Bùng nổ làn sóng về AI đã đưa Nvidia trở thành ông lớn công nghệ như thế nào?

Bùng nổ làn sóng về AI đã đưa Nvidia trở thành ông lớn công nghệ như thế nào?

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Junior Analyst

09:57 28/02/2024

Doanh thu "khủng" của công ty thiết kế chip đã biến họ thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới như thế nào và liệu bữa tiệc sẽ còn kéo dài được bao lâu?

Hai năm trước, Nvidia kiếm được phần lớn lợi nhuận từ việc bán card đồ họa, một thiết bị ngoại vi máy tính dành cho đối tượng là các game thủ sử dụng nền tảng PC máy tính cá nhân. Ngày nay, công ty thiết kế chip này đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, hưởng lợi chính từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), chủ đề đang thu hút sự chú ý của cả Thung lũng Silicon và Phố Wall, và là biểu tượng của nền kinh tế công nghệ mới dự kiến sẽ thống trị thập kỷ tới.

Trong tuần trước, Nvidia tiếp tục báo cáo quý thứ tư liên tiếp với doanh thu “khủng”, củng cố vị thế dẫn đầu của họ trong trong mảng hạ tầng đang được xây dựng cho kỷ nguyên AI sắp tới. Nhờ việc chip của Nvidia được sử dụng rộng rãi để đào tạo và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) – nền tảng của hệ thống sinh thái AI (Generative AI), doanh số bán hàng cho các khách hàng trung tâm dữ liệu của Nvidia đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế của họ tăng vọt từ 1.4 tỷ USD lên hơn 12 tỷ USD – con số vượt xa cả những dự báo lạc quan nhất. Với kết quả này, giá trị thị trường của Nvidia đã tăng vọt lên đến 2 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, biến họ thành công ty công nghệ có giá trị lớn thứ ba chỉ sau Apple và Microsoft. Sự bùng nổ từ báo cáo thu nhập của Nvidia cũng dẫn đến một đợt phục hồi mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán, đẩy chỉ số S&P 500 lên trên 5,000 điểm, đạt mức đỉnh cao mọi thời đại mới.

Nvidia đã vượt qua Amazon và Alphabet để trở thành công ty lớn thứ ba về giá trị vốn hóa tại Mỹ.

Nguồn ảnh: LSEG. Hai công ty xếp trên Nivida là Microsoft và Apple.

Mặc dù Nvidia đang khiến Phố Wall “choáng ngợp” với những thành tích ấn tượng, nhưng những rủi ro vẫn tồn tại. Các công ty chip thường dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ biến động mạnh mẽ của nhu cầu, khi các đợt bùng nổ đầu tư tăng giảm, khiến lợi nhuận cũng có thể mang tính chu kỳ. Đây là một thực tế khó quên với các nhà đầu tư lâu dài của Nvidia, những người đã từng trải qua cú sụt giảm 65% giá cổ phiếu vào năm 2022. Việc các nhà đầu tư mới ồ ạt đổ xô vào cổ phiếu của Nvidia cũng khiến công ty này dễ bị tổn thương hơn trước những đợt sóng gió nhỏ, ngay cả khi chúng chỉ mang tính dự đoán.

Theo Pat Moorhead, một nhà phân tích chip người Mỹ, mặc dù hiệu quả kinh doanh của Nvidia rất ấn tượng, nhưng công ty đang bị đè nặng bởi những kỳ vọng quá lạc quan trên thị trường chứng khoán. "Làm thế nào để công ty có thể liên tục vượt xa thu nhập ước tính nhiều lần như vậy? Làm thế nào để duy trì điều đó?" ông nói.

Sự tăng trưởng chóng mặt của Nvidia đã đặt ra hai câu hỏi quan trọng: Thứ nhất, liệu sự bùng nổ của chip AI có thực sự lớn mạnh và bền vững như giới công nghệ và tài chính đang tin tưởng? Thứ hai, liệu Nvidia, kẻ đang thống trị thị trường này, có thể chống lại sự tấn công của các đối thủ cạnh tranh đang nổi lên, bao gồm cả một số khách hàng lớn nhất của họ? Đối với câu hỏi thứ nhất, những chuyên gia hàng đầu trong ngành chip đã thi nhau đưa ra các dự báo về nhu cầu mà Generative AI sẽ mang lại trong những tuần gần đây. Lisa Su, Giám đốc điều hành của AMD, một nhà sản xuất chip và cũng là đối thủ đáng gờm nhất của Nvidia, đã dự báo vào cuối năm ngoái rằng thị trường chip AI sẽ đạt 400 tỷ USD mỗi năm vào năm 2027 - gấp hơn hai lần so với ước tính trước đó của bà, và tương đương với toàn bộ giá trị thị trường chip toàn cầu tính đến năm 2019.

Traders on the floor of the New York Stock Exchange this month

Giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang, không ngần ngại trước các dự báo "trên trời", đã từng tuyên bố rằng 1 nghìn tỷ USD giá trị thiết bị trong các trung tâm dữ liệu trên thế giới cần được nâng cấp để đặt nền móng cho kỷ nguyên AI mới. Những tuần gần đây, ông đã tăng mức cược với dự báo mới rằng tổng giá trị của tất cả thiết bị trong các trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên 2 nghìn tỷ USD trong bốn hoặc năm năm tới.

Cùng lúc Nvidia công bố báo cáo thu nhập, Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI - công ty sở hữu hệ thống ChatGPT mở đầu cho sự bùng nổ AI, cũng lên tiếng ủng hộ xu hướng kêu gọi đầu tư ồ ạt vào tất cả các loại cơ sở hạ tầng AI, bao gồm cả chip. “Tôi nghĩ mọi người đều đang đánh giá thấp nhu cầu về tài nguyên tính toán cho AI,” Altman phát biểu tại một sự kiện của Intel. Ông đang tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng cho dự án riêng của mình nhằm phát triển chip AI.

Mặc dù thị trường chip AI đang hứa hẹn bùng nổ, nhưng theo Jim Tierney, một nhà đầu tư cổ phiếu tăng trưởng tại AllianceBernstein, những dự báo hiện tại mới chỉ là ước tính ban đầu dựa trên thông tin chưa đầy đủ. Tuy nhiên, báo cáo thu nhập của Nvidia trong tuần trước đã giúp trấn an Phố Wall rằng nhu cầu chip AI có vẻ sẽ duy trì mạnh mẽ ít nhất là trong năm nay và cho đến tận năm 2025.

Biên lợi nhuận của Nvidia tăng trưởng lên những con số "trong mơ"

Dự báo của Nvidia cho quý hiện tại vượt xa kỳ vọng. Mặc dù không đưa ra dự báo dài hạn, nhưng các giám đốc điều hành của công ty cho biết nguồn cung các sản phẩm trong năm nay sẽ hạn chế, ngay cả khi nhu cầu đối với chip hiện có vẫn tiếp tục tăng cao - đây dường như là một dấu hiệu cho thấy cung khó có thể đáp ứng đủ cầu.

Ngoài ra, nhu cầu đối với chip của Nvidia có thể bền vững hơn so với lo ngại của một số người. Ông Huang tiết lộ rằng 40% doanh thu trung tâm dữ liệu của công ty trong quý gần nhất đến từ mảng AI Inference - tức là sử dụng các mô hình AI để giải quyết vấn đề, thay vì đào tạo mô hình - đây là điểm khác biệt tạo ra sự thống trị của Nvidia trong lĩnh vực AI.

Điều này cũng đã giải quyết một mối lo ngại thường trực về Nvidia, rằng chip đắt tiền của họ sẽ không thu hút đủ nhu cầu trong AI Inference, nơi mà trong quá khứ đòi hỏi các bộ chip xử lý không quá mạnh mẽ. Đồng thời, các lo ngại về việc Nvidia sẽ chững lại kể từ sau 2025 trong mảng đào tạo AI cũng tan biến. Tuy nhiên, bản chất cốt lõi cho tăng trưởng bền vững của các cơ sở hạ tầng trang thiết bị liên quan tới AI sẽ phụ thuộc nhiều vào việc khách hàng sử dụng nó để tăng doanh thu hoặc nâng cao hiệu suất làm việc - có thu được giá trị tương xứng với chi phí bỏ ra hay không.

Nvidia’s headquarters in Santa Clara, California

Hầu hết các công ty mới chỉ bắt đầu thử nghiệm Generative AI trong doanh nghiệp của họ hoặc đang tìm cách giải quyết các vấn đề mà công nghệ này đặt ra. Theo lời của Stacy Rasgon, một nhà phân tích chip tại Bernstein: "Nếu khoản đầu tư này không mang lại lợi nhuận thì sao?"

Giới công nghệ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp kỳ vọng dành cho một công nghệ mới vượt xa thực tế. Vào đầu những năm 2000, Cisco đã từng vươn lên vị trí công ty có giá trị nhất thế giới chỉ trong thời gian ngắn khi nhu cầu về thiết bị cáp quang để xử lý lưu lượng truy cập internet tăng vọt.

Tuy nhiên, công nghệ này ban đầu không tạo ra sự bùng nổ kinh doanh như dự kiến, dẫn đến tình trạng phá sản của các công ty viễn thông và giá cổ phiếu của Cisco giảm gần 90%. Vào giai đoạn đầu của sự bùng nổ Generative AI, có ít nhất một số dấu hiệu cho thấy lịch sử công nghệ lần này sẽ diễn biến khác. Rasgon, một nhà phân tích chip nhận định: "Vào những năm 1990, cáp quang được lắp đặt ngầm trước cả khi cần thiết. Còn chip AI thì không như vậy, chúng không cần lưu trữ trong kho hàng."
Thay vào đó, nhu cầu chip để đào tạo và chạy các mô hình ngôn ngữ lớn đang vượt xa nguồn cung. Điều này khiến nhiều nhà phát triển gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần cứng cần thiết.

Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ hiện tại cũng ít bị thổi phồng hơn nhiều so với thời kỳ đầu của Internet. Vào đỉnh điểm của bùng nổ internet, cổ phiếu của Cisco được giao dịch ở mức cao gấp khoảng 200 lần thu nhập của công ty. Ngược lại, cổ phiếu của Nvidia giao dịch ở mức khoảng 32 lần lợi nhuận dự kiến cho năm sau trước khi họ công bố kết quả kinh doanh - mức hệ số gần như không thay đổi, ngay cả khi giá cổ phiếu Nvidia và dự báo thu nhập của nhiều nhà phân tích đều tăng.
Mức định giá này vẫn nằm trong phạm vi định giá lịch sử của Nvidia.

Tuy nhiên, điều này có thể không giúp ích gì nhiều nếu nhu cầu cho thiết bị AI lắng xuống - hoặc nếu các đối thủ bắt đầu đuổi kịp Nvidia. Khi đó giá cổ phiếu có thể giảm mạnh. Những kẻ thách thức đã bắt đầu xuất hiện. Ba “gã khổng lồ” điện toán đám mây - Microsoft, Amazon và Google - đang muốn chuyển từ khách hàng của Nvidia thành đối thủ cạnh tranh; cả ba đều đã thiết kế chip của riêng họ.

Đồng thời, các đối thủ trong ngành cũng đang bắt đầu đuổi kịp hiệu suất của các chip tiên tiến nhất của Nvidia. AMD đã tung ra chip thế hệ mới được đánh giá ngang bằng hoặc vượt trội hơn so với chip tương tự của Nvidia. Thị trường đang khao khát có thêm sự cạnh tranh, dù chỉ là để kiềm chế mức giá cao ngất ngưởng mà Nvidia đang áp dụng - một lợi thế đã giúp họ tăng biên lợi nhuận gộp từ 57% lên 73% trong năm ngoái. Nhà phân tích chip Moorhead cho biết: "Các ‘gã khổng lồ đám mây’ muốn có thêm lựa chọn về nguồn cung. Họ sẽ chuyển một phần hợp đồng kinh doanh cho AMD và một phần cho Intel. Họ muốn có một cuộc đua tam mã.”

Attendees at an industry event last year examine AMD products.

Tuy nhiên, hiện tại, với sự bùng nổ AI đang diễn ra sôi động, vị thế của Nvidia vẫn vững chắc hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, AMD chỉ đặt mục tiêu bán 3.5 tỷ USD chip AI trong năm nay. Rasgon nói, ngay cả khi vượt qua con số đó, mảng kinh doanh AI của họ vẫn chưa là gì so với doanh số bán hàng của Nvidia cho các khách hàng trung tâm dữ liệu, được Phố Wall dự kiến sẽ lên tới 100 tỷ USD. Trong khi đó, chip do chính các công ty điện toán đám mây lớn sản xuất có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Nvidia khi họ tự đảm nhận nhiều công việc huấn luyện các mô hình AI của riêng mình hơn. Tuy nhiên, ít nhất là trong ngắn hạn, điều này có thể không gây ra tác động đáng kể.

Nhiều khách hàng của các công ty điện toán đám mây vẫn yêu cầu được tiếp tục sử dụng chip Nvidia. Nhiều năm nghiên cứu để tạo ra các công cụ và khung giúp lập trình chip Nvidia cho các tác vụ cụ thể dễ dàng hơn, điều này đã tạo ra một quán tính khó phá vỡ. Ngay cả khi các đối thủ cố gắng đạt được hiệu suất tương đương với một số sản phẩm riêng lẻ của Nvidia, thì không công ty nào có thể sánh được với hệ sinh thái chip, hệ thống và công cụ phần mềm đa dạng mà Nvidia đã xây dựng.

Theo Moorhead, tổng thể các công nghệ của Nvidia tạo thành một nền tảng AI mạnh mẽ khiến nhiều khách hàng sẽ ngần ngại chuyển đổi sang nền tảng khác. Vậy là ít nhất trong năm 2024, Nvidia có vẻ sẽ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu. Nhưng xét đến quy mô tiềm năng của thị trường AI, cùng với nguồn lực và tham vọng của các gã khổng lồ công nghệ đang tìm cách chiếm lấy thị phần, Nvidia sẽ phải nỗ lực rất nhiều để duy trì vị thế đó.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

USD tăng mạnh sẽ có ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi

Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến gần đây đã đẩy lùi những kỳ vọng hạ lãi suất của Fed và đẩy khiến giá trị đồng USD gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD có thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và đặc biệt là tại thị trường Châu Á. Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ phân tích những ảnh hưởng của một đồng USD mạnh mẽ.
Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Bàn luận về những sự kiện của thị trường crypto trong tuần qua

Sự kiện Bitcoin halving lần thứ tư được mong đợi đã diễn ra vào ngày 19/4. Trong khi BTC không ghi nhận những thay đổi về giá, phí giao dịch đã trải qua sự biến động mạnh mẽ sau sự ra mắt của Runes. Tuần này chúng ta sẽ phân tích về tác động thị trường của Bitcoin halving, khối lượng giao dịch Uniswap sau khi tăng phí, cạnh tranh gia tăng ở các sàn giao dịch và việc Bitcoin không thể thu hút dòng vốn đang chảy vào các tài sản an toàn.
Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Cuộc tấn công của Iran có thật sự ảnh hưởng đến giá dầu

Tuần trước chứng kiến cuộc tấn công của Iran nhằm vào Isarel khiến cho giá dầu phản ứng bằng cách tăng 3.5%. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của cuộc xung đột có tạo ra những áp lực đủ lớn lên thị trường dầu mỏ hay không? Bài viết dưới đây của chuyên gia Bloomberg sẽ làm rõ vấn đề này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ