JPMorgan: Giá dầu dễ lên 120 - 150 USD/thùng nếu căng thẳng Nga - Ukraine leo thang

JPMorgan: Giá dầu dễ lên 120 - 150 USD/thùng nếu căng thẳng Nga - Ukraine leo thang

15:38 10/02/2022

Giá dầu có thể lên 120 - 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng bởi căng thẳng với Ukraine.

Theo dự báo của JPMorgan, giá dầu có thể lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng bởi căng thẳng với Ukraine. Nói cách khác, nếu xảy ra thì việc Nga - Ukraine đụng độ quân sự sẽ gây hiệu ứng sóng trên diện rộng khiến người tiêu dùng vốn đang mệt mỏi vì lạm phát trên toàn thế giới sẽ càng thêm đau đầu.

“Trong bối cảnh công suất dự phòng ở các khu vực khác đang thấp, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy dầu từ Nga đều có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng”, Natasha Kaneva, giám đốc chiến lược hàng hoá toàn cầu của JPMorgan, cho hay.

Mức tăng đột biến như vậy từ mức khoảng 91 USD hiện nay sẽ khiến giá xăng tại Mỹ tiếp lục lên cao sau khi chạm đỉnh 7 năm mới vào ngày 9/2.

JPMorgan cảnh báo rằng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa, giá dầu Brent có thể vọt lên 150 USD/thùng. Mức giá cao nhất mọi thời đại của dầu được thiết lập vào tháng 7/2008, khi giá dầu Brent lên kỷ lục 147,5 USD/thùng.

Căng thẳng Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao trong vài tuần gần đây. Giá dầu Brent lên cao nhất 7 năm ở 94 USD/thùng vào đầu tuần này trước khi giảm dần về mức 91 USD/thùng hiện nay.

Nga là nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Nước này đóng vai trò chủ chốt tại OPEC+, nhóm quốc gia sản xuất dầu lớn đang tìm cách tăng sản lượng trở lại hậu Covid-19.

Vì vậy, cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine sẽ gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ.

Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực.

Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể tìm cách trừng phạt Nga bằng cách làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này dù các quan chức Mỹ từng đánh tín hiệu ưu tiên trừng phạt các lĩnh vực khác của nền kinh tế trước. Và sau đó, để đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể vũ khí hoá xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Điều này sẽ gây gián đoạn lớn ở châu Âu, nơi mà nhu cầu dầu có thể tăng lên khi khí đốt ngày càng đắt đỏ, khiến các nhà máy sản xuất và nhà máy điện chuyển sang sử dụng dầu.

Giá dầu đã “hạ nhiệt” một chút trong vài ngày gần đây khi thị trường kỳ vọng căng thẳng Nga – Ukraine có thể được xoa dịu cũng như thoả thuận hạt nhân Iran mới có tiến triển.

Trong khi đó, giá xăng, vốn biến động chậm hơn so với dầu, đang dần bắt kịp đà tăng của nhiên liệu hoá thạch này. Theo AAA, giá xăng trung bình ở Mỹ chạm 3,47 USD/gallon vào ngày 9/2, tăng 7 US cent trong một tuần qua.

Bất chấp bế tắc Nga – Ukraine, bộ phận dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng giá năng lượng sẽ hạ nhiệt vào cuối năm nay khi nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngoài dầu mỏ, Nga cũng là nước sản xuất khí đốt lớn của thế giới và khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu, nền kinh tế đang vật lộn vì chi phí nhiên liệu lên cao.

“Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt ở bất kỳ đường ống dẫn nào cũng có thể khiến cán cân khí đốt ở châu Âu rơi vào tình trạng bấp bênh, đặc biệt là khi tồn kho khí đốt ở châu Âu vào đầu 2022 đã ở mức thấp kỷ lục”, JPMorgan cho hay.

Link gốc tại đây.

Theo NDH

Broker listing

Cùng chuyên mục

Nguồn cung cà phê từ Việt Nam tiếp tục giảm
Nam Bình

Nam Bình

Junior Editor

Nguồn cung cà phê từ Việt Nam tiếp tục giảm

Nguồn cung cà phê robusta toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nữa do tình trạng nắng nóng đe dọa đến hoạt động sản xuất tại Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu - cùng với thiệt hại gia tăng do nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ