Điều gì có thể khiến Apple sụp đổ?

Điều gì có thể khiến Apple sụp đổ?

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Junior Analyst

23:05 30/01/2024

Chống độc quyền, thế giới công nghệ thay đổi và các vấn đề địa chính đều có thể gây tổn hại cho thương hiệu iPhone.

Tim Cook, CEO của Apple, đã có một khởi đầu năm 2024 với đầy khó khăn. Chỉ trong tháng qua, công ty của ông đã phải đối mặt với hàng loạt sự kiện phức tạp. Tranh chấp bằng sáng chế buộc Apple phải loại bỏ tính năng khỏi hai chiếc đồng hồ thông minh của hãng. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DoJ) tuyên bố sẽ kiện Apple vì vi phạm luật chống độc quyền. Bên cạnh đó, Apple còn đang mất dần thị phần tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn thứ hai của mình. Hơn thế, một số nhà phân tích Phố Wall bày tỏ quan điểm gây chấn động rằng cổ phiếu của Apple đang bị định giá quá cao. Vào ngày 11 tháng 1, Microsoft, đối thủ của Apple, gã khổng lồ công nghệ này đã chính thức soán ngôi nhà sản xuất iPhone, tạm thời trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Tin xấu dường như vẫn chưa buông tha cho Apple khi hãng chuẩn bị công bố báo cáo thu nhập quý gần nhất vào ngày 1 tháng 2. Thị trường dự đoán doanh thu của hãng trong quý cuối cùng của năm 2023 hầu như không tăng, thậm chí có thể sụt giảm. Tiếp theo, Apple sẽ lại tiếp tục đối mặt với thử thách vào ngày 2 tháng 2, khi bắt đầu mở bán Vision Pro, tai nghe thực tế tăng cường (AR) mà hãng đã nghiên cứu và phát triển trong vài năm qua. Chiếc tai nghe cao cấp này được giá với bán 3.499 đô la Mỹ, đánh dấu một khoản đầu tư lớn vào một "nền tảng" công nghệ mới. Apple hy vọng rằng nền tảng này có thể thay thế điện thoại thông minh trở thành trung tâm trải nghiệm kỹ thuật số của người dùng và biến iPhone thành nguồn thu chính của hãng. Tuy nhiên, những tín hiệu ban đầu cho thấy Apple cần lo lắng về triển vọng của sản phẩm này. Netflix, Spotify và YouTube đã tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép các ứng dụng phát trực tuyến phổ biến của họ hoạt động trên tai nghe. Mặc dù không giải thích lý do, nhưng có thể là do tất cả những dịch vụ này đều cạnh tranh với các dịch vụ phát trực tuyến của Apple và việc phát triển một ứng dụng AR có thể rất tốn kém.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, ông Cook đã có thể gạt bỏ một số lo lắng. Bất chấp mọi chuyện, giá cổ phiếu của Apple vẫn không thay đổi đáng kể trong tháng 1. Chỉ vài ngày sau khi bị Microsoft vượt mặt, Apple đã giành lại ngôi vương trên thị trường chứng khoán với vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ đô la. Và ngay cả khi việc ra mắt Vision Pro là một thất bại, tác động ngắn hạn lên doanh thu của Apple sẽ không đáng kể, vì sản lượng ban đầu của tai nghe này rất hạn chế.

Tuy nhiên, ông chủ của Apple sẽ không khôn ngoan nếu bỏ qua những rắc rối đầu năm mới. Bởi chúng đang báo hiệu những thách thức lớn hơn đối với công ty. Những thách thức này có thể được chia thành ba nhóm chính: vấn đề chống độc quyền và pháp lý; doanh số bán iPhone chậm lại; và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, không vấn đề nào trong số này đe dọa đến sự tồn vong của công ty, nhưng mỗi vấn đề đều tiềm ẩn rủi ro gây ra những rắc rối lớn. Liệu chúng có thể khiến Apple mất đi vị trí công ty có giá trị nhất thế giới trong khoảng thời gian dài hơn một tuần hay không?

Mặc dù giá trị thị trường của Apple đã nằm trong top 10 thế giới kể từ năm 2010, nhưng cho đến vài năm trước, định giá của nó vẫn ở mức thấp so với lợi nhuận. Apple được coi là một nhà sản xuất phần cứng, một lĩnh vực kinh doanh khó mở rộng quy mô hơn phần mềm. Trong phần lớn thời gian của những năm 2010, tỷ lệ P/E của Apple ở dưới mức 20, chỉ tương đương với các nhà sản xuất máy tính như HPE hoặc Lenovo với mức tăng trưởng thấp và lợi nhuận eo hẹp. Nó cũng thấp hơn mức trung bình của các công ty lớn của Mỹ trong chỉ số S&P 500 (xem biểu đồ 1).

Điều này bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2019. Doanh thu từ mảng "dịch vụ" của Apple, cung cấp phần mềm cho khoảng 1 tỷ người dùng thiết bị của họ đã bắt đầu tăng trưởng. Hai mảng lớn nhất trong danh mục này là quảng cáo, được ước tính mang lại doanh thu khoảng 24 tỷ USD/năm (bao gồm khoảng 20 tỷ USD/năm từ Google cho việc đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple) và App Store (cũng đạt 24 tỷ USD). Dịch vụ cũng bao gồm Apple Music và Apple TV, các dịch vụ phát trực tuyến của họ, cũng như mảng thanh toán đang phát triển nhanh chóng. Tổng cộng, doanh thu từ dịch vụ lên tới 85 tỷ USD/năm, tương đương 1/5 tổng doanh thu. Năm 2016, con số này chỉ là 24 tỷ USD, chiếm 1/10 tổng doanh thu (xem biểu đồ 2).

Điều này giúp thuyết phục các nhà đầu tư rằng Apple không còn là một nhà cung cấp phần cứng lỗi thời nữa mà là một nền tảng phần mềm, nơi người dùng trả phí mới có thể được thêm vào với một khoản phí phụ rất nhỏ. Điều đó có nghĩa là lợi nhuận cao hơn - tỷ suất lợi nhuận gộp cho mảng dịch vụ của Apple là 71%, so với 37% cho thiết bị - và doanh thu định kỳ nhiều hơn. Khi dịch vụ trở thành một phần quan trọng của hoạt động kinh doanh, lợi nhuận tổng thể của Apple cũng tăng lên, từ 38% năm 2018 lên 44% vào năm ngoái. Điều này cũng được hỗ trợ bởi thực tế là công ty đang bán nhiều mẫu iPhone cao cấp, có lợi nhuận cao hơn. Tất cả những điều này giúp nâng con số P/E của Apple lên khoảng 30, cao hơn mức trung bình của S&P 500 và cao hơn Alphabet (công ty mẹ của Google), mặc dù vẫn thấp hơn Microsoft (38) và Amazon (72).

Một trong những rủi ro có thể làm giảm tỷ lệ P/E của Apple liên quan đến những vấn đề pháp lý mà hãng đang gặp phải. Một số vấn đề, như vụ kiện vi phạm bằng sáng chế, có vẻ như chỉ là mối đe dọa nhỏ. Vào tháng 10, Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), một cơ quan liên bang, đã ra phán quyết rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế liên quan đến cảm biến đo oxy thuộc sở hữu của Masimo, một nhà sản xuất thiết bị y tế. Apple đã ngừng bán các mẫu có chứa công nghệ bị vi phạm. Nhưng vào ngày 18 tháng 1, họ đã bắt đầu bán lại chúng, sau khi vô hiệu hóa cảm biến gây tranh cãi.

Những vấn đề pháp lý lớn hơn của Apple liên quan đến mảng dịch vụ của họ. Vào tháng 3, các quy định mới ở EU sẽ có hiệu lực, đây là một thị trường khổng lồ của hãng, các quy định mới buộc Apple phải cho phép cài đặt ứng dụng trên thiết bị của mình mà không cần phải thông qua App Store. Điều này khiến việc tính phí 30% cho hầu hết các giao dịch mua trong ứng dụng trở nên khó khăn hơn (Apple đã đệ đơn kiện chống lại các quy định này). Ở Mỹ, Bộ Tư pháp (DOJ) được cho là đang điều tra xem liệu đồng hồ thông minh của Apple có hoạt động tốt hơn với iPhone so với các điện thoại thông minh khác hay không và tại sao dịch vụ nhắn tin của họ không khả dụng trên các thiết bị của đối thủ. Nếu như trong một vụ kiện riêng biệt chống lại Google, tòa án đồng ý với DOJ rằng các thỏa thuận tìm kiếm mặc định của Google với các nhà sản xuất thiết bị là phản cạnh tranh, Apple có thể bị tước mất khoảng 20 tỷ đô la một năm từ nguồn tiền gần như là miễn phí. Ngoài ra, do kết quả của một vụ kiện được đệ trình vào năm 2021 bởi Epic Games, một nhà phát triển trò chơi điện tử, Apple đã phải thay đổi cách App Store tính phí các nhà phát triển để bán ứng dụng ở đó.

Apple vẫn có quyền tự quyết

Mặc dù đang đối mặt với nhiều rắc rối pháp lý, Apple không hoàn toàn bất lực. Họ nhanh chóng tìm ra giải pháp giải quyết những thay đổi đối với chính sách App Store do vụ kiện của Epic Games gây ra, cho phép họ tiếp tục thu phí cao ngất ngưởng. Vụ kiện của DOJ chống lại Google có thể mất nhiều năm nữa mới có phán quyết cuối cùng. Điều tương tự cũng đúng với vụ kiện dự kiến của DOJ chống lại Apple. Giống như nhiều vụ kiện chống độc quyền khác nhắm vào các công ty công nghệ lớn, các nhà đầu tư dường như không mấy bối rối về những vấn đề này.

Công ty dễ bị tổn thương hơn ở vấn đề đáng lo ngại thứ hai - mảng kinh doanh cốt lõi đang chậm lại. Theo một cuộc thăm dò các nhà phân tích, Apple đã bán được khoảng 220 triệu chiếc iPhone vào năm ngoái, chỉ hơn một chút so với 217 triệu chiếc được bán vào năm 2017. Trong năm 2024, con số này có thể không cao hơn nhiều. Trong một thời gian, Apple có thể bù đắp doanh số chậm lại bằng giá cao hơn. Nhưng mức tăng doanh thu hàng năm đã giảm xuống 2% trong hai năm qua, giảm so với mức trung bình 10% từ năm 2012 đến năm 2021. Một số đối thủ đang cố gắng chiếm thị phần của Apple trong phân khúc thiết bị cao cấp bằng cách khai thác nhu cầu của người dùng đối với trí tuệ nhân tạo (AI) giống như ChatGPT. Samsung, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, cho biết sẽ ra mắt một loạt điện thoại tích hợp AI mới vào cuối tháng 1. Các tính năng nổi bật bao gồm dịch giọng nói theo thời gian thực và chỉnh sửa ảnh/video siêu tốc. Những thiết bị này có thể được bán ra sớm hơn 8 tháng trước khi iPhone tiếp theo của Apple ra mắt. Ngược lại, Apple gần như không tiết lộ gì về kế hoạch của mình đối với lĩnh vực công nghệ mới nhất hiện nay.

Giám đốc điều hành Tim Cook chỉ nói ẩn ý trong cuộc họp báo cáo lợi nhuận gần đây nhất của công ty rằng "Chúng tôiđang đầu tư khá nhiều." Cạnh tranh của Apple tại Trung Quốc - thị trường đóng góp tới 17% tổng doanh thu của hãng - cũng ngày càng gay gắt. Theo ngân hàng đầu tư Jefferies, thị phần điện thoại thông minh của Apple tại đất nước này đã giảm trong năm ngoái. Trong khi đó, Huawei, một công ty công nghệ hàng đầu nội địa, đã tăng khoảng 6% thị phần. Tháng 8 năm ngoái, Huawei đã gây chấn động giới quan sát ngành (cũng như chính phủ Mỹ, vốn đã cấm bán công nghệ Mỹ cho công ty này trong nhiều năm vì lý do an ninh quốc gia) bằng cách tung ra thiết bị 5G đầu tiên sử dụng chip tiên tiến do Trung Quốc sản xuất thay vì nhập khẩu. Người tiêu dùng yêu nước ở Trung Quốc đã nhanh chóng "tậu" chiếc điện thoại này, và đương nhiên cùng tất cả các thiết bị Huawei khác.

Khi nói đến AI, những lo lắng về tiến độ của Apple có thể đang bị phóng đại quá mức. Erik Woodring của Morgan Stanley cho rằng có những dấu hiệu cho thấy công ty đang đầu tư khá nhiều vào mảng này. Tháng 10, các nhà nghiên cứu của công ty cùng với các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã cùng nhau phát hành một mô hình AI mã nguồn mở có tên là Ferret. Hai tháng sau, Apple công bố một bài báo về cách các mô hình như vậy có thể chạy trên điện thoại thông minh, vốn ít mạnh mẽ hơn nhiều so với các trung tâm dữ liệu thường được sử dụng cho mục đích này. Vào tháng 1, một blogger công nghệ Hàn Quốc đưa tin rằng bản cập nhật cho hệ điều hành của Apple, có thể sớm nhất là vào tháng 6, nó sẽ bao gồm các cải tiến về AI cho Siri, trợ lý robot của hãng và những tin đồn xoay quanh việc Apple đang có kế hoạch sử dụng AI tổng hợp trong công cụ tìm kiếm riêng của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn hơn, không chỉ vì sự hồisinh của Huawei. Kế hoạch tăng trưởng trong tương lai của Apple phần lớn phụ thuộc vào thành công tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả thị trường lớn nhất thế giới. Trong ba cuộc họp báo cáo thu nhập gần nhất của Apple, ông Cook đều mở đầu bằng việc nói về doanh số của công ty trên toàn cầu. Chắc chắn Trung Quốc đã nằm trong suy nghĩ của ông. Apple cũng đang phải đối mặt với rủi ro Trung Quốc thông qua chuỗi cung ứng của mình.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được công bố rộng rãi nhằm chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ, nhưng khoảng 90% iPhone vẫn được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. Tương tự, hầu hết máy tính Mac và iPad cũng vậy. Ông Sacconaghi của Bernstein cho biết Apple sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn trong trường hợp xảy ra leo thang căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng, chẳng hạn như xung đột liên quan đến Đài Loan, trong ít nhất năm năm tới. Ngay cả những sự kiện không nghiêm trọng ngoài việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan cũng có thể ảnh hưởng đến Apple.

Sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump - gần như chắc chắn giành được đề cử của Đảng Cộng hòa – rất có thể sẽ làm tăng các rào cản thương mại và leo thang căng thẳng Mỹ-Trung. Ngay cả khi Joe Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, Biden cũng không phải là người mềm mỏng với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ. Họ đã cấm các sản phẩm của Micron, một nhà sản xuất chip từ Idaho, khỏi một số dự án cơ sở hạ tầng. Vào tháng 9, đã xuất hiện các báo cáo về việc cấm các sản phẩm Apple từ các quan chức chính phủ. Mặc dù sau đó chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận, nhưng sự kiện này đã khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc gây tổn hại cho Apple tại thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng đến chính Trung Quốc. Apple cho biết có 3 triệu người đang làm việc trong chuỗi cung ứng của họ và nhiều người trong số đó là người Trung Quốc. Một nhà phân tích ví sự hợp tác giữa Apple và chính phủ Trung Quốc giống như "hủy diệt lẫn nhau có đảm bảo", thương mại Mỹ - Trung cũng vậy. Tuy nhiên, giải thích điều này cho ông Trump hiểu có thể sẽ là một thách thức lớn.

The Economist

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Báo cáo của Kaiko Research về thị trường tiền điện tử
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Báo cáo của Kaiko Research về thị trường tiền điện tử

Tuần trước, Bitcoin đóng cửa tuần trong sắc đỏ khi những lo ngại về lạm phát đình trệ gia tăng ở Mỹ. Trong một diễn biến khác, Consensys đã kiện SEC, Venezuela đã chọn USDT để thanh toán dầu nhằm tránh các biện pháp trừng phạt và chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ những người đồng sáng lập một dịch vụ trộn tiền điện tử. Tuần này chúng ta tìm hiểu xung quanh việc thị phần đang giảm của Tether, dòng tiền chảy ra khỏi ETH gia tăng, mô hình giao dịch phái sinh tại APAC và các stablecoin đang được thế chấp với EUR.
Chương trình Chip Act đang thành công hơn dự kiến. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Chương trình Chip Act đang thành công hơn dự kiến. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".

Chip và chất bán dẫn đang được chú ý hơn bao giờ hết trong bối cảnh kỉnh tế hiện này. Hoa Kỳ đã chi hơn một nửa khoản tiền hỗ trợ mở rộng sản xuất chip theo chương trình Chip Act để trở nên linh hoạt hơn với các cú sốc nguồn cung. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".
USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi

Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến gần đây đã đẩy lùi những kỳ vọng hạ lãi suất của Fed và đẩy khiến giá trị đồng USD gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD có thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và đặc biệt là tại thị trường Châu Á. Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ phân tích những ảnh hưởng của một đồng USD mạnh mẽ.
Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ