Giá ngô bật tăng mạnh trước báo cáo bán hàng vượt trội của Mỹ

Giá ngô bật tăng mạnh trước báo cáo bán hàng vượt trội của Mỹ

11:47 11/03/2022

Giá các hợp đồng tương lai có diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Giá ngô đột ngột tăng cao
Giá ngô đột ngột tăng cao

Diễn biến thị trường ngày 10/03

Việc các tổ chức địa phương và quốc tế cắt giảm sản lượng tại khu vực Nam Mỹ đã giúp giữ chân giá ngô và đậu tương không giảm điểm, thậm chí giá ngô còn có mức tăng điểm ấn tượng, song giá lúa mì tiếp tục chứng kiến thêm một phiên mà phe bán chiến thắng áp đảo phe mua. Giá lúa mì đang tìm lại điểm cân bằng cung cầu, vốn đã bị chiến sự đẩy đến các hành động mua quá mức. Giá dầu thô tiếp tục suy giảm trước các động thái của nhóm OPEC. Giá đường vẫn giữ được sắc xanh nhờ vào các lực mua kỹ thuật.

Thông tin chung

1. Brazil đang đề xuất loại trừ phân bón đối với bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga. Theo dữ liệu từ OEC, Brazil là quốc gia nhập khẩu hàng dầu phân bón (các loại), với 85% phân bón dùng trong nước là hàng nhập khẩu, phần lớn trong số đó được nhập từ Nga.

2. Bà Lagarde – chủ tịch ECB cho rằng mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc chiến, các triển vọng trong thời gian tới là không chắc chắn. Bên cạnh đó bà cũng nhấn mạnh rằng mức tăng trong Q1 sẽ có phần yếu, chi phí năng lượng khiến cho lạm phát tại khu vực tăng 3.1% trong tháng 2 và giá sẽ tăng hơn nữa. Các thước đo lạm phát đều ghi nhận lạm phát đã cao hơn 2%.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow và Kyiv không tạo ra bước đột phá nào trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

4. Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm thứ Năm, lạm phát của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 7.9% vào tháng 2, khi xung đột của Nga vào Ukraine đã đẩy giá năng lượng lên cao hơn rất nhiều. Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đã hy vọng về mức đỉnh điểm của lạm phát so với năm trước vào mùa xuân này khi các chuỗi cung ứng giảm tải sau những gián đoạn liên quan đến đại dịch và Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu một loạt các đợt tăng lãi suất dự kiến vào tuần tới. Nhưng xung đột bùng nổ đã làm tăng giá dầu, lúa mì và kim loại quý, đe dọa lạm phát cao hơn trong thời gian dài. CPI lõi (Core CPI), không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng nhẹ hơn 0.5% lên mức 6.4% hằng năm, con số này nằm trong vùng dự kiến của thị trường.

Lịch sự kiện

Phân tích kỹ thuật

1. Nhóm năng lượng

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm của Mỹ kêu gọi các công ty năng lượng trong nước tăng cường sản xuất dầu và khí đốt khi thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraine. “Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp và chúng ta phải tăng nguồn cung ngắn hạn một cách có trách nhiệm ở những nơi có thể ngay bây giờ để ổn định thị trường và giảm thiểu thiệt hại cho các gia đình Mỹ,” bà nói hôm thứ Tư tại cuộc hội thảo CERAWeek của S&P Global.

Sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết họ ủng hộ việc tăng sản lượng vào tối qua, Các quan chức OPEC khác cho biết vào cuối ngày thứ Tư rằng họ đã rất ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột trong chiến lược của UAE và rằng họ đã không được tham khảo ý kiến. UAE cũng không cho biết thêm họ đã sẵn sàng hành động đơn phương bên ngoài thỏa thuận đã ký năm ngoái với Nga và các nhà sản xuất dầu khác. Trong hiệp ước đó, OPEC, Nga và các nước khác đã đồng ý nâng sản lượng chung lên 400,000 thùng/ngày mỗi tháng.

Ả Rập Saudi và UAE là hai nước sản xuất dầu duy nhất trên thế giới đang sản xuất dưới công suất của họ mà có khả năng tăng sản lượng lên một triệu thùng/ngày hoặc hơn để giảm giá dầu. Công suất dư thừa của UAE là khoảng 1 triệu thùng một ngày trong khi Ả Rập Xê Út là khoảng 2 triệu thùng một ngày.

Đánh giá: Tiêu cực

2. Đậu tương

Giá đậu tương trong phiên giao dịch ngày 10/03 vẫn giữ được sắc xanh do triển vọng nguồn cung vẫn còn thắt chặt tại khu vực Nam Mỹ. Ngoài mức cắt giảm ước tính sản lượng đậu tương trong báo cáo WASDE thì các tổ chức địa phương tại Argentina (BAGE) và Brazil (CONAB) cũng lần lượt cắt giảm sản lượng ước tính cho vụ 2021/22. Mặt khác giá còn được hỗ trợ mạnh bởi doanh số bán hàng đậu tương kết thúc tuần 03/03 của Mỹ, tăng 157% so với tuần trước, trong đó Trung Quốc là động lực chính khi quốc gia này đang cố gắng thu mua bổ sung cho kho dự trữ đang ở mức thấp nhất kể từ làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19.
CONAB đã cắt giảm ước tính vụ mùa đậu tương Brazil thêm 2.7 triệu tấn so với tháng trước xuống còn 122.8 triệu tấn. Con số này giảm 3.3% so với mức 127 triệu tấn được từ USDA. Xuất khẩu không đổi 80.2 triệu tấn. Trong khi đó BAGE của Argentina cắt giảm 500 nghìn tấn xuống còn 40 triệu tấn.

Về tiến độ cây trồng, BAGE tại Argentina cho biết mưa tiếp tục cung cấp các điều kiện thủy lợi tốt cho vụ đậu tương với 75% trong số 16.3 triệu ha được báo cáo là trong điều kiện đủ/tối ưu. Đánh giá tỷ lệ cây trồng ở mức 30% từ tốt đến xuất sắc. Tại Brazil dự kiến mưa sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới đối với Mato Grosso, tại Parana dự kiến có thể kéo dài đến tuần đầu tiên của tháng 4.

Tổng tồn kho thương mại đậu tương Trung Quốc trong tuần ngày 06/03 giảm 140,000 tấn trong tuần xuống 2.94 triệu tấn. CNGOIC cho biết thêm khối lượng đậu tương nhập về gần đây bị thiếu hụt và nhiều nhà máy ép đậu phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động do thiếu đậu tương. Do đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch mở bán đấu giá 295,596 tấn đậu tương từ kho dự trữ nhà nước vào ngày 14/03

Đánh giá: Tích cực

3. Lúa mì

Mặc dù chiến sự tại khu vực xuất khẩu chính trên thế giới vẫn còn leo thang nhưng giá lúa mì đã giảm mạnh để tìm lại mức giá cân bằng với cung – cầu trên thị trường khi tuần qua có nhiều người mua cho rằng giá đang quá đắt và hủy đấu thầu. Mức bán hàng lúa mì Mỹ trong tuần 03/03 chỉ tăng nhẹ hơn 2%, không đủ tạo lực đỡ cho giá. Chính phủ Nga trong ngày hôm qua cho biết họ sẽ có động thái ngừng xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và ngô sang các quốc gia trong Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) trong thời gian từ 15/03 – 31/09. Việc này sẽ tiếp tục làm chậm xuất khẩu lúa mì của Nga, vốn đã ghi nhận sự chậm lại kể từ ngày khởi sự cuộc chiến 24/02.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - các quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới với nguồn cung chính phụ thuộc vào khu vực Biển Đen đã có phản ứng trước rủi ro gián đoạn nguồn cung. Các quốc gia này đã ra lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc (trong đó có lúa mì) và các hạt có dầu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Trong đó, Ai Cập tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu lúa mì và các sản phẩm thực phẩm khác bao gồm mì ống và đậu lăng trong tối đa ba tháng.

Trên thị trường tiếp tục ghi nhận nhu cầu thu mua lúa mì thực phẩm. Nhật Bản phát hành gói thầu mua 6 triệu giạ lúa mì thực phẩm chất lượng cao từ Mỹ, Canada và Úc. Algeria thu mua 25.7 triệu giạ lúa mì xay xát với nguồn gốc tùy chọn. Iran cũng mở thầu mua lúa mì xay xát từ châu Âu với 8.8 triệu giạ. Tunisia ghi nhận thu mua 4.6 triệu giạ lúa mì mềm.

Đánh giá: Tích cực

4. Ngô

Giá ngô trong phiên hôm qua tăng mạnh nhờ vào động lực chính từ việc cắt giảm sản lượng ước tính từ khu vực Nam Mỹ trong các báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (báo cáo WASDE), Argentina (BAGE) và Brazil (CONAB). Ngoài ra, giá tăng mạnh bởi ghi nhận mức bán hàng ngô vụ 2021/22 trong tuần kết thúc ngày 03/03 của Mỹ tăng rất mạnh ở mức 342% so với tuần trước. Trong đó ghi nhận mức tăng đóng góp từ việc bán sang các điểm đến giấu tên (800,000 tấn) và hoàn toàn có thể tin rằng đó chính là Trung Quốc khi nguồn cung chính của quốc gia này là Ukraine đang chật vật với chiến sự.

Tây Ban Nha cũng đang có những động thái trong việc vận động hành lang Ủy ban Châu Âu để có thể mua ngô từ Argentina trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ Ukraine.

Đối với ngô, BCR dự báo sản lượng Argentina ở mức 47.7 triệu tấn, giảm 300,000 tấn so với ước tính trước đó. Ước tính này thấp hơn 10% so với dự báo của USDA là 53 triệu tấn. Nhưng sàn giao dịch đã cảnh báo về sự chênh lệch sản lượng cao đo được trong các cây trồng trong khoảng 8% vụ mùa đã được thu hoạch cho đến nay, gấp đôi tốc độ thu hoạch cùng thời điểm năm ngoái. Những trận mưa dồi dào cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngô trồng muộn, hạn chế thiệt hại về cây trồng ở vành đai trung tâm của Argentina. Xuất khẩu ngô từ Argentina cho mùa vụ 21/22 được dự báo sẽ chiếm 19.5% xuất khẩu toàn cầu. Về tiến độ thu hoạch, tại Argentina đã đạt được 5.7% trong tuần 09/03, cao hơn mức trung bình 5 năm là 4.9%. Năng suất tiếp tục ghi nhận mức thấp ở các tỉnh Cordoba và Santa Fe. Xu hướng này dự kiến còn tiếp tục và ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng ngô.

Đánh giá: Tích cực


Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ