bó của Mỹ đối với các liên minh và thể chế đã thúc đẩy hòa bình và toàn cầu hóa trong hơn 70 năm qua. Mặc dù vẫn chưa thể xảy ra, nhưng sự sụp đổ theo cách này đang có vẻ đang gần hơn bao giờ hết. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Tổng thống Donald Trump đã làm suy giảm mức độ mở cửa, đồng thời khiến các đồng minh ngày một xa lánh. Covid-19 xuất hiện càng gây nên những gánh nặng đối với hợp tác toàn cầu. IMF cho rằng tổng sản lượng thương mại toàn cầu có thể giảm tới 12% trong năm nay. Các chuỗi cung ứng trải dài khắp biên giới các quốc gia có thể bị thu hẹp trong bối cảnh lo ngại về xung đột kinh tế và an ninh quốc gia. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc dường như đang rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Vai trò kinh tế của Mỹ trên thế giới vẫn vô cùng quan trọng, dẫu cho tầm ảnh hưởng của nó đã giảm đi đôi chút trong thời gian qua. Cuộc tái thiết thương mại toàn cầu do Mỹ dẫn đầu có thể đảm bảo sự thống trị của đồng bạc xanh trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, một thế giới tồi tệ và thù địch hơn cũng có thể đánh dấu sự kết thúc của vị thế bá chủ của đồng đô la — và kéo theo nhiều thứ khác bên cạnh nó.

Broker listing

Cùng chuyên mục

USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi

Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến gần đây đã đẩy lùi những kỳ vọng hạ lãi suất của Fed và đẩy khiến giá trị đồng USD gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD có thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và đặc biệt là tại thị trường Châu Á. Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ phân tích những ảnh hưởng của một đồng USD mạnh mẽ.
Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ