Trung Quốc: kẻ hưởng lợi cuối cùng hay đang tự bắn vào chân mình?

Trung Quốc: kẻ hưởng lợi cuối cùng hay đang tự bắn vào chân mình?

17:15 29/05/2020

Những phản ứng dữ dội chống lại Trung Quốc do sự lây lan toàn cầu của virus Corona từ Vũ Hán đang tiếp tục leo thang vào những tuần gần đây. Và chính Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào lửa, minh chứng là vụ đàn áp pháp lý gần đây tại Hong Kong. Từ toan tính cung ứng thiết bị bảo hộ y tế nhằm đổi lấy lợi ích chính trị tới việc từ chối những cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus Corona, cho tới khi phần lớn các quốc gia ủng hộ cuộc điều tra này, các chiến lược “bắt nạt” này của Trung Quốc đã gây tổn hại cho đất nước.

Những phản ứng dữ dội có thể dẫn đến các hình thức trừng phạt của phương Tây, khi Trung Quốc tìm cách thay đổi "nhất quốc lưỡng chế" của Hong Kong bằng cách áp dụng luật an ninh quốc gia mới, vốn đã vấp phải sự phản đối quyết liệt qua các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rộng rãi. Nhìn rộng hơn, những động thái quá khích của chính phủ Trung Quốc đang kích động thái độ thù địch đến từ các nước láng giềng và trên toàn cầu tăng lên.

Nếu khôn ngoan, Trung Quốc vốn nên tìm cách sửa chữa những thiệt hại do đại dịch gây ra bằng cách thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, ví dụ như giảm nợ hoặc xóa nợ cho các nước thuộc nhóm dự án "Một vành đai, Một con đường" (Belt and Road Initiative) và hỗ trợ y tế cho các nước nghèo hơn mà không yêu cầu những lợi ích đổi lại. Tuy nhiên, thay vì thế, Trung Quốc đã hành động theo cách mà làm suy yếu lợi ích lâu dài của đất nước này.

Cho dù là do chính sách ngoại giao “Chiến lang” – được đặt tên theo một bộ phim, thì Trung Quốc đang gây ra loạt động thái đáng báo động trên toàn thế giới. Thêm nữa Trung Quốc còn tìm cách thu lợi từ đại dịch. Sau khi mua hết nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế vào tháng 1, Trung Quốc đẩy giá thiết bị y tế để trục lợi. Và những thiết bị y tế được xuất khẩu không đạt chuẩn hoặc gặp khiếm khuyết chỉ làm tăng thêm sự giận giữ trên toàn thế giới.

Trong khi đó Trung Quốc "đã làm tốt" trong việc đe dọa Úc vì đã khởi xướng ý tưởng về cuộc điều tra nguồn gốc virus Corona cấp quốc tế. Thông qua hoạt động thương mại, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu lúa mạch từ Úc và chặn hơn 1/3 lượng thịt bò xuất khẩu từ Úc sang Trung Quốc.

Trong khi Nhật Bản dễ dàng cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về thảm họa hạt nhân Fukushima 2011 - một cuộc thăm dò giúp nước này cải thiện quản trị an toàn - thì Trung Quốc lại quyết liệt phản đối bất kỳ cuộc điều tra nào về virus Corona, như thể đang che giấu điều gì đó. Trên thực tế, một số nhà phê bình Trung Quốc còn phản đối, cho rằng cuộc điều tra là sự phân biệt chủng tộc.

Nhưng một khi nghị quyết kêu gọi "đánh giá một cách vô tư, độc lập và toàn diện" về phản ứng toàn cầu đối với COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để tránh mất mặt ông Tập Cận Bình đành nói với hội nghị rằng Trung Quốc ủng hộ ý tưởng đánh giá toàn diện này. Vào phút cuối, Trung Quốc đồng tài trợ cho nghị quyết này, đã được phê duyệt mà không phản đối.

Tuy vậy, nghị quyết này lại phụ thuộc vào vị Giám đốc gây tranh cãi của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, để đưa ra đánh giá trong “thời điểm thích hợp nhất có thể”. Tedros, người đã bị buộc tội hỗ trợ che giấu nguồn gốc của COVID-19, có thể quyết định chờ đợi cho tới khi đại dịch “được kiểm soát”.

Thế giới sẽ không còn như trước sau thời gian trải qua cuộc khủng hoảng virus này. Các nhà sử học trong tương lai sẽ coi đại dịch là một bước ngoặt giúp định hình lại chính trị toàn cầu và tái cấu trúc mạng lưới sản xuất. Thực vậy, cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới thức tỉnh trước những mối đe dọa tiềm tàng xuất phát từ sự kìm kẹp của Trung Quốc đối với nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, và đã có các động thái để nới lỏng sự kiểm soát đó.

Cách tiếp cận của Trung Quốc khiến các quốc gia khác phải dè chừng, xa lánh những hàng hóa do Trung Quốc sản xuất và khiến các nhà đầu tư sợ hãi. Các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Nhật Bản đang cung cấp các khoản trợ cấp để thúc đẩy các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Quy tắc mới của Ấn Độ yêu cầu chính phủ phê duyệt trước bất kỳ khoản đầu tư nào đến từ Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt môi trường quốc tế khắc nghiệt nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào cuối những năm 1970, và có nguy cơ ảnh hưởng tới hình ảnh và lợi ích của quốc gia này. Hiệu ứng boomerang từ những động thái quá mức của chủ tịch Tập Cận Bình là dường như không thể tránh khỏi. Một đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc sẽ kéo theo sự suy yếu về vị thế toàn cầu của đất nước tỷ dân này và cản trở sự phát triển trong tương lai. Trong trường hợp này, việc giảm quyền tự trị của Hong Kong dưới sự thống trị của bóng ma COVID-19, có thể là giọt nước làm tràn ly.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trọng tâm toàn cầu 28/03: Giá dầu tăng trở lại khi thương mại toàn cầu khởi sắc

Trọng tâm toàn cầu 28/03: Giá dầu tăng trở lại khi thương mại toàn cầu khởi sắc

Ngày 28/3, tình hình khu vực Biển Đỏ căng thẳng nhưng hoạt động thương mại toàn cầu tăng tốc và giá dầu phục hồi nhẹ. Hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa được cải thiện, nhưng tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ tăng hơn dự kiến ​​và tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc chậm lại. Giá dầu thô Brent tìm thấy ngưỡng kháng cự gần 87 USD.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ