Cuộc đánh giá chính sách của RBA - bài kiểm tra "khó nhằn" cho các ngân hàng trung ương

Cuộc đánh giá chính sách của RBA - bài kiểm tra "khó nhằn" cho các ngân hàng trung ương

Đặng Hải Phú

Đặng Hải Phú

Junior Analyst

09:48 10/08/2022

Một cuộc đánh giá chính sách độc lập đang được tiến hành đối với RBA và có lẽ sẽ diễn ra đối với các NHTW khác trong tương lai

Ngày 20/07 vừa qua, Bộ Tài chính Úc đã thông báo về một cuộc đánh giá chính sách đối với NHTW nước này, báo cáo cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3/2023. Và không chỉ có RBA, các NHTW khác trên thế giới có lẽ cũng đang nín thở theo dõi cuộc đánh giá trên.

Trên khắp thế giới, các ngân hàng trung ương đã phải đối mặt với sự gia tăng của lạm phát toàn cầu khi để lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài. Trong bối cảnh đó, chỉ có NHTW Úc tỏ ra thẳng thắn hơn cả khi thừa nhận sai lầm của mình, với việc người đứng đầu của cơ quan này nói rằng dự báo của họ thật "đáng xấu hổ".

“Chúng ta nên dự báo điều này tốt hơn nhưng lại không làm được" Philip Lowe, thống đốc RBA, phát biểu vào tháng Năm. Tuy nhiên, RBA không phải là NHTW duy nhất tin rằng sự gia tăng lạm phát sẽ chỉ mang tính nhất thời.

Điều này khiến cho cuộc đánh giá chính sách đối với RBA trở thành một bài kiểm tra thú vị về tính trách nhiệm của các NHTW. Có phải ngân hàng này chỉ đơn giản đã dự báo sai hay có một sai sót mang tính hệ thống đã xảy ra?

Có hai điểm đáng chú ý trong cuộc đánh giá đối với RBA. Thứ nhất, nó sẽ được thực hiện bởi một hội đồng độc lập, tới từ bên ngoài do Bộ Tài chính chỉ định - hai nhà kinh tế Úc và một cựu phó thống đốc của Ngân hàng Canada, hiện là thành viên bên ngoài của Ủy ban Chính sách Tài chính của NHTW Anh. Các ngân hàng trung ương vốn luôn yêu thích sự độc lập và đã quen với việc nắm quyền kiểm soát. Vì vậy, RBA có lẽ sẽ không cảm thấy thoải mái khi sẽ bị ảnh hưởng bởi các khuyến nghị của những người bên ngoài.

Thứ hai, cuộc đánh giá có phạm vi rộng một cách bất thường và có cảm giác mang tính chất “soi xét” hoặc “điều tra”. Các cuộc đánh giá trong những năm gần đây của các ngân hàng trung ương lớn đã được thu hẹp hơn vào một khía cạnh cụ thể của chính sách tiền tệ, hành động của ngân hàng trung ương hoặc việc quản lý các công cụ chính sách.

Cuộc đánh giá này sẽ kiểm tra mọi thứ tại RBA - tính phù hợp của khuôn khổ mục tiêu lạm phát, sự phối hợp của chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và vĩ mô, và mô hình quản trị. Nó cũng sẽ xem xét việc lựa chọn các công cụ, thực hiện chính sách, truyền thông và việc cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau. Ngay cả văn hóa, quy trình quản lý và tuyển dụng cũng sẽ được đánh giá.

Bằng chứng cho sức ảnh hưởng của cuộc đánh giá trên tới các NHTW đã được thể hiện khi chưa đầy một tuần sau thông báo đánh giá RBA, một bài báo nghiên cứu do cựu Thống đốc RBNZ Graeme Wheeler đồng tác giả đã đổ lỗi cho những sai lầm chính sách của ngân hàng trung ương gây ra lạm phát cao.

Ngay sau đó, thống đốc RBNZ, Adrian Orr đã đưa ra một tuyên bố thừa nhận rằng chính sách tiền tệ của cơ quan này đã góp phần làm tăng lạm phát. Ông cũng thông báo sẽ tiến hành một cuộc đánh giá riêng về hiệu quả chính sách tiền tệ của RBNZ, bên cạnh báo cáo đánh giá 5 năm chính sách tiền tệ mới được công bố gần đây.

RBA có lẽ đã đi đầu trong các ngân hàng trung ương trong việc thừa nhận những sai lầm của mình. Những người đồng nghiệp khác trên toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng quá lâu, đưa ra những dự báo sai lệch về lạm phát, và không nhất quán với những định hướng chính sách của mình.

Theo kế hoạch, RBA đã dự định sẽ giữ lãi suất ở mức thấp nhất có thể cho tới năm 2024. Điều này không những không giúp kiềm chế lạm phát mà còn khiến cho bong bóng nhà đất tại Úc ngày một phình to.

Tới thời điểm hiện tại, các NHTW dường như đã bỏ quên công cụ định hướng chính sách của mình. Trong phiên họp gần nhất, Chủ tịch Fed, Jay Powell, đã phải thừa nhận rằng “Đã đến lúc chúng tôi điều chỉnh chính sách qua từng cuộc họp và không đưa ra chỉ dẫn chính sách rõ ràng như trước đây,”.

Tương tự như vậy, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đã từ bỏ định hướng chính sách vào tháng trước. “Chúng tôi đã linh hoạt hơn nhiều; chúng tôi không đưa ra bất kỳ hình thức định hướng chính sách nào, ”chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết. “Từ bây giờ, chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ của mình dựa trên số liệu và sẽ hành động từng bước một.”

RBA cũng đã mới bắt kịp xu hướng trên khi cho biết họ sẽ không còn đưa ra định hướng chính sách rõ ràng: "Hội đồng điều hành dự kiến ​​sẽ thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ trong những tháng tới, nhưng quá trình trên sẽ không đi theo con đường định sẵn."

Nếu như lạm phát không giảm và lãi suất tiếp tục tăng cao đáng kể, quá trình đánh giá sẽ không chỉ dừng lại ở công cụ định hướng chính sách. Nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng sẽ phải đối mặt với những cuộc đánh giá chính sách trong thời gian tới.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ