Quan điểm của Trader JPMorgan London

Quan điểm của Trader JPMorgan London

09:00 02/01/2020

JPMorgan, forex

EUR: Lần cuối cùng tôi đưa ra quan điểm về đồng Euro, thị trường đã chứng kiến thắng lợi gần như tuyệt đối của Đảng bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh. Mỹ và Trung Quốc cũng đang tiến tới thỏa thuận thương mại mà cả thế giới đang mong chờ. Tại thời điểm đó, tôi giữ quan điểm mang tính tích cực đối với Euro, và hôm nay cũng vậy. Tuy nhiên, kể từ đó cho tới nay, thị trường có vài sự kiện chúng ta cần lưu ý:(1) Các vị thế Long GBP đã chững lại và bị bán tháo sau khi Johnson quả quyết rằng tiến trình Brexit sẽ bị hoãn vô thời hạn, điều này dấy lên lo ngại về thỏa thuận thương mại giữa châu Âu và vương quốc Anh có thể gây sức ép lên đồng Euro.(2) Chỉ số Flash PMIs của Eurozone tháng 12 một lần nữa hoàn toàn không tạo được ấn tượng. Ở giai đoạn này, với những dữ kiện chúng ta đang có, thật khó để thấy một bước tiến lớn đối với đồng Euro. Chúng ta cần nhìn thấy những dữ liệu kinh tế tốt hơn nữa, hoặc thay đổi rõ ràng hơn về chính sách tài khóa. Tuy nhiên, chúng tôi tương đối lạc quan với Euro về mặt phân tích kỹ thuật. Đồng Euro đã đóng cửa năm 2019 một cách thoải mái trên vùng 1.1170/80 mà chúng tôi đã tham chiếu nhiều lần trong năm ngoái, điều này trùng khớp với các nội dung chúng tôi trao đổi với các khách hàng trong suốt tháng 12, cũng như hàng loạt dự báo cho thấy thị trường nghiêng về tâm lý lạc quan cho Euro năm nay. Tôi cảm thấy rằng, nếu không có nhân tố nào khác can thiệp, tâm lý tích cực với đồng tiền chung Châu Âu (cũng như tiêu cực đối với USD) sẽ tạo đòn bẩy tốt cho Euro ngay trong tháng 1. Mặc dù bất kỳ đà tăng nào của cặp EUR/USD chúng ta thấy hiện nay sẽ không tồn tại được lâu nếu dữ liệu kinh tế vẫn còn yếu, nhưng chúng tôi đã trong tư thế sẵn sàng để bắt sóng tăng của cặp tiền này. Trên biểu đồ EUR/USD, cặp tiền này đang tiến về 1.13 và có thể chạm mốc này trong tương lai gần. Nhận định này của tôi không hoàn toàn là một chiến lược vào lệnh rõ ràng, vì chúng ta đang ở giai đoạn kinh tế châu Âu chưa có nhiều khởi sắc. Trên thực tế, việc kết luận rằng Euro bất ngờ đảo chiều sau 18 tháng dài tuột dốc dễ đưa chúng ta vào ranh giới ảo tưởng nguy hiểm. Ở góc nhìn phản biện, nếu EUR/USD quay trở lại dưới mốc 1.1140/50, cặp tiền tệ này sẽ khó có cơ hội tăng tiếp ngay trong tháng 1. Vì vậy, chúng tôi sẽ theo dõi sát biến động của EUR/USD và thực hiện giao dịch một cách chiến thuật.

GBP: Sau 3 tuần biến động chóng mặt do hiệu ứng trước bầu cử, tăng lên 1.3516, giảm xuống 1.2900, và tiếp tục lên tới mốc 1.3280, cặp GBP/USD gần như đã quay lại nơi mà nó bắt đầu. Thật khó để có quan điểm lạc quan với GBP trong thời điểm đầu năm mới này, nhất là trong điều kiện tỷ giá GBP/USD biến động khó lường mặc dù thị trường có thanh khoản trở lại. Động lực của cặp GBP/USD hiện nay có thể đến từ phía đồng Dollar Mỹ nhiều hơn, bằng không tôi nghĩ chúng ta nên thận trọng với cặp tiền tệ này vào giai đoạn đầu năm 2020, khi phần lớn các vị thế đầu cơ trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng.

JPY: Chúng ta đang có một khởi đầu của năm 2020 khá thuận lợi với USD/JPY, khi tỷ giá này có màn chào năm mới tương đối an toàn (Nhật Bản vẫn đang nghỉ lễ năm mới), sau khi đồng USD chịu áp lực giảm do yếu tố chu kỳ trong đợt cuối năm 2019. USD/JPY chịu tác động giảm theo, đúng như các chiến lược gia của chúng tôi nhận định, yếu tố chu kỳ sẽ tiếp tục là nhân tố ủng hộ cho đà giảm của USD/JPY trong tháng 1. Hầu hết các tin tức kinh tế được đưa ra trong kỳ nghỉ lễ là tích cực, tuy nhiên chưa ai đánh giá chính xác nó có tác động như thế nào tới thị trường vốn thời gian gần đây, khi chỉ số S&P ở mức 3230 điểm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 1,95/2,00%. Như thường lệ, tôi nghĩ rằng các vị thế năm 2020 sẽ đi theo hướng Short USD, mặc dù điểm vào chưa quá lý tưởng; JPY chưa chắc là đồng tiền hưởng lợi chính từ các vị thế Short USD này, vì có thể ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ can thiệp nếu tỷ giá xuống quá sâu (một phần của chính sách Reflation). Tuy vậy, yếu tố chu kỳ đang là nhân tố chính và sẽ giúp chúng ta thoải mái hơn khi Short USD/JPY tại thời điểm này. Đích đến đầu tiên là vùng hỗ trợ 108.40/45, tiếp đó sẽ là 108.20/25, vùng kháng cự đang là 109,20 và lên cao hơn là 109,70/75.

CHF: Franc Thụy Sỹ đã vực dậy một cách đáng ngạc nhiên sau một vài tuần suy yếu giai đoạn cuối năm 2019. Tôi dùng từ “đáng ngạc nhiên” vì tâm lý thị trường cuối năm 2019 ở trạng thái “Risk On” và điều đó thường không tốt cho CHF. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá CHF/JPY có vẻ đang quá cao trong phiên giao dịch đầu năm mới. Tôi đồng ý với quan điểm này, và có thể cặp chéo này sẽ trở về trạng thái cân bằng trong vài phiên tới. Nhưng vì chúng tôi đang giữ nhiều trạng thái Short USD vào đầu năm, và chúng tôi ưu tiên trade qua cặp USD/JPY, nên quan điểm của tối với CHF là trung lập. Nếu thị trường cổ phiếu có khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay và tỷ giá EUR/CHF vẫn nằm trong vùng 1.08, Long cặp EUR/CHF có thể sẽ là chiến lược hiệu quả trong ngắn hạn. CHF đã tăng ngay trong tháng 12 vừa rồi, trong khi lợi suất trái phiếu và các cố phiếu có chỉ số Beta cao cùng tăng mạnh. Điều đó thể hiện mối tương quan giữa CHF và các tài sản rủi ro không còn chặt chẽ như trước đây, thêm vào đó, hai tuần cuối cùng của bất kỳ năm giao dịch nào cũng được biết đến với những động thái lạ phá vỡ các tương quan liên thị trường truyền thống. Chúng tôi giữ quan điểm trung lập với CHF vào giai đoạn đầu năm 2020, nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ đồng bạc này trong vài phiên đầu năm để đưa ra chiến lược hành động sớm. Về mặt kỹ thuật, nếu cặp EUR/CHF xuống dưới mốc 1.0800/20 trong điều kiện thị trường bình thường sau kỳ nghỉ lễ, có thể sẽ là một cú phá cản gây nhiều sự chú ý. Mặc dù vậy, việc cặp tỷ giá quay lại vùng 1.09 (sau khi loại bỏ các yếu tố rủi ro bất ngờ) có vẻ hợp lý hơn trong ngắn hạn. Ngoài ra, với cặp USD/CHF, vùng 0.9640/50 và 0.9765/75 là các mức giá quan trọng cần theo dõi.

Nhóm các đồng tiền hàng hoá (Commodities Currencies): Nhận định về hiệu ứng “Risk On” có thể sẽ kéo dài đang ngày càng hợp lý khi nhiều ngân hàng trung ưng toàn cầu đang tích cực nới lỏng tiền tệ, bảng cân đối kế toán đã nới rộng ra và nguồn tiền đang chờ để được bơm vào thị trường. Thị trường dường như muốn giao dịch đồng Dollar Mỹ thấp hơn so với mọi loại tài sản khác, điều này được thể hiện rõ ràng qua hành động giá và qua dữ liệu dòng tiền toàn cầu chúng tôi ghi nhận được trong tháng 12; Các quỹ phòng hộ và các nhà
quản lý tài sản đã bán ròng đồng Dollar với khối lượng lớn. Tuy nhiên vào năm ngoái, đồng Dollar trong nhóm G10 chỉ suy yếu trong thời gian ngắn và tôi lo rằng chu kỳ này sẽ tiếp tục trong năm nay. Để chứng tỏ phần nào cho lo ngại này của mình, có thể quan sát thấy các doanh nghiệp và tập đoàn vẫn đang mua vào USD số lượng lớn, và các đồng tiền khác trong nhóm G10 chưa có dấu hiệu tăng giá rõ ràng, trên quan điểm cá nhân của tôi. Thực tế cho thấy, nhóm các đồng tiền hàng hóa thường dễ bị tác động tiêu cực khi các ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ và số liệu kinh tế yếu kém. Nhưng về mặt kỹ thuật, chúng ta đang chứng kiến các cặp tiền hàng hóa đang phá các ngưỡng cản quan trọng (mốc 1.30 của USD/CAD, mốc 0.6900 của AUD/USD, mốc 0.6600 của NZD/USD) và tiến về chiều hướng bất lợi cho USD. Tôi hy vọng đồng Dollar Mỹ sẽ tiếp tục yếu đi so với các tài sản khác trong một vài tuần tới, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên bắt đầu tìm những vùng giá tốt để Long USD: Mốc 1,28 có thể là vùng support quan trọng của cặp USD/CAD, tương tự, chúng ta có các mốc kháng cự mạnh ở 0,7100 cho cặp AUD/USD và 0.6800 cho cặp NZD/USD.

(Dịch và tổng hợp bởi Tung Trinh - FMaster Team)

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ