BOJ giữ nguyên chính sách tiền tệ, đồng Yen giảm mạnh

BOJ giữ nguyên chính sách tiền tệ, đồng Yen giảm mạnh

Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

10:17 19/12/2023

Ngân hàng Nhật Bản tiếp tục lựa chọn ở lại với chính sách lãi suất âm trong cuộc họp sáng nay, và không đưa ra định hướng nào về việc liệu họ có thể loại bỏ chính sách này vào năm tới. Đồng yên giảm mạnh sau quyết định này

Sáng nay, BoJ đã tuyên bố giữ lãi suất điều hành ở mức -0.1% và duy trì kiểm soát đường cong lợi suất trong một quyết định vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày. Định hướng tiếp theo về chính sách không thay đổi và không có tham chiếu cụ thể nào gợi ý về triển vọng tăng lãi suất.

Thống đốc Kazuo Ueda quyết định tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng để xác nhận rằng tăng trưởng lương của người lao động sẽ góp phần vào lạm phát bền vững. Tuy nhiên, việc BoJ giữ nguyên lãi suất sẽ không dập tắt được suy đoán rằng việc tăng lãi suất sớm hay muộn sẽ xảy ra, và tháng 4 được coi là lựa chọn khả dĩ nhất.

Các nhà đầu tư sẽ phân tích kỹ ngôn từ của Ueda khi ông phát biểu trước báo chí vào thứ Ba tuần sau để tìm ra những gợi ý liên quan tới thời điểm tăng lãi suất

BOJ không thay đổi định hướng của mình, cho biết kỳ vọng lạm phát đã tăng vừa phải và họ sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ một cách kiên nhẫn. Cơ quan này điều chỉnh đánh giá về tiêu dùng, cho biết tiêu dùng cá nhân tiếp tục tăng vừa phải.

Đồng Yen suy yếu khiến tỷ giá USD/JPY tăng hơn 100 pip, từ 142.64 lên 143.78 sau tin

Động thái này phản ánh sự thất vọng từ một số người dự đoán rằng BOJ sẽ gây bất ngờ cho thị trường bằng một đợt tăng lãi suất hoặc một tín hiệu rằng họ sẽ thắt chặt sớm. Đồng tiền của Nhật Bản trước đó đã chạm mức cao nhất trong 4 tháng sau khi Fed báo hiệu sẽ chuyển hướng chính sách vào năm 2024, giúp giảm bớt một phần áp lực lên Ueda, người đã phải đối mặt với nguy cơ đẩy đồng Yen xuống mức thấp mới trong ba thập kỷ.

David Forrester, chiến lược gia ngoại hối cấp cao, Chi nhánh Credit Agricole CIB Singapore, cho biết: “Có một số đồn đoán rằng BoJ có thể điều chỉnh ngôn từ của mình ngày hôm nay để chuẩn bị cho sự thay đổi chính sách trong những tháng tới. Tuy nhiên ngân hàng này đã giữ nguyên mọi thứ, làm cho việc thị trường định giá sự kết thúc của chính sách lãi suất âm trở nên hơi quá khích, và điều này đang đè nặng lên JPY.”

Động thái dovish của Fed có thể gây thêm áp lực lên Ueda, vì một số nhà quan sát BoJ cảm thấy điều đó thu hẹp khả năng BoJ bình thường hóa chính sách. Nếu việc chấm dứt lãi suất âm của BOJ khiến đồng Yên mạnh hơn đáng kể, nó sẽ đưa áp lực giảm phát trở lại nền kinh tế. Việc dừng lãi suất âm khi các ngân hàng trung ương khác đang bắt đầu nới lỏng chính sách cũng có thể gây ra nhiều biến động hơn trên thị trường.

Mặt khác, nếu Fed cố gắng tạo ra một cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ, điều đó sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng toàn cầu, giúp ích cho BoJ.

Trong những tuần gần đây, các quan chức BoJ đã làm dấy lên suy đoán về việc kết thúc lãi suất âm trong thời gian ngắn bằng những bình luận của họ.

Cụ thể, bình luận lạc quan của Phó Thống đốc Ryozo Himino về tác động có thể xảy ra của việc tăng lãi suất đã xuất hiện trong một bài phát biểu vào ngày 6 tháng 12. Ueda nói với các nhà lập pháp rằng công việc của ông sẽ trở nên “thách thức hơn” vào cuối năm, trước khi ông gặp Thủ tướng Fumio Kishida, người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh chính sách.

Kishida bị lôi kéo vào tình trạng hỗn loạn chính trị tồi tệ nhất của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ sau khi vụ bê bối tài trợ bao trùm phe lớn nhất trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông. Bốn bộ trưởng nội các đã từ chức vào tuần trước, càng làm bất ổn thêm cho vị thế của thủ tướng. Trong một cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ chính phủ Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Sự bất ổn chính trị này có thể bổ sung thêm lý do cho việc BoJ giữ chính sách hiện tại lâu hơn. Nếu Ueda định tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007, có lẽ ông sẽ muốn làm điều đó khi chính phủ có đủ khả năng phối hợp. Trong quá khứ đã từng có trường hợp ngân hàng trung ương thực hiện chính sách ngược với quan điểm của chính phủ, và cuối cùng bị phản đối và thất bại.

Nền kinh tế Nhật Bản chịu sự suy thoái sâu nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch vào quý trước, một phần do chi tiêu tiêu dùng yếu. Với mức tăng trưởng lương không theo kịp lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục suy yếu dưới mức trước Covid. Thước đo mức tăng giá tiêu dùng đã duy trì trên mục tiêu 2% của BOJ kể từ tháng 4 năm 2022.

Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng lương vào năm tới để thúc đẩy vòng quay giá-tiền lương lành mạnh. Kết quả ban đầu của các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân diễn ra vào tháng 3, và đây là lý do chính khiến hơn một nửa số nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự báo lãi suất sẽ tăng vào tháng 4.

Thống đốc Ueda sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào buổi chiều để giải thích chi tiết về suy nghĩ đằng sau các quyết định hôm nay. Các nhà đầu tư sẽ hết sức chú ý tới các dấu hiệu thay đổi trong ngôn từ của ông, có khoảng 15% nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ tăng vào tháng tới. Cuộc họp bắt đầu lúc 3:30 chiều giờ Tokyo.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ