Ngành thép phương Tây 'phục hưng' nhờ giá thép cao kỷ lục

Ngành thép phương Tây 'phục hưng' nhờ giá thép cao kỷ lục

18:45 19/07/2021

Giá thép tăng bùng nổ trên khắp thế giới trong năm nay, phá kỷ lục này đến kỷ lục khác. Nhu cầu thép tăng vọt trong ngành công nghiệp đã thúc đẩy đà tăng giá với các nhà máy thép ở phương Tây đang căng sức nâng cao nguồn cung sau khi “ngủ đông” trong thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ngành thép phương Tây cũng được hưởng lợi nhờ các cường quốc thép như Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Ngành thép phương Tây hồi sinh

“Cách đây 6 tháng, nếu bạn hỏi tôi rằng về tầm nhìn tích cực nhất của tôi đối với ngành thép trong nửa đầu năm 2021, tôi không nghĩ rằng tình hình sẽ tốt đẹp như hiện nay”, Carlo Beltrame, Giám đốc quốc gia phụ trách thị trường Romania và Pháp của Công ty thép AFV Beltrame (Ý), nói trong cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg. AFV Beltrame đang lên kế hoạch đầu tư 250 triệu euro để xây dựng một nhà máy thép ở Romania với công suất 600.000 tấn/năm.

Sự lạc quan đó trái ngược với bức tranh ảm đạm của ngành thép cách đây một thập niên khi các doanh nghiệp sản xuất thép phương Tây đóng cửa các nhà máy và sa thải công nhân do nhu cầu xuống thấp, khiến các nhà máy của họ vận hành dưới mức công suất thiết kế. Chỉ trong năm ngoái, 72 lò cao luyện thép với tổng công suất 132 triệu tấn thép thô trên thế giới phải dừng hoạt động, theo Ngân hàng UBS.

Năm nay, Tổng thống Mỹ, Joe Biden đề xuất kế hoạch chi tiêu để xây dựng cơ sở hạ tầng và Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc đẩy chi tiêu cho các công nghệ sản xuất thép sạch để đạt mục tiêu đưa phát thải carbon trong ngành thép về mức zero ròng.

Kế hoạch đầu tư hạ tầng của Mỹ và chương trình phục hồi kinh tế đặt trọng tâm vào các công nghệ xanh của EU ở thời kỳ hậu Covid-19 sẽ cần rất nhiều thép. Hồi tháng 6, Tổng thống Joe Biden và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã nhất trí gói chi tiêu 579 tỉ đô la để đầu tư cho cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu cống, đường sắt, trạm sạc xe điện và nhà ở xã hội. Theo ước tính của Công ty tư vấn CRU Group, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden sẽ đẩy tăng nhu cầu thép 5 triệu tấn mỗi năm trong 5 năm đầu tiên.

Các nhà sản xuất thép như Nucor, U.S. Steel (Mỹ) và SSAB (Thụy Điển) nằm trong số những cỗ máy tạo lợi nhuận lớn nhất trong ngành thép của phương Tây trong năm 2021. Tập đoàn thép đa quốc gia ArcelorMittal (Luxembourg), nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, dự kiến sẽ kiếm được mức lợi nhuận lớn hơn McDonald’s hay PepsiCo trong năm nay, theo ước tính của giới phân tích.

Ít nhà phân tích kỳ vọng thời kỳ huy hoàng của thị trường thép sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Ngân hàng Keybanc Capital Markets và Ngân hàng Bank of America dự báo các đơn hàng tồn đọng, vốn đang thúc đẩy đà tăng giá thép ở Mỹ, sẽ bắt đầu được giải quyết hết trong năm nay.

Nhưng một số nhà phân tích dự báo đà tăng giá thép hiện nay có thể báo hiệu các chu kỳ thị trường tốt đẹp trong dài hạn với giá thép sẽ dần ổn định ở mức bền vững hơn trước đây. Tom Price, Giám đốc chiến lược hàng hóa ở Công ty Liberum Capital, nhận định: “Ngành công nghiệp thép bên ngoài Trung Quốc có thể sẽ bước vào thời kỳ phục hưng. Chúng ta có thể chứng kiến câu chuyện xoay chiều vì các nền kinh tế phương Tây đang rất cần thép”.

Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của Tập đoàn thép đa quốc gia ArcelorMittal (Luxembourg), nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, sẽ đạt hơn 15 tỉ đô la trong năm nay,  lớn hơn EBITDA của McDonald’s, PepsiCo cũng như hãng dược Moderna, theo dự báo của các nhà phân tích của Bloomberg. Ảnh: Bloomberg

Được hưởng lợi nhờ Trung Quốc hạn chế công suất thép

Diễn biến của thị trường thép tại Trung Quốc là vấn đề mấu chốt cho sự hồi sinh của các công ty thép phương Tây vì nước này sản xuất hơn 50% sản lượng thép của thế giới, phần lớn ở các lò cao được nung bằng than.

Chính phủ Trung Quốc đã tỏ rõ quyết tâm xóa bỏ gánh nặng chi phí môi trường trong ngành công nghiệp thép bằng cách khống chế sản lượng thép thông qua các biện pháp như hoán đổi công suất (bắt buộc các nhà máy thép nâng cấp công nghệ sản xuất thép với mức công suất thấp hơn trước đây) và bãi bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu thép.

Tomas Gutierrez, Giám đốc dữ liệu của Công ty  Kallanish Commodities, nói: “Các hạn chế này của Trung Quốc chắc chắn sẽ được triển khai, nhờ đó, các nhà sản xuất thép ở nước ngoài có thể dễ thở hơn một chút”.

Tuy nhiên, Lu Ting, nhà phân tích ở Công ty nghiên cứu thị trường Shanghai Metals Market, cho rằng mục tiêu trên của chính phủ Trung Quốc sẽ rất khó đạt được vì sản lượng thép của nước này vẫn duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm, thậm chí đạt mức cao kỷ lục 99,45 triệu tấn trong tháng 5. Nhờ các biện pháp kiểm soát môi trường, sản lượng thép của Trung Quốc giảm 5,6% trong tháng 6 nhưng vẫn cao hơn 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay cả khi nhu cầu tăng, các nhà sản xuất thép phương Tây cũng không sốt sắng nâng cao công suất. Tại đại hội cổ đông hồi tháng 4, Giám đốc điều hàng US Steel, David Burritt nói rằng công ty ông không có kế hoạch tái khởi động hai lò luyện cao đóng cửa vào năm ngoái.

Công ty Cleveland-Cliffs, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 của Mỹ, dự định dỡ bỏ một nhà máy thép ở bang Kentucky cũng như một lò luyện cao ở bang Indiana. Lourenco Goncalves, Giám đốc điều hành Cleveland-Cliffs, nói rằng các cơ sở này sẽ không hoạt động trở lại vì trọng tâm của công ty lúc này là trả bớt nợ.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thép ở châu Âu cũng không mặn mà đầu tư cho công suất mới sau khi trải qua một thập niên giảm công suất. ArcelorMittal cho biết ưu tiên của tập đoàn này là tạo lợi nhuận vững chắc cho cổ đông.
Các công thép châu Âu không mạnh dạn mở rộng công suất một phần là vì họ lo ngại chính sách bảo hộ của các chính phủ trong khu vực để hỗ trợ ngành thép sẽ không kéo dài.

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính sách bảo hộ đó sẽ sớm chấm dứt. Tổng thống Joe Biden vẫn chưa dỡ bỏ thuế phạt mà cựu Tổng thống Donald Trump áp vào thép nước ngoài kể từ năm 2018. Trong khi đó, hồi tháng trước, EU nhất trí gia hạn các biện pháp bảp hộ ngành thép trong khu vực thêm 3 năm nữa.

Các nước châu Á khác có thể lấp vào khoảng trống công suất thép của Trung Quốc khi nước này triển khai các biện pháp loại bỏ các nhà máy thép lạc hậu. Công ty JSW Group, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ cho biết sẽ đạt mục tiêu tăng công suất hơn gấp đôi, lên mức 45 triệu tấn mỗi năm trước năm 2030. Các nước Đông Nam Á, bao gồm Malaysia và Indonesia, cũng sẽ mở rộng công suất thép thêm 60 triệu tấn/năm vào cuối thập niên này, theo Công ty tư vấn Wood Mackenzie.

Link gốc tại đây.

TheSaigontimes tổng hợp theo Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Quốc gia nào sẽ là quốc gia cuối cùng thoát khỏi lạm phát?
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Quốc gia nào sẽ là quốc gia cuối cùng thoát khỏi lạm phát?

Lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt, với mức tăng giá trung bình tại các nước phát triển trong tháng 1 năm 2024 là 5.7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức đỉnh điểm 10.7% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, tình hình lạm phát ở các quốc gia lại có sự khác biệt đáng kể. Trong khi một số quốc gia đã kiểm soát được, thì một số khác vẫn đang phải vật lộn để kiềm chế đà lạm phát.
JPMorgan: Việc đổ xô vào các cổ phiếu tăng nóng có thể khiến thị trường chứng khoán sụp đổ bất cứ lúc nào
Vân Chi

Vân Chi

Junior Editor

JPMorgan: Việc đổ xô vào các cổ phiếu tăng nóng có thể khiến thị trường chứng khoán sụp đổ bất cứ lúc nào

Điều được quan tâm thị trường chứng khoán hiện tại là, đâu sẽ là dấu hiệu kết thúc của đợt phục hồi kéo dài 5 tháng của chứng khoán Mỹ. Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường chứng khoán Mỹ Dubravko Lakos-Bujas của JPMorgan Chase Co. cho rằng các nhà đầu tư sẽ khó có thể nhận diện mà sẽ bất ngờ khi điều đó xảy ra.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ