Giới đầu cơ và nhà buôn 'lãi đậm' nhờ giá hàng hóa tăng mạnh

Giới đầu cơ và nhà buôn 'lãi đậm' nhờ giá hàng hóa tăng mạnh

12:08 30/06/2021

Kiếm tỷ USD từ "sóng" tăng giá hàng hóa nguyên liệu sau dịch, giới đầu cơ và nhà buôn lạc quan rằng thị trường vẫn còn nhiều cơ hội.

Doug King thành lập quỹ đầu cơ của mình trong những ngày đầu của chu kỳ "siêu hàng hóa" vào năm 2004. Đó là thời điểm hoàn hảo khi nhu cầu của Trung Quốc tăng vọt khiến giá cả mọi thứ, từ dầu đến đồng, lên mức cao kỷ lục. Các nhà đầu tư đổ xô vào lĩnh vực giao dịch hàng hóa. Vào thời đỉnh cao, Merchant Commodity Fund của ông quản lý khoảng 2 tỷ USD.

Nhưng sự bùng nổ đã kết thúc đột ngột sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự khởi đầu của cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ. Giá cả lao dốc, các tổ chức lớn rút tiền ra và nhiều quỹ đầu cơ chuyên nghiệp đóng cửa.

Hơn thập kỷ nhanh chóng trôi qua và Doug King lại đứng trước một trong những cơ hội tốt nhất đời mình. Sự bùng nổ của giá hàng hóa trên diện rộng đã giúp quỹ đầu cơ của ông tăng trưởng gần 50% trong năm nay. Mọi người quay lại kiếm tiền trong thị trường giao dịch hàng hóa.

"Chúng ta đang phải đối mặt với một cú sốc lạm phát do chênh lệch cung cầu. Có rất nhiều nhu cầu bị dồn nén và mọi người đều muốn mua mọi thứ ngay bây giờ", King nói.

Phố Wall cũng để ý hơn đến thị trường hàng hóa. Hội nghị nhà đầu tư Robin Hood hàng năm, tập hợp những người sáng lập quỹ đầu cơ như Paul Tudor Jones, Stanley F. Druckenmiller hay Ray Dalio, đã thảo luận về hàng hóa vào đầu tháng 6, lần đầu tiên ít nhất sau 5 năm họ nói về thị trường nguyên liệu.

Jeff Currie, Chuyên gia đứng đầu về nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs Group tin rằng, thị trường hàng hóa sẽ tăng trong dài hạn, bất chấp việc bán tháo kim loại và ngũ cốc gần đây. Theo ông, vẫn còn chỗ để đầu tư nhiều hơn vào thị trường này.

"Thị trường hàng hóa đang thịnh hành trở lại. Nhưng cho đến nay, sự phấn khích về giá cao ngất trời vẫn chưa thu hút được dòng tiền mà lĩnh vực này đã khai thác được trong giai đoạn bùng nổ 2004-2011", Jeff Currie đánh giá.

Kho ngô của Cargill ở Ukraine. Ảnh: Bloomberg.

Kho ngô của Cargill ở Ukraine. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi giới đầu cơ còn thận trọng thì những nhà đầu tư, nhà buôn đã thật sự đổ tiền vào đặt cược sự phục hồi sau dịch đã thắng lớn. Cargill, nhà kinh doanh nông sản lớn nhất thế giới đã kiếm được hơn 4 tỷ USD thu nhập ròng chỉ trong 9 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại. Con số này cao hơn so với bất cứ thu nhập ròng cả năm tài chính nào trong lịch sử của họ.

Hay Trafigura Group, nhà kinh doanh dầu độc lập lớn thứ hai trên thế giới, đạt hơn 2 tỷ USD lợi nhuận ròng trong 6 tháng tính đến cuối tháng 3/2021, gần bằng số tiền mà họ kiếm được trong suốt năm tốt nhất trước đó. "Các bộ phận kinh doanh cốt lõi của chúng tôi đang bùng nổ", Jeremy Weir, CEO Trafigura nói.

Lần đầu tiên kể từ những năm trước khủng hoảng 2008, sự bùng nổ giá hàng hóa đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương đang lo lắng về lạm phát. Vật giá leo thang cũng sẽ có tác động chính trị. Với giá dầu trở lại 75 USD mỗi thùng, Saudi Arabia và Nga đang trở lại vị trí dẫn dắt thị trường năng lượng toàn cầu - một sự trở lại đáng chú ý từ mức giá âm chỉ hơn một năm trước.

Trung Quốc vốn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô để cung cấp cho hàng triệu nhà máy và địa điểm xây dựng. Họ lo ngại đến mức chính phủ đã cố gắng ép giá thấp hơn, răn đe tình trạng đầu cơ và giải phóng các kho dự trữ chiến lược.

Động thái của nước này thật sự có hiệu quả ở một mức độ nào đó. Giá đồng hạ nhiệt và mất toàn bộ mức tăng trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa nói chung vẫn nóng. Giá quặng sắt đang ở mức gần kỷ lục. Giá thép của Mỹ đã tăng gấp ba lần trong năm nay. Than đá đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm. Ngay cả sau đợt giảm giá gần đây, Bloomberg Commodities Spot Index, thước đo 22 giá nguyên liệu thô, đã tăng 78% so với tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu.

Và dầu thô, mặt hàng quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục tăng khi thế giới thoát ra khỏi tình trạng đóng cửa và liên minh OPEC + không tăng cung. Giá dầu Brent tăng 45% trong năm nay, khiến các nhà giao dịch và các ngân hàng Phố Wall bàn luận lại về khả năng giá vượt ngưỡng 100 USD mỗi thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Ban đầu, Covid-19 là một tin xấu đối với nhu cầu hàng hóa. Thế giới rơi vào tình trạng bế tắc, du lịch lao dốc và các nhà máy đóng cửa. Giá của tất cả mọi thứ, từ dầu mỏ đến đồng giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái. Nhưng sau vài tháng đầu tiên, thế giới bắt đầu đi lại và mô hình tiêu dùng thay đổi theo hướng ưa chuộng hàng hóa.

Để đánh giá đúng những gì đã xảy ra, điều quan trọng là hiểu được mối quan hệ điển hình giữa nhu cầu hàng hóa và của cải. Nói chung, các nước nghèo tiêu thụ ít nguyên liệu thô vì phần lớn chi tiêu được dành cho các nhu cầu cơ bản, như thực phẩm và chỗ ở.

Một bãi chưa thép ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Một bãi chứa thép ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Nơi thường thu mua nhiều hàng hóa là các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 4.000 đến 18.000 USD - mức mà Trung Quốc đạt được đầu những năm 2000. Ở mức thu nhập đó, các gia đình có tiền để mua ôtô, đồ gia dụng và các hàng hóa khác đòi hỏi nhiều nguyên liệu thô. Các nước này cũng xây dựng đường sắt, đường cao tốc, bệnh viện và các hạ tầng công cộng khác.

Với các nước thu nhâp đầu người trên 20.000 USD, nhu cầu hàng hóa bắt đầu hạ nhiệt khi dân số giàu hơn. Họ dành của cải cho các dịch vụ như giáo dục, y tế và giải trí tốt hơn. Nhưng đại dịch đã thay đổi những động lực đó. Nhiều gia đình phải ở nhà nên chuyển chi tiêu từ dịch vụ sang hàng hóa. Vì vậy, từ khi có Covid-19, người tiêu dùng Âu, Mỹ cũng thay đổi thói quen chi tiêu, trở nên giống với những nước mới nổi. Họ mua nhiều mọi thứ vật chất, từ xe đạp đến tivi.

Với giới giao dịch đầu cơ, nhà đầu tư hay nhà buôn, điều quan trọng hiện tại là tính toán "tuổi thọ" của đợt tăng giá hàng hóa này. Một số người tin rằng giá sẽ còn neo ở mức cao vì có hạn chế về nguồn cung. Tức là, nguồn cung khó lòng cải thiện đáng kể để thị trường trở lại trạng thái cân bằng.

Có hai cơ sở cho lập luận này. Thứ nhất, các công ty đang chịu áp lực từ cổ đông và tòa án trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm sản xuất các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt. Thứ hai, các cổ đông cũng đang yêu cầu nhận cổ tức cao hơn. Do đó, các công ty còn lại ít tiền hơn để mở rộng hoạt động khai khoán.

Tác động của những lực lượng đó đã được thể hiện rõ ràng ở một thị trường hàng hóa, nơi các công ty đã ngừng đầu tư vào nguồn cung mới từ vài năm trước. Lấy ví dụ về nhiệt điện than. Các công ty khai thác đã cắt giảm chi tiêu ít nhất kể từ năm 2015. Điều này khiến lúc nhu cầu tăng lên, giá than tăng lên mức chưa từng thấy trong 10 năm, vì cung không tăng.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với quặng sắt, nơi giá tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào đầu năm nay. Tiếp theo có khả năng là dầu mỏ, nơi các công ty đang cắt giảm chi tiêu đáng kể. "Đây là sự khởi đầu của một chu kỳ bùng nổ - không phải là sự đột biến nhất thời", Doug King, bình luận.

Link gốc tại đây.

VnExpress tổng hợp theo Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ