Haruhiko Kuroda - Samurai đơn độc

Haruhiko Kuroda - Samurai đơn độc

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

21:04 24/09/2022

Đồng Yên đang trả giá trước chính sách siêu nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Trừ khi BoJ thực sự xoay trục, rất khó để JPY phục hồi bền vững.

Ngay khi thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda dứt lời rằng chính sách sẽ tiếp tục nới lỏng, chính phủ Nhật Bản lập tức vào cuộc. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về việc liệu có phải chính sách của BoJ đang khiến JPY chịu sức ép lớn như vậy hay không, thì những gì xảy ra vào thứ Năm đã xóa sạch mọi nghi ngờ đó. Bộ Tài chính Nhật Bản, bên đưa ra chính sách về đồng Yên, đã can thiệp lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ để cứu lấy đồng tiền bị vùi dập nặng nề của mình. Hoạt động bán USD mua JPY của họ đã đạp USDJPY từ hơn 145 xuống 141. Khi đó, thống đốc Kuroda còn chưa rời khỏi phòng họp báo sau khi bảo vệ lập trường của ngân hàng trung ương. Lập trường đó là gì? Lãi suất âm, giữ lợi suất trái phiếu gần 0 và tiếp tục định hướng việc nới lỏng trong tương lai. BoJ vẫn bảo thủ với chính sách, dù lạm phát đã vượt mục tiêu 2%. Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda, một quan chức cấp cao về tiền tệ tại Nhật Bản, nói rằng Nhật Bản đã “hành động quyết đoán” để chống lại những biến động bất chợt và một chiều. Những gì Nhật Bản nói và làm trong thời gian sắp tới sẽ cực kỳ quan trọng. Nếu mục tiêu của họ là gây thêm biến động cho thị trường và hạn chế đà giảm của JPY, không khó. Nhưng nếu họ muốn đảo chiều cả thị trường, khó hơn rất nhiều. Chính sách phải nhất quán để điều đó xảy ra. Và trong khi ông Kuroda dành cả cuộc họp nói rằng sẽ vẫn giữ nguyên chính sách nới lỏng, thị trường lúc này lại chỉ quan tâm đến thắt chặt.

Đồng Yên đã mất 20% giá trị so với USD trong năm nay. Động lực chính là chênh lệch lãi suất ngày càng tăng giữa Mỹ và Nhật Bản. Khoảng cách giữa Fed và BoJ tiếp tục được nới rộng khi ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 75bp thứ Tư vừa rồi, đồng thời đánh tiếng sẽ thắt chặt mạnh tay cho đến khi lạm phát thực sự hạ nhiệt. Để thấy được Nhật Bản đang đơn độc thế nào, Thụy Sĩ, và thậm chí Philippines cũng đã tăng lãi suất lúc ông Kuroda đang họp báo. Để đồng Yên vực dậy, BoJ phải cho thấy mình sẵn sàng thay đổi, dù chỉ là rất nhỏ. Sự bảo thủ của ông Kuroda khiến công việc này càng thêm khó khăn. Sự ì ạch của BoJ cũng được thấy bởi cách họ rút dần kế hoạch hỗ trợ Covid cho doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo chương trình này sẽ kết thúc trong tháng 9.

Không ai nghĩ BoJ sẽ kết thúc kiểm soát lợi suất trái phiếu, giữ lợi suất 10 năm dưới 0.25%, chứ đừng nói đến việc họ nâng lãi suất, hiện đang còn ở mức -0.1%. Nhật Bản có lý do của họ: thống đốc Kuroda tin rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt và lo ngại kinh tế toàn cầu trì trệ. Áp lực giá đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng vẫn thấp hơn Mỹ hay châu Âu. Có lẽ ông là người cuối cùng vẫn coi lạm phát chỉ là tạm thời. Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc tiếp tục nới lỏng chính sách. Ông Kuroda sẽ cẩn trọng với ngôn từ của mình trước những đồn đoán về việc xoay trục. Chỉ một thay đổi nhỏ trong định hướng chính sách cũng sẽ khiến cả thị trường nghĩ BoJ sẽ làm gì để thắt chặt. Và dù BoJ có thể không muốn điều này, ít nhất đồng Yên cũng sẽ được hỗ trợ. Nếu BoJ không thay đổi, can thiệp đơn phương sẽ là không đủ để ngăn cản đà giảm của JPY.

Và việc thống đốc Kuroda có vẻ đã từ bỏ định hướng chính sách trên trong một phát biểu tại New York cũng đã khiến ta nghi nghi. Sau khi nhấn mạnh vai trò hỗ trợ kinh tế của BoJ, ông nói thêm rằng “cùng lúc đó, tôi không nghĩ kinh tế Nhật Bản đang ở vị thế quá dễ bị tổn thương để tiếp tục nới lỏng.” Không khó hiểu nếu ta bắt đầu nghĩ BoJ sẽ chuyển sang cân bằng hơn. Liệu ông đã nói điều gì đó không vừa lòng nội bộ? Ông còn nói trong thứ Năm rằng định hướng chính sách sẽ còn kéo dài thêm trong 2 đến 3 năm nữa. Trên thực tế, BoJ sẽ chỉ bị ràng buộc đến khi nào ông Kuroda hết nhiệm kỳ vào tháng 4/2023. Có lẽ ông Kuroda đang học từ lịch sử. Sau nhiều lần tăng lãi suất trong vài thập kỷ gần đây từ mức rất thấp, các quan chức Nhật Bản lại phải nhanh chóng nới lỏng trở lại. Điều đó đã xảy ra vào năm 2000, 2007 và 2008. Bài học có vẻ là Nhật Bản thắt chặt càng muộn, họ sẽ phải nới lỏng trở lại càng sớm. Không ai ở Nhật nói JPY cần mạnh nhất thế giới. Họ biết rằng các yếu tố cơ bản đang chống lại họ. Họ lấp liếm bằng việc nói không thích hoạt động đầu cơ và việc thị trường quá khích. Họ chắc chắn sẽ muốn đồng yên giảm từ từ hơn. Nhưng họ lại không cầm đằng chuôi. Trong vài tháng trước, Fed còn chưa tăng lãi suất 75bp kể từ năm 1994. Đến giờ, họ đã tăng 3 lần liên tiếp, với lần thứ 4 trong tháng 11 vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, ông Kuroda cũng từng là người đứng đầu bộ phần tiền tệ tại Bộ Tài chính và cũng trực tiếp ra lệnh nhiều đợt can thiệp. Bình luận của ông sau động thái này sẽ còn được quan tâm hơn nữa. Nhật Bản cũng sẽ cố gắng để không để lộ những xung đột bên trong. Dù là điều hướng hay ổn định thị trường, nói cũng sẽ phải đi đôi với làm. Nhật Bản luôn được biết đến là một nơi bảo thủ. Và BoJ có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Có lẽ ta sẽ phải chờ đến người kế nhiệm của ông Kuroda để biết xem chính sách của BoJ tiến triển, hay thụt lùi ra sao, tuy vào việc họ muốn thấy đồng Yên sập sâu đến đâu.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Cập nhật thị trường phiên Á 18.04: Chứng khoán châu Á khởi sắc khi đồng yên và đồng won được hỗ trợ
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Cập nhật thị trường phiên Á 18.04: Chứng khoán châu Á khởi sắc khi đồng yên và đồng won được hỗ trợ

Chứng khoán châu Á khởi sắc hôm thứ Năm (18/04) trong bối cảnh nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng hạ lãi suất của Fed, và giới chức trách hỗ trợ đồng yên và won tăng giá, giúp ổn định thị trường tiền tệ và khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính khu vực.
"Reflation Trade" - Ngôi sao mới nổi trên Phố Wall?
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

"Reflation Trade" - Ngôi sao mới nổi trên Phố Wall?

Reflation - “Lạm phát quay trở lại” đang trở thành câu chuyện đầu tư lạc quan mới khi mức định giá cổ phiếu tiếp tục tăng vượt trội so với mức tăng lợi nhuận doanh nghiệp, theo quan điểm của Goldman Sachs và Tony Pasquariello.
Lãi suất cao nhưng kinh tế vẫn cứ "phất"? - Cuộc tranh luận không hồi kết. Ai sai, ai đúng và thực tế thế nào?
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

Lãi suất cao nhưng kinh tế vẫn cứ "phất"? - Cuộc tranh luận không hồi kết. Ai sai, ai đúng và thực tế thế nào?

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới mỗi tháng, khiến các chuyên gia từng dự báo suy thoái phải "ngậm ngùi" thừa nhận sai lầm. Giữa bối cảnh này, một luồng tư tưởng mới đang dần manh nha trên Phố Wall.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ