Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Cấm vận có phải là vũ khí tối thượng?

Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Cấm vận có phải là vũ khí tối thượng?

Tú Đỗ

Tú Đỗ

Senior Economic Analyst

10:23 21/07/2020

Mười chín năm trước, một công ty Trung Quốc vô danh đã bắt đầu mở những văn phòng kinh doanh đầu tiên tại Châu Âu, một tại vùng ngoại ô Frankfurt và một tại thị trấn nhỏ ở Anh, và bắt đầu đấu giá để xây dựng mạng lưới viễn thông. Ngày nay, Huawei tượng trưng cho sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc và sự sụp đổ niềm tin trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Với doanh thu 123 tỷ USD, Huawei được biết đến với mức giá rất cạnh tranh và là một trong những mũi nhọn trong mục tiêu công nghiệp hóa của chính phủ Trung Quốc. Kể từ năm 2018, Mỹ đã cáo buộc công ty này vi phạm luật, khiến nó trở thành tâm điểm trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Giờ đây đến lượt Anh cũng cho biết sẽ cấm Huawei tham gia vào mạng lưới 5G của nước này. Các quốc gia Châu Âu khác có thể sẽ có những động thái tương tự. Tuy vậy, hành động trên chưa cho thấy khả năng giải quyết vấn đề của phương Tây mà chỉ bộc lộ sự thiếu hụt một chiến lược đối phó mạch lạc với Trung Quốc. Nếu như xã hội và chính quyền Trung Quốc tiếp tục giữ được sự liên kết về kinh tế và không bị rơi vào tình trạng hỗn loạn, một cấu trúc thương mại mới là điều cần thiết.

Những người đứng đầu cơ quan an ninh Mỹ luôn lo lắng về khả năng các thiết bị của Huawei được thiết kế cho mục đích do thám và khiến cho khách hàng của họ lệ thuộc vào ngành công nghệ vốn được chính phủ chống lưng của Trung Quốc. Tuy nhiên hơn 170 quốc gia đã quyết định rằng rủi ro trên có thể được kiểm soát. Nước Anh, vốn phối hợp chặt chẽ với Mỹ về hoạt động tình báo, đã thành lập một nhóm các chuyên gia công nghệ để theo dõi các thiết bị của Huawei vào năm 2010 và sau đó đã hạn chế sự tham gia của công ty này trong các lĩnh vực nhạy cảm trong hệ thống. Các quốc gia khác đã học tập biện pháp trên. Giải pháp này là một trạng thái trung lập ở giữa việc ngây thơ chấp nhận chế độ tư bản nhà nước của Trung Quốc và tiến hành chiến tranh lạnh.

Sự cân bằng trên đã được chứng minh là không bền vững. Chính quyền Trump kêu gọi thế giới cô lập Huawei và áp đặt lệnh cấm vận đơn phương lên nguồn cung của công ty này, cấm bán một số linh kiện cũng như những con chip sản xuất ở nước ngoài bằng công cụ của Mỹ. Bị buộc phải lựa chọn giữa đồng minh và nhà cung cấp, Anh đã bắt buộc phải đưa ra lựa chọn trong tuần qua. Rủi ro ngày càng lớn hơn đối với bất kỳ ai làm ăn với một công ty mà Mỹ muốn bóp nghẹt. Về phần mình, Huawei thất bại trong việc thuyết phục các chuyên gia công nghệ của Anh, những người đã phàn nàn về việc các phần mềm mã độc ngày càng khó để theo dõi, hay cải tổ bộ máy quản trị và sở hữu thiếu minh bạch. Bất kỳ ảo mộng nào còn sót lại về việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tôn trọng luật pháp trong những thời điểm cần thiết nhất đã vỡ vụn bởi các sự kiện tại Hong Kong mới đây.

Chi phí trực tiếp của việc đẩy Huawei ra khỏi mạng lưới viễn thông của Châu Âu là có thể chấp nhận được – tăng thêm dưới 1% vào hóa đơn điện thoại của Châu Âu nếu như được chia đều trong 20 năm. Ericsson và Nokia, 2 nhà cung cấp của các nước phương Tây, có thể đẩy mạnh sản xuất và cuộc cạnh tranh mới có thể sẽ nổ ra do mạng lưới viễn thông sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào phần mềm và các tiêu chuẩn mở.

Gánh nặng thật sự không hề liên quan tới những chiếc ăng-ten viễn thông mà sẽ gây sức ép hệ thống thương mại toàn cầu. Có thể hàng tá các quốc gia sẽ cùng cấm vận Huawei. Tuy nhiên những sản phẩm của công ty này vẫn sẽ được sử dụng ở hầu hết các nước đang phát triển, đẩy nhanh sự chia cắt của ngành công nghệ. Thương mại cần dựa vào các quy tắc chung tuy nhiên quyết định của Anh đã được đưa ra giữa vòng xoáy của hoạt động vận động hành lang và sự đe dọa. Rất khó để chỉ ra logic đằng sau quyết định trên. Nếu vấn đề đến từ các thiết bị sản xuất tại Trung Quốc, thì Ericsson và Nokia cũng đều sử dụng chúng. Còn nếu là do các công ty Trung Quốc đang xây dựng hệ thống có thể kết nối với các thiết bị (trong trường hợp của mạng 5G, rô-bốt và máy móc), thì điều tương tự cũng có thể áp dụng lên khắp nền kinh tế số toàn cầu. Ô-tô của Đức và điện thoại Apple được bán ở Trung Quốc được trang bị phần mềm, dữ liệu và cảm biến. Liệu Trung Quốc cũng cần bị cấm sản xuất chúng hay không?

Điều này sẽ như đổ thêm dầu vào lửa. Mức thuế bình quân trong thương mại Mỹ- Trung là 20%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Châu Âu đã giảm 69% từ mức đỉnh 2016, theo công ty nghiên cứu Rhodium. Các doanh nghiệp đang là những người chịu trận. Tiktok đối mặt với lệnh cấm tại Ấn Độ và có thể là Mỹ. Trung Quốc lên kế hoạch để áp đặt trừng phạt lên công ty Lockheed Martin do bán vũ khí cho Đài Loan. Giờ đây Tổng thống Donald Trump đã tước đặc quyền đối với Hong Kong. HSBC, một ngân hàng có lợi ích lớn tại đây, theo đó cũng có thể phải chịu trừng phạt bởi cả Trung Quốc và Mỹ. Một số những tổ chức cho vay của Trung Quốc có thể bị cấm giao dịch đồng USD.

Lệnh cấm đối với Huawei là một phần trong kế hoạch tách rời và ngăn chặn Trung Quốc. Tuy nhiên điều này sẽ không hoạt động nếu được áp dụng cho toàn bô mối quan hệ kinh tế. Kẻ địch lớn gần nhất của phương Tây, Liên bang Xô-viết, chỉ có hoạt động thương mại rất khiêm tốn. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm 13% xuất khẩu và 18% của thị trường vốn toàn cầu, và là một thế lực kinh tế vượt trội tại Châu Á.

Thay vào đó một tổ chức thương mại mới là cần thiết nhằm công nhận bản chất của Trung Quốc. Điều này không hề dễ dàng. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với mục đích thiết lập bộ quy tắc chung, đã thất bại trong việc tiến lên cùng với nền kinh tế số. Ngoài ra, cơ quan này cũng không chuẩn bị cho việc Chủ tịch Tập Cận Bình tăng ảnh hưởng của nhà nước và đảng Cộng sản lên các công ty tư nhân Trung Quốc. Vỡ mộng bởi WTO, đàm phán viên của chính quyền Trump đã đơn phương yêu cầu Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế và cắt giảm trợ cấp thông qua đe dọa áp thuế và cấm vận. Điều cho tới lúc này đang là một thất bại.

Vậy cấu trúc thương mại nên vận hành như thế nào trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin? Mục tiêu nên là tối đa hóa sự hoạt động thương mại song song với đảm bảo chiến lược an ninh của cả 2 bên. Điều này có nghĩa khoanh vùng các điểm nóng, như công nghệ, mà tạo ra nhiều căng thẳng nhưng chiếm phần ít trong thương mại: Khoảng 1/3 doanh thu của các công ty phương Tây từ Trung Quốc dựa trên phân tích từ dữ liệu của Morgan Stanley. Những lĩnh vực trên sẽ yêu cầu sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chứng nhận an ninh quốc tế như cách mà Anh đã làm thử với Huawei. Nó có thể sẽ không hiệu quả, nhưng chí ít thương mại trong những lĩnh vực khác có thể phát triển.

Các công ty Trung Quốc cũng nên được yêu cầu để chấp nhận môi trường quản trị mở đối với các chi nhánh lớn tại phương Tây, bao gồm cổ đông, giám đốc và quản lý người nước ngoài với sự độc lập thật sự, và sự minh bạch, điều sẽ giúp tạo nên sự độc lập với chính phủ. Điều này không hề khó: Các công ty đa quốc gia như Unilever đã thực hiện điều này trong hàng thập kỷ. Tiktok có thể trở thành người tiên phong.

Xã hội trở nên mạnh mẽ hơn khi họ hành động một cách đồng nhất. Châu Âu có thể muốn đi một mình, kết thúc hàng thập kỷ hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, sẽ tới lúc, sớm thôi nếu ông Trump không thể tái đắc cử, nước Mỹ sẽ thắt chặt mối quan hệ với đồng minh trở lại thay vì hành động đơn phương một cách kém hiệu quả. Phương Tây không thể thay đổi các yếu tố căn bản của Trung Quốc hay phớt lờ chúng. Nhưng bằng việc hành động cùng nhau, các quốc gia trên có thể tìm ra cách để làm ăn với đối tác mà họ không tin tưởng. Mọi chuyện đã thất bại với Huawei, giờ là lúc để bắt đầu lại.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ