Lạm phát Nhật Bản tiếp tục leo lên mức cao mới, đã tới lúc BOJ từ bỏ chính sách nới lỏng?

Lạm phát Nhật Bản tiếp tục leo lên mức cao mới, đã tới lúc BOJ từ bỏ chính sách nới lỏng?

Lê Nhật Thanh

Lê Nhật Thanh

Junior Analyst

09:59 23/12/2022

Thực phẩm chế biến tiếp tục là yếu tố hàng đầu khiến lạm phát tăng cao. Đồn đoán gia tăng khiến BOJ sẽ xem xét nhiều thay đổi chính sách trong tương lai.

Lạm phát ở Nhật Bản tăng nhanh, hỗ trợ kỳ vọng thắt chặt của chính phủ
Lạm phát ở Nhật Bản tăng nhanh, hỗ trợ kỳ vọng thắt chặt của chính phủ

Thước đo lạm phát chính của Nhật Bản tiếp tục tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981. Kết quả này khiến thị trường tiếp tục xôn xao về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ lại gây bất ngờ với một sự thay đổi chính sách nào đó trong tương lai.

Giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 3.7% so với một năm trước trong tháng 11, theo báo cáo của Bộ Nội vụ hôm thứ Sáu. Kết quả cho chỉ số cơ bản mà BOJ nhắm đến phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế. Mức tăng trong lạm phát tổng thể yếu hơn một chút so với dự kiến.

Thực phẩm chế biến tiếp tục là yếu tố hàng đầu khiến lạm phát tăng cao khi tác động của chúng lên lạm phát vượt xa tác động của chi phí năng lượng. Một loạt các biện pháp của chính phủ bao gồm trợ cấp du lịch đã giúp giữ mức tăng giá dưới 4%.


Sau khi dữ liệu được công bố, thị trường trái phiếu của Nhật Bản không có nhiều phản ứng. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn không có động thái gì, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm giảm 1 điểm cơ bản xuống 0.205% vào lúc 10:05 sáng tại Tokyo. Lãi suất hoán đổi cho các hợp đồng 10 năm tăng 4 điểm cơ bản lên 0.84%, vẫn thấp hơn mức cao nhất trong 9 năm là 0.9% mà nó đạt được vào thứ Ba.

Tuy nhiên, sau quyết định gây sốc về việc cho phép lợi suất trái phiếu tăng cao hơn của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, việc lạm phát tăng nhanh sẽ khiến cho thị trường tiếp tục đồn đoán rằng ngân hàng trung ương đang tiến gần hơn đến việc xoay trục chính sách.

Lạm phát cơ bản đã vượt quá mục tiêu giá 2% của BOJ trong tám tháng liên tiếp. Lạm phát lõi - không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng hiện đã đạt 2.8%, cho thấy đà tăng đang tiếp tục.

Koya Miyamae, nhà kinh tế cấp cao tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Một thay đổi chính sách có thể xảy ra vào mùa xuân sau khi thống đốc mới nắm quyền điều hành và việc đàm phán tiền lương có kết quả.” Miyamae cho biết thị trường không nên loại trừ khả năng thay đổi diễn ra sớm hơn, vì Kuroda đã có lần đột ngột thay đổi lập trường 180 độ trong lịch sử.

“Kuroda có thể nói điều gì đó hoàn toàn khác với những gì ông ấy đã nói ngay trước cuộc họp, vì vậy thị trường nên hoài nghi,” ông nói.

Kuroda đã làm rung chuyển các thị trường trên toàn thế giới vào thứ Ba khi thông báo rằng ngân hàng trung ương sẽ mở rộng mục tiêu lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên khoảng 0.5%, gấp đôi giới hạn trước đó là 0.25%. Thống đốc cho biết đây không phải là một động thái thắt chặt, nhưng nó cũng dẫn đến suy đoán rằng đây là một bước để thoát khỏi thập kỷ nới lỏng tiền tệ của nước này.

Kuroda nhắc lại sau quyết định rằng ông thấy giá cả sẽ tăng chậm lại vào năm tới và cần tăng thêm tiền lương để giá tăng bền vững.

Theo Eisuke Sakakibara, cựu thống đốc được mệnh danh là “Mr. Yen” vì ảnh hưởng của ông đối với đồng tiền này vào cuối những năm 1990, việc thắt chặt chính sách hoàn toàn có thể đến vào ngay tháng sau.

Goldman Sachs cho biết động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương có thể là loại bỏ chính sách lãi suất âm. Takatoshi Ito, một ứng cử viên kế nhiệm Kuroda cũng cho biết các động thái trong tuần này có thể là bước đầu tiên để dừng lại.

Vào tháng 11, 882 mặt hàng thực phẩm bao gồm các sản phẩm từ sữa đã tăng giá, theo khảo sát của Teikoku Databank. Báo cáo cũng dự báo rằng giá của hơn 4,400 sản phẩm thực phẩm sẽ tăng trong năm tới, với mức tăng cao nhất dự kiến ​​vào tháng Hai.

Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế của Thủ tướng Fumio Kishida lại đi ngược lại nỗ lực giảm giá của chính phủ trong năm mới. Các biện pháp cứu trợ trị giá 39 nghìn tỷ Yên (295 tỷ USD) trong chi tiêu tài chính bao gồm các khoản trợ cấp sẽ được tung ra nhằm giảm khoảng 20% ​​hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình.

Mặc dù các nhà kinh tế kỳ vọng những khoản trợ cấp đó sẽ bắt đầu có tác động mạnh mẽ đến lạm phát ngay từ tháng Giêng, nhưng dữ liệu cho tháng tới sẽ không được công bố cho đến sau cuộc họp tháng Giêng của BOJ. Đồng yên tiếp tục tăng cao kể từ mức cao nhất vào tháng 10 cũng có thể sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến giá nhập khẩu.

Theo quan điểm mà chính phủ chia sẻ trong dự báo kinh tế mới nhất của mình, BOJ vẫn thấy lạm phát chậm lại dưới 2% trong năm tài chính tới. Ngân hàng trung ương sẽ đưa ra nhận định mới nhất về giá cả và tăng trưởng trong cuộc họp chính sách tiếp theo sẽ được tổ chức đến ngày 17 và 18 tháng 1.

Lạm phát gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến nhận định của chính phủ về giá cả. Kishida được cho là đang lên kế hoạch xem xét lại thỏa thuận 10 năm với ngân hàng trung ương. Phương tiện truyền thông địa phương cho biết Kishida sẽ xem xét thêm tính linh hoạt cho mục tiêu lạm phát của mình, mặc dù các quan chức chính phủ bác bỏ điều này.

Trong khi đó, tiền lương đã giảm trong bảy tháng liên tiếp, một thực tế mà Kuroda đã nhiều lần đưa ra như một vấn đề đáng lo ngại. Sự chú ý cũng đồ dồn vào kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân hàng năm sắp diễn ra, sự kiện chỉ vài tuần trước khi Kuroda từ chức vào tháng Tư.

Các nhà kinh tế kỳ vọng tiền lương sẽ tăng ở một mức độ nào đó, do sự tăng giá gần đây, cũng như là hoạt động kinh doanh tương đối tốt của các công ty Nhật Bản trong năm nay nhờ đồng yên yếu hơn.

Miyamae của SMBC Nikko cho biết: “Có khả năng BOJ sẽ có hành động tiếp theo tùy thuộc vào quá trình đàm phán tiền lương cơ bản diễn ra như thế nào.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Morgan Stanley cảnh báo về cú sốc CPI của Tokyo
Vân Chi

Vân Chi

Junior Editor

Morgan Stanley cảnh báo về cú sốc CPI của Tokyo

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley MUFG Securities cảnh báo nguy cơ dữ liệu lạm phát ở Tokyo sẽ gây ra phản ứng bất ngờ trên thị trường ngoại hối vào sáng thứ Sáu chỉ vài giờ trước quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ