Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Phần 4: Đánh giá kết quả đàm phán giữa hai nước tính đến nay

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Phần 4: Đánh giá kết quả đàm phán giữa hai nước tính đến nay

13:00 11/01/2019

chiến tranh thương mại, trade war

(Nguồn BIDV Treasury Research)

Lạc quan trong thận trọng

Trong thỏa thuận “ngừng bắn” ngày 1/12/2018, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất về các nội dung cần thương lượng tiếp theo cũng như các bước để thực hiện tiến trình đàm phán. Cuộc họp kéo dài 3 ngày (từ 7-9/1) tại Bắc Kinh vừa qua là bước đầu tiên trong tiến trình đó, và xét tổng thể động thái của hai bên kể từ khi “ngừng bắn” đến nay thì đã có nhiều tín hiệu lạc quan nhất định. Tuy vậy, những bất đồng về các vấn đề cấu trúc kinh tế dài hạn là không dễ để được san lấp ngay lập tức và kịch bản khả thi nhất khi kết thúc 90 ngày hòa hoãn có lẽ là một quyết định gia hạn thêm thời gian đàm phán trong lúc vẫn tạm ngưng các biện pháp trừng phạt thuế quan.

I. Cập nhật kết quả đàm phán từ 7-9/1
Vào ngày 7/1 vừa qua, phái đoàn Mỹ do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish đã đến Bắc Kinh để đàm phán về các vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ thương mại cũng như chính sách kinh tế của hai bên. Theo dự kiến ban đầu thì cuộc họp sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/1, tuy nhiên do cần thương lượng thêm về việc Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ nên hai bên đã kéo dài quá trình đàm phán đến hết ngày 9/1.
Sau khi kết thúc đàm phán, hai bên đều chỉ đưa ra những thông điệp ngắn gọn như sau:
- Mỹ : Phái đoàn Mỹ đã chuyển tải các thông điệp của Tổng thống Trump về việc giảm bớt thâm hụt thương mại cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc về cấu trúc kinh tế (của Trung Quốc), từ đó cải thiện hoạt động thương mại giữa hai quốc gia. Cuộc đàm phán cũng tập trung vào các hứa hẹn của Trung Quốc trong việc mua một lượng đáng kể nông sản, năng lượng và hàng hóa chế tạo của Mỹ.

- Trung Quốc : Hai bên đã trao đổi về các vấn đề thương mại cũng như cấu trúc kinh tế, tạo ra nền tảng để giải quyết những điểm còn bất đồng. Hai bên nhất trí về việc giữ liên lạc mật thiết.

Như vậy, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không nhắc đến một thỏa thuận hay tiến bộ cụ thể nào. Những bước tiến, nếu có, chỉ nhằm ở nội dung giảm bớt thâm hụt thương mại thông qua việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, còn những bất đồng về cấu trúc kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên đây cũng là điều dễ hiểu bởi cuộc đàm phán chỉ diễn ra ở cấp độ Thứ trưởng và chỉ nhằm “dọn đường” cho các cuộc gặp cấp cao hơn sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 này. Rất nhiều khả năng Phó Thủ tướng Lưu Hạc bên phía Trung Quốc sẽ có chuyến thăm Washington vào cuối tháng để tiếp tục đàm phán . Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng việc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra “rất tốt” . Nói cách khác, hai bên cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp ngắn này và kết quả như vậy (thu hẹp bớt những bất đồng) cũng đã là chấp nhận được.

II. Những thỏa thuận trong cuộc “ngừng bắn” ngày 1/12/2018
Cuộc họp vừa qua là một phần trong thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc đã đạt được vào ngày 1/12 bên lề hội nghị G20. Trong thỏa thuận đó, hai bên đã nhất trí về các nội dung cần phải đàm phán trong vòng 90 ngày “ngừng bắn”.Theo thông tin từ phía Mỹ thì hai bên sẽ thương lượng về các nội dung sau:
- Ép buộc chuyển giao công nghệ
- Các rào cản thị trường phi thuế quan. Theo định nghĩa của USTR thì “các rào cản thị trường phi thuế quan” được hiểu là các giới hạn về quota nhập khẩu hoặc hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào một số lĩnh vực.
- Các hành vi tấn công mạng của Trung Quốc
- Trung Quốc nhập khẩu nông sản và dịch vụ của Mỹ
Theo thông tin từ phía Trung Quốc thì hai bên sẽ thương lượng về các nội dung sau:
- Trung Quốc nhập khẩu nông sản, năng lượng và ô tô của Mỹ
- Bảo hộ tài sản tri thức
- Hợp tác về công nghệ
- Mở cửa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ
Như vậy nhìn chung kết quả đàm phán về các nội dung Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ (chủ yếu là đối với nông sản, năng lượng, ô tô) bảo hộ tài sản tri thức, ép buộc chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường Trung Quốc (đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng) sẽ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả đàm phán. Ngoài ra, mặc dù không được nhắc đến một cách chính thức trong thông cáo báo chí của hai bên nhưng những điều chỉnh trong chính sách Made in China 2025 cũng sẽ có tác động nhất định. Để xác định khả năng đạt được thỏa thuận dài hạn thì cần đánh giá sự khác biệt của chính sách bên phía Trung Quốc trước và sau ngày 1/12. Sự khác biệt (theo hướng tích cực) càng lớn thì chứng tỏ mức độ nhượng bộ của Trung Quốc càng lớn và khả năng đạt được một thỏa thuận dài hạn càng cao.

III. Tiến độ triển khai tính đến nay

1. Về việc Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ
Trong năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 129,9 tỷ USD hàng hóa , trong đó những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là nông sản (21 tỷ), máy bay (16 tỷ), máy móc (13 tỷ), phương tiện giao thông (12 tỷ) và thiết bị điện (12 tỷ). Mặc dù dầu thô và các sản phẩm hóa dầu (150.000 thùng trong năm 2017, tương đương khoảng 9 tỷ USD) không nằm trong nhóm này, nhưng lại chiếm tới 23% tổng giá trị xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ ra toàn thế giới. Để so sánh, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ tương đương khoảng 8,4% tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ ra toàn thế giới.

Vào giữa năm 2018 thì Mỹ từng đề nghị Trung Quốc mua thêm lượng hàng hóa Mỹ trị giá 100 tỷ USD. Tuy nhiên đến cuối năm 2018 thì vị thế đàm phán của phía Mỹ đã có phần yếu đi khi kinh tế nước này có dấu hiệu giảm tốc thấy rõ. Ngoài ra, cuộc bầu cử năm 2020 đang ngày càng đến gần và Tổng thống Trump hẳn sẽ cảm thấy nhiều áp lực hơn Chủ tịch Tập Cận Bình, người chắc chắn sẽ cầm quyền đến năm 2022 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Như vậy thì lần này phía Mỹ khó có thể nhắc đến con số 100 tỷ nữa, tuy nhiên họ cũng không thể hài lòng với một mức quá thấp. Nếu tạm cho rằng rằng Mỹ muốn đưa thâm hụt thương mại của năm 2019 (dự kiến khoảng 400 tỷ USD) về tương đương năm 2016 (345 tỷ USD) thì Mỹ sẽ phải đề nghị Trung Quốc nhập khẩu thêm từ 50-60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, nhưng điều này cũng không phải là dễ thực hiện.

Nông sản:
Trong số các mặt hàng nông nghiệp mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc thì đậu tương là quan trọng nhất, chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất khẩu nông sản. Năm 2017, Mỹ đã xuất khẩu sang Trung Quốc lượng đậu tương trị giá 12,5 tỷ USD, tuy nhiên sang năm 2018 thì con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 4 tỷ USD do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Sau thỏa thuận ngày 1/12, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu đậu tương trở lại, nhưng xác định doanh số giao dịch là một chuyện khó khăn do Chính phủ Mỹ đang đóng cửa một phần và Bộ Nông nghiệp Mỹ chưa công bố số liệu chính thức về giá trị nông sản xuất khẩu. Theo các thông tin mới nhất thì lượng đậu tương mà Trung Quốc đã mua trong tháng 1 này là khoảng 900.000 tấn (tương đương 300 triệu USD). Chưa rõ phía Trung Quốc định mua tổng cộng bao nhiêu đậu tương trong tháng 1 này nói riêng cũng như cả năm 2019 nói chung, nhưng trong tháng 12/2018 thì Trung Quốc đã nhập khẩu 2 lô hàng đậu tương lớn, lần lượt là 1,2 và 1,5 triệu tấn sau khi không mua chút gì trong tháng 11, mà theo phía Sinograin giải thích thì hành động nhập khẩu này là “để đáp ứng mong muốn của lãnh đạo quốc gia”. Giả sử Trung Quốc tiếp tục duy trì tần suất nhập khẩu 2 lần/tháng như trong tháng 12 thì giá trị nhập khẩu đậu tương có thể đạt khoảng 12 tỷ USD trong năm 2019, tức gấp 3 lần so với năm 2018 (khoảng 3,5 tỷ USD) nhưng vẫn chỉ tương đương với mức của năm 2017.

Hiện tại Mỹ đang xuất khẩu khoảng 60 triệu tấn đậu tương/năm, còn nhu cầu đậu tương của Trung Quốc trong năm 2019 là khoảng 85 triệu tấn (giảm khoảng 10 triệu tấn so với năm 2018 do Trung Quốc áp dụng chuẩn thức ăn chăn nuôi mới, cần ít đậu tương hơn). Nghĩa là nếu muốn thì Trung Quốc có thể tiêu thụ hết 60 triệu tấn đậu tương của Mỹ và giá trị nhập khẩu sẽ tăng thêm khoảng 10 tỷ USD so với năm 2017. Tuy nhiên điều đó cũng sẽ buộc Trung Quốc phải cắt giảm lượng đậu tương nhập khẩu từ các bạn hàng truyền thống như Brazil, Argentina, Canada, Nga, đồng thời trở nên phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và đó chắc chắn không phải là một kịch bản hấp dẫn đối với người Trung Quốc. Giả sử Trung Quốc nâng mức nhập khẩu đậu tương từ Mỹ thêm 50% so với năm 2017 thì giá trị nhập khẩu mới tăng thêm 6 tỷ USD mà thôi, và nếu cho rằng các mặt hàng nông sản khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng tương ứng (một kịch bản rất lạc quan) thì giá trị nông sản mà Trung Quốc mua của Mỹ có thể tăng thêm khoảng 9 tỷ USD.

- Năng lượng:
Trong năm 2017, Trung Quốc nhập từ Mỹ khoảng 150 triệu thùng dầu, tuy nhiên đến năm 2018 thì giảm còn 120 triệu thùng và đã ngừng hoàn toàn hoạt động nhập khẩu kể từ tháng 11/2018. Khoảng 2 tuần trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu mua dầu của Mỹ trở lại nhưng doanh số mới chỉ đạt 3,94 triệu thùng (gần 2 triệu thùng/tuần). Nếu tốc độ này được duy trì thì Trung Quốc sẽ nhập khoảng 105 triệu thùng dầu từ Mỹ trong năm nay, chỉ tương đương 2/3 của năm 2017. Còn nếu Trung Quốc muốn nâng giá trị nhập khẩu dầu lên thêm 10 tỷ USD nữa thì họ sẽ phải nhập tổng cộng 350 triệu thùng dầu trong năm 2019 này, tăng 200% so với 2018 và 130% so với 2017. Đó có vẻ là một nhiệm vụ tương đối khó khăn và nếu Trung Quốc có thể tăng giá trị nhập khẩu dầu thêm 5 tỷ USD thì đó cũng đã là một cố gắng lớn.

- Ô tô:
Trong năm 2017, Mỹ xuất sang Trung Quốc khoảng 267 nghìn chiếc ô tô , trị giá 9.9 tỷ USD và tương đương khoảng 18% tổng giá trị xuất khẩu ô tô của Mỹ ra toàn thế giới. Nếu tính cả linh kiện ô tô thì giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc là khoảng 12 tỷ. Tính bình quân, mỗi năm Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1,5 triệu chiếc ô tô và 48% trong số này đến từ châu Âu , 33% khác đến từ châu Á với chỉ 18% đến từ Bắc Mỹ. Như vậy nếu cần thiết thì Trung Quốc hoàn toàn có đủ “dư địa” để nâng lượng nhập khẩu ô tô từ Mỹ lên. Tuy nhiên trên thực tế thì Trung Quốc chưa có động thái nào rõ rệt để tăng mạnh lượng nhập khẩu ô tô từ Mỹ.
Ngày 14/12/2018, khoảng 2 tuần sau thỏa thuận “ngừng bắn”, Trung Quốc đã thông báo cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô Mỹ xuống còn 15% trong vòng 3 tháng từ 1/1 đến 31/3/2019 như là một động thái để thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước. Nhưng mức thuế 15% này cũng chỉ tương đương với thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia khác, và thấp hơn không quá nhiều so với mức thuế trước khi chiến tranh thương mại leo thang (trước tháng 7/2018 là 25%). Do đó yếu tố này cũng chưa đủ để giúp kim ngạch nhập khẩu ô tô của Trung Quốc gia tăng so với năm 2017. Bên cạnh đó Tesla cũng dự kiến ra mắt mẫu xe điện mới tại Trung Quốc trong năm 2019, nhưng doanh số bình quân của Tesla chỉ là 1.000 xe/tháng nên mẫu Tesla 3 (giá 50.000 USD) chiếc cũng không khiến giá trị nhập khẩu ô tô của phía Trung Quốc thay đổi đáng kể. Chưa kể, với việc Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới trong năm 2019 thì doanh số nhập khẩu ô tô của nước này dự báo cũng giảm 5%. Nhìn chung, với các diễn biến hiện tại thì khả năng Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu ô tô từ Mỹ là chưa rõ ràng.

Tóm lại, phía Trung Quốc đã có những thiện chí nhất định thông qua việc mua nông sản, cấp phép nhập khẩu 5 loại thực phẩm biến đổi gien , nhập khẩu trở lại dầu thô, cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô Mỹ… nhưng quy mô giao dịch như hiện tại chưa đủ để làm cho kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên đáng kể. Nhiều khả năng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong quý I/2019 cũng chỉ đạt mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 và vẫn cần thêm thời gian để đạt được yêu cầu của phía Mỹ.
Chấm điểm: 7/10

2. Về việc bảo hộ tài sản tri thức và ép buộc chuyển giao công nghệ
Theo ước tính của phía Mỹ, việc Trung Quốc xâm phạm bản quyền tài sản tri thức có thể khiến Mỹ thiệt hại lên tới 600 tỷ USD/năm. Việc xâm phạm bản quyền tài sản tri thức này có thể được thực hiện dưới hai hình thức chính là (i) đánh cắp các bí mật kinh doanh và thương mại của Mỹ thông qua các con đường như tấn công mạng hoặc gián điệp kinh tế, (ii) sản xuất hàng nhái và sử dụng phần mềm mà không trả phí bản quyền.

Ngoài ra, cũng theo phía Mỹ thì Trung Quốc đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để ép buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc khi muốn kinh doanh tại thị trường nước này. Trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp Mỹ buộc phải lập liên doanh với một đối tác Trung Quốc và trong một số trường hợp thì thậm chí buộc phải để phía Trung Quốc sở hữu cổ phần đa số. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng được cho là cố tình tạo ra những điều kiện ngặt nghèo trong quá trình cấp phép kinh doanh để buộc các doanh nghiệp Mỹ phải nhượng bộ bằng cách chuyển giao công nghệ.

Kể từ sau cuộc đàm phán ngày 1/12/2018, Trung Quốc đã có những dấu hiệu nhượng bộ nhất định trong vấn đề này. Cụ thể, vào ngày 26/12/2018, Trung Quốc đã ban hành Dự thảo Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài . Điều 22 của Dự thảo này quy định rằng “Chính phủ sẽ bảo vệ quyền sở hữu tài sản tri thức của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.... khuyến khích hoạt động hợp tác công nghệ dựa trên tinh thần tự nguyện và theo đúng các quy luật kinh doanh. Các điều khoản hợp tác công nghệ trong quá trình đầu tư sẽ được thương lượng bởi các bên có liên quan, và cơ quan quản lý không được ép buộc việc chuyển giao công nghệ dựa trên các biện pháp hành chính”. Dự thảo này dự kiến sẽ được chính thức chuyển hóa thành luật vào cuối tháng 2/2018, tức trước khi quá trình “ngừng bắn” kết thúc. Như vậy từ cấp cao nhất thì Trung Quốc đã tỏ ra có thiện chí, tuy nhiên cần nhớ rằng chính các quan chức Trung Quốc (ví dụ như cựu Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên) cũng nhiều lần thừa nhận rằng việc ép buộc chuyển giao công nghệ này chủ yếu do các cơ quan địa phương thực hiện. Nói cách khác, ngay cả khi cơ quan lập pháp đã ban hành văn bản thì vẫn tồn tại một khả năng nhất định là các chính quyền địa phương (tại Trung Quốc, chính quyền các tỉnh có mức độ độc lập tương đối lớn trong việc triển khai chính sách thu hút đầu tư) sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp “lách luật” để đạt được mục tiêu nắm giữ công nghệ từ các doanh nghiệp FDI .

Cũng vào cuối tháng 12, Trung Quốc đã thành lập một tòa phúc thẩm chuyên trách xét xử các vụ kiện về tài sản tri thức. Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc thì đây là một nỗ lực để bảo hộ quyền tài sản tri thức , cụ thể là các doanh nghiệp có thể khởi kiện lên tòa phúc thẩm này nếu như họ cảm thấy không được các tòa án khác phân xử một cách công bằng trong vấn đề bản quyền. Mặc dù kết quả thực tế là điều khó có thể nói trước, ít nhất về mặt chủ trương thì đây vẫn được coi là một “bước tiến lớn” trong công tác bảo hộ quyền tài sản tri thức tại Trung Quốc.

Tuy nhiên trong vài tháng gần đây thì Trung Quốc chưa có động thái nào tích cực trong việc giảm bớt hoạt động tấn công mạng nói riêng cũng như vấn đề đánh cắp bí mật thương mại nói chung. Cuối tháng 12/2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi tố hai hackers Trung Quốc vì hành vi đánh cắp bí mật kinh doanh của Mỹ . Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc của phía Mỹ rằng Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược tấn công mạng trên toàn cầu để đánh cắp những công nghệ tiên tiến. Không những phủ nhận cáo buộc, Trung Quốc còn khẳng định rằng Mỹ mới là bên thực hiện những cuộc tấn công mạng có tổ chức nhắm vào các doanh nghiệp và Chính phủ nước ngoài . Nhìn chung, kể từ khi “ngừng bắn” đến nay thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng của hai nước Mỹ - Trung xung quanh vấn đề tấn công mạng và đánh cắp bí mật kinh doanh đã hạ nhiệt.
Chấm điểm: 7/10

3. Về việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ
Một trong những điểm mà phía Mỹ rất quan tâm là khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh việc bị ép buộc chuyển giao công nghệ thì các doanh nghiệp Mỹ còn bị hạn chế tham gia vào một số lĩnh vực, nhóm ngành kinh tế. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã ban hành một “danh sách tiêu cực” (Negative List), trong đó liệt kê các nhóm ngành mà doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế hoặc cấm đầu tư. Danh sách này bao gồm hai phiên bản, một áp dụng chung cho toàn quốc và một chỉ áp dụng trong các khu vực thương mại tự do. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào các nhóm ngành nằm trong “danh sách tiêu cực” thì sẽ gặp một số rào cản như (i) buộc phải tham gia liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc, (ii) bị giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, (iii) phải xin Bộ Thương mại Trung Quốc cấp phép trước khi đầu tư . Vì vậy mà Mỹ đã dành hẳn một mục trong bản đề nghị 7 điểm vào giữa năm 2018 để yêu cầu Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường, hoặc nói cách khác là giảm bớt số ngành nghề được liệt kê trong “danh sách tiêu cực”.

Trung Quốc cũng đã có những động thái khá tích cực trong vấn đề này. Tháng 7/2018, Ủy ban Kế hoạch và Phát triển cùng với Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành phiên bản mới của “danh sách tiêu cực”, theo đó số lượng ngành nghề mà doanh nghiệp nước ngoài bị cấm/hạn chế tham gia đã đi đáng kể. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động thiện chí trong việc dỡ bỏ giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 1/12/2018 vừa qua, UBS đã nâng tỷ lệ sở hữu tại một công ty chứng khoán Trung Quốc lên 51% . Theo Ủy ban Kế hoạch và Phát triển Trung Quốc, trần tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp xe ô tô điện (hiện là 50%) sẽ được dỡ bỏ trong năm 2018, tại các doanh nghiệp xe ô tô cá nhân thông thường là trong năm 2020 và tại các doanh nghiệp xe vận tải là trong năm 2022. Nhờ đó, Tesla vừa khởi công xây dựng một nhà máy xe điện tại Thượng Hải, và điểm đáng chú ý là Tesla được sở hữu 100% đối với nhà máy này. Đây là doanh nghiệp ô tô đầu tiên tại Trung Quốc mà phía Mỹ được sở hữu 100% vốn.
Đến cuối tháng 12/2018, sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ, Trung Quốc đã tiếp tục công bố “danh sách tiêu cực” chỉnh sửa (đây là điều khá hiếm thấy bởi Trung Quốc thường chỉ ban hành danh sách này 1 lần/năm). Theo đó, văn bản này có tác dụng thay thế tất cả các văn bản pháp lý trước đó có liên quan “danh sách tiêu cực” do các cấp chính quyền địa phương ban hành. Danh sách tiêu cực mới được ban hành cuối tháng 12 vừa qua cũng chính thức xóa bỏ tất cả những sự phân biệt giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù một số ngành nghề vẫn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ít nhất thì văn bản mới này đã cho thấy thiện chí của phía Trung Quốc trong việc dỡ bỏ dần các rào cản gia nhập thị trường. Đây có thể coi là sự nhượng bộ của Trung Quốc sau cuộc họp ngày 1/12.

Tuy vậy, “danh sách tiêu cực” cuối năm 2018 vẫn còn liệt kê ra tới 4 loại hình kinh doanh bị cấm và 147 loại hình kinh doanh bị hạn chế đối với các doanh nghiệp nằm ngoài khu vực Nhà nước. Đáng chú ý, các hoạt động kinh doanh có liên quan đến Internet bị cấm hoàn toàn. 147 hoạt động kinh doanh bị hạn chế thuộc 18 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại, bất động sản, tài chính, công nghệ thông tin..... Phía Mỹ muốn Trung Quốc phải tiếp tục dỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực Internet. Tuy nhiên chủ trương của Trung Quốc vẫn là duy trì sự kiểm soát của Nhà nước trong các ngành kinh tế then chốt, do đó việc tiếp tục dỡ bỏ mạnh các rào cản gia nhập thị trường là tương đối khó khăn.
Chấm điểm: 6/10

4. Về chính sách công nghiệp của Trung Quốc
Vào giữa tháng 12/2018, sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với phía Mỹ, Trung Quốc đã có một số động thái nhằm hạ thấp tầm quan trọng của chính sách “Made in China 2025”. Trong văn bản hướng dẫn gửi các chính quyền địa phương, Bắc Kinh không nhắc đến “Made in China 2025” như là một nội dung ưu tiên . Để so sánh, cũng trong văn bản tương tự ban hành năm 2016 thì Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc thi hành “Made in China 2025” cũng như đưa ra các chính sách ưu tiên cho các ngành công nghiệp nằm trong chiến lược này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xem xét ban hành một chiến lược công nghiệp mới để thay thế hoặc điều chỉnh lại “Made in China 2025” , theo đó thời hạn cho một số mục tiêu như tỷ lệ tự chủ công nghệ, khả năng tự cung cấp linh kiện.... sẽ được dời đến năm 2035 thay vì năm 2025.

Theo đánh giá của phía Mỹ, cụ thể là của Cố vấn thương mại Peter Navarro, thì Trung Quốc không thực sự từ bỏ chính sách “Made in China 2025” . Ông Navarro cho rằng Trung Quốc chỉ thay đổi tên gọi của nó và vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phi thị trường nhằm đánh cắp công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, khách quan mà nói, Trung Quốc đã có những nhượng bộ nhất định liên quan tới “Made in China 2025”. Các biện pháp trọng tâm của chính sách này là (i) tăng cường trợ giá, cấp vốn rẻ... cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc được Nhà nước hỗ trợ để họ có đủ nguồn lực nghiên cứu phát triển một số ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược, (ii) đầu tư mua lại các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài, (iii) yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao bí quyết công nghệ khi kinh doanh tại Trung Quốc. Như đã đề cập ở trên, Trung Quốc đã giảm bớt đòi hỏi về chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài và tổng giá trị các thương vụ mua bán, sát nhập của Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ trong năm 2018 cũng đã giảm tới 95% so với năm 2017. Chỉ còn biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhà nước là vẫn được duy trì.
Chấm điểm: 7/10.

Như vậy, Trung Quốc đã ít nhiều tỏ thiện chí và vào lúc này thì mong muốn của phía Mỹ trong việc đạt được một thỏa thuận cũng là lớn hơn so với tháng 6/2018. Tuy nhiên vấn đề là Trung Quốc thường đưa ra những cam kết tương đối mơ hồ về mặt thời gian, trong khi Mỹ lại muốn một lộ trình rõ ràng để có thể dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện cam kết. Do đó sẽ rất khó để đạt được một thỏa thuận trọn vẹn trước tháng 3/2018 và nhiều khả năng hai bên sẽ cần phải đàm phán thêm.

Các kịch bản có thể xảy ra như sau:
Kịch bản 1 (xác suất 75%): Hai bên đạt được sự nhất trí trong những vấn đề ngắn hạn như Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ và bước đầu tìm được điểm chung trong những vấn đề dài hạn như mở cửa thị trường Trung Quốc, bảo hộ tài sản tri thức, chuyển giao công nghệ, chính sách công nghiệp, tuy nhiên do vẫn còn khoảng cách nên vẫn cần đàm phán thêm. Do đó hai bên sẽ gia hạn thêm thời gian đàm phán, có thể từ 3-6 tháng nữa để tìm cách đi đến một thỏa thuận trọn vẹn. Trong thời gian gia hạn đó thì hai bên sẽ không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt thuế quan, đặc biệt là phía Trung Quốc có thể sẽ chủ động thể hiện thiện chí bằng cách đơn phương cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên các khoản thuế đang áp dụng thì vẫn được duy trì.
Kịch bản 2 (xác suất 15%): Hai bên đều có sự nhượng bộ lớn và đạt được thỏa thuận trọn vẹn trong phần lớn các vấn đề. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều mong muốn ghi nhận một thắng lợi tương đối trong lĩnh vực đối ngoại để tập trung xử lý các vấn đề kinh tế trong nước. Hai bên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thuế quan đang áp dụng lên nhau.
Kịch bản 3: (xác suất 10%); Đàm phán đổ vỡ do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến cấu trúc kinh tế dài hạn. Chiến tranh thương mại leo thang và các bên nâng những rào cản thuế quan cũng như phi thuế quan lên mức tối đa.
Với việc chiến tranh thương mại nhiều khả năng chưa leo thang trong ngắn hạn, các tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam mà nhiều người từng quan ngại sẽ ít nhiều được giảm bớt. Tuy nhiên đó là chủ đề của phần 5...
Đón đọc phần 5: Những tác động của chiến tranh thương mại đến kinh tế Việt Nam

Broker listing

Cùng chuyên mục

Báo cáo của Kaiko Research về thị trường tiền điện tử
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Báo cáo của Kaiko Research về thị trường tiền điện tử

Tuần trước, Bitcoin đóng cửa tuần trong sắc đỏ khi những lo ngại về lạm phát đình trệ gia tăng ở Mỹ. Trong một diễn biến khác, Consensys đã kiện SEC, Venezuela đã chọn USDT để thanh toán dầu nhằm tránh các biện pháp trừng phạt và chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ những người đồng sáng lập một dịch vụ trộn tiền điện tử. Tuần này chúng ta tìm hiểu xung quanh việc thị phần đang giảm của Tether, dòng tiền chảy ra khỏi ETH gia tăng, mô hình giao dịch phái sinh tại APAC và các stablecoin đang được thế chấp với EUR.
Chương trình Chip Act đang thành công hơn dự kiến. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Chương trình Chip Act đang thành công hơn dự kiến. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".

Chip và chất bán dẫn đang được chú ý hơn bao giờ hết trong bối cảnh kỉnh tế hiện này. Hoa Kỳ đã chi hơn một nửa khoản tiền hỗ trợ mở rộng sản xuất chip theo chương trình Chip Act để trở nên linh hoạt hơn với các cú sốc nguồn cung. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".
USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi

Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến gần đây đã đẩy lùi những kỳ vọng hạ lãi suất của Fed và đẩy khiến giá trị đồng USD gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD có thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và đặc biệt là tại thị trường Châu Á. Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ phân tích những ảnh hưởng của một đồng USD mạnh mẽ.
Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ